Thứ sáu 27/12/2024 10:43

Năm 2024, doanh nghiệp Việt Nam đang có động lực, tinh thần phát triển mạnh mẽ

Từ đà phát triển trong năm 2023, bước vào năm 2024 cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang có nhiều động lực, tinh thần phát triển mạnh mẽ.

Trước thềm đón chào năm mới Giáp Thìn 2024, T.S Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch thường trực, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) đã có cuộc trao đổi, chia sẻ với Báo Công Thương về triển vọng hoạt động kinh doanh của cộng đồng /chu-de/doanh-nghiep-viet.topic.

Hoạt động của doanh nghiệp kỳ vọng sẽ khởi sắc, phát triển tốt hơn, bền vững hơn trong năm 2024. Ảnh: TTXVN

Nhìn lại năm 2023, xin ông cho biết những dấu ấn phát triển tích cực của cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh đầy thử thách và không ít khó khăn?

Như chúng ta thấy, năm 2023 trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu, cũng như kinh tế trong nước hoạt động kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều thách thức. Tuy nhiên, giai đoạn cuối năm, kinh tế trong nước dần khởi sắc, hoạt động kinh doanh, sản xuất, xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp phục hồi và bứt tốc.

Sự chuyển biến đó thể hiện qua các chỉ số sản xuất, xuất khẩu, tỷ lệ lao động việc làm tăng trưởng tích cực. Đặc biệt, sự phục hồi của doanh nghiệp còn thể hiện qua con số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng.

Cụ thể, năm 2023, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 159.294 doanh nghiệp, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2022, đây là lần đầu tiên chạm mức kỷ lục, gấp 1,2 lần mức bình quân giai đoạn 2017-2022 và tăng 4,6% so với ước thực hiện cả năm 2023. Bên cạnh đó, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm 2023 đạt 58.412 doanh nghiệp, qua đó, góp phần đưa số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường tiếp tục ở mốc trên 200 nghìn doanh nghiệp.

Góp phần cho sự phục hồi, phát triển của doanh nghiệp, trước hết phải kể đến tác động từ các quyết sách, chính sách hỗ trợ quan trọng của nhà nước. Đáng kể, một loạt các giải pháp đã được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tích cực thực hiện như: Giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định thị trường ngoại hối; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; triển khai các gói tín dụng hỗ trợ các ngành, lĩnh vực; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản; công tác an sinh xã hội được quan tâm kịp thời, thiết thực.

Đồng thời, cũng chính trong thời điểm khó khăn nhất, quyết tâm cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, đầu tư của Chính phủ trở thành nhân tố quan trọng đối với doanh nghiệp. Đặc biệt, Chính phủ luôn kiên định phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ”, không bỏ ai lại phía sau trong quá trình cải cách vì thế các văn bản pháp luật, các chính sách ngày càng thể hiện rõ nét tư tưởng, tinh thần vì doanh nghiệp. Đây chính là nền tảng quan trọng để doanh nghiệp hoạt động, phát triển và nhờ đó đã góp phần vào tăng trưởng kinh tế trong năm 2023.

Ngoài ra, theo tôi, để nhìn lại một năm hoạt động, phát triển của doanh nghiệp cũng phải nhấn mạnh rằng, những địa phương nào thực hiện công tác cải cách môi trường kinh doanh, đầu tư mạnh mẽ, cũng như có chính sách hỗ trợ linh hoạt, coi trọng hoạt động của doanh nghiệp chính là nơi doanh nghiệp phát triển rất tốt.

T.S Tô Hoài Nam – Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Ảnh: Cấn Dũng

Từ những kết quả tích cực của năm 2023, bước sang năm 2024, ông có thể chia sẻ về triển vọng hoạt động hoạt động kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa?

Trong bối cảnh nếu tình hình thế giới không có biến động lớn, kinh tế trong nước có nhiều lợi thế phát triển, đồng thời dựa vào đà cải cách thể chế, thực hiện đồng bộ mục tiêu của Chính phủ tại Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024 thì hoạt động của doanh nghiệp sẽ khởi sắc, phát triển tốt hơn, bền vững hơn.

Theo đó, chúng tôi đặt kỳ vọng rất lớn vào mục tiêu của Nghị quyết số 02/NQ-CP đó là tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh và phát triển các ý tưởng kinh doanh mới, sáng tạo. Cải cách theo hướng giảm số lượng thủ tục, thời gian, chi phí và rủi ro cho doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng xây dựng chính sách; thực hiện đánh giá tác động toàn diện dựa trên luận chứng khoa học và thực tiễn trước khi đề xuất ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các quy định tác động tới người dân, doanh nghiệp.

Cùng với đó, bước vào năm mới 2024, theo ghi nhận của chúng tôi, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang có động lực, tinh thần phát triển mạnh mẽ cũng như nhiều doanh nghiệp đang tìm hướng đi mới, nhất là chú trọng thúc đẩy khai thác kinh tế số, nâng cao sức cạnh tranh trong quá trình hội nhập của nền kinh tế. Theo đó, chúng tôi rất kỳ vọng điều này sẽ tiếp tục mang lại những cơ hội cho doanh nghiệp phát triển bứt phá mạnh mẽ.

Tuy nhiên, ngoài nỗ lực, quyết tâm của doanh nghiệp, các chính sách, môi trường kinh doanh cần tiếp tục cải thiện ra sao nhằm “tiếp sức” cho doanh nghiệp hoạt động, thưa ông?

Như tôi đã chia sẻ, năm 2023, chúng ta đều nhận thấy môi trường kinh doanh đã được cải thiện và có tác động tích cực đến doanh nghiệp song trước các nhu cầu đổi mới của nền kinh tế vì thế thời gian tới vẫn cần tiếp tục tăng cường đổi mới, cải cách mạnh mẽ, toàn diện hơn theo phương châm đã đề ra đó là lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm phục vụ.

Trong đó, cần khuyến khích phát triển dịch vụ công, nhằm công khai, minh bạch các thông tin về thủ tục hành chính; tháo gỡ vướng mắc về thủ tục hành chính, đồng thời tăng cường tiếp cận vốn doanh nghiệp, tạo cơ hội đổi mới sáng tạo, đầu tư sản xuất...

Mặt khác, các địa phương, Bộ ngành linh hoạt, năng động hơn trong phản ứng nhanh với thị trường; nâng cao cơ chế tương tác, tiếp nhận thông tin, lắng nghe người dân, doanh nghiệp về các điều kiện kinh doanh; tổ chức, thực hiện các diễn đàn đối thoại giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý, chính quyền địa phương để doanh nghiệp có cơ hội chia sẻ các khó khăn, vương mắc… qua đó có giải pháp tháo gỡ kịp thời.

Còn đối với doanh nghiệp, kinh doanh phải luôn đổi mới, cần tiếp tục cơ cấu mô hình quản trị, tập trung sản xuất kinh doanh bền vững, tăng cường chuyển đổi số, tuân thủ pháp luật ngày một tốt hơn. Đặc biệt là thường xuyên cập nhật các chính sách để nắm rõ các quy định, quyền lợi kinh doanh, qua đó tự tháo gỡ khó khăn cho mình.

Hơn thế, thị trường xuất khẩu ngày đòi hỏi khắt khe hơn, an toàn hơn cho người tiêu dùng, doanh nghiệp muốn khai thác lợi thế FTA mang lại phải chấp nhận luật chơi chung này. Theo đó, doanh nghiệp phải quan tâm, tuân thủ, đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất, xuất xứ, chất lượng sản phẩm của thị trường quốc tế.

Dù trước mắt sẽ có khó khăn, thách thức trong đầu tư phát triển, sản xuất hàng hoá theo hướng xanh, sạch do nguồn lực của doanh nghiệp hạn chế, tuy nhiên nếu kiên trì sẽ mang lại cơ hội xâm nhập các thị trường tiềm năng, thị trường lớn một cách bền vững cho doanh nghiệp. Dần dần, doanh nghiệp chúng ta sẽ tạo được vị thế, nâng cao được năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế, đồng thời khẳng định được thương hiệu cho sản phẩm, hàng hoá của Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!

Hoa Quỳnh (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục

Giám đốc kinh doanh Home Credit Việt Nam: Khách hàng là trọng tâm của mọi chiến lược

Công ty Thủy điện Sông Bung: Ứng dụng công nghệ giám sát máy biến áp theo thời gian thực

PC Thừa Thiên Huế: Thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa trong tháng Tri ân khách hàng

Vĩnh Phúc: Công ty cổ phần Hoàng Anh Agritech kỷ niệm 5 năm ngày thành lập

Petrolimex trao giải chương trình ‘Hóa đơn trao tay - Vận may bất ngờ’ khu vực Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh

Dược phẩm Napharco: Đem tới sản phẩm chất lượng chăm sóc sức khỏe Việt

Nhà máy Dược phẩm Napharco: Hiện đại hóa, tiên phong vì sức khỏe người Việt

13 kỹ sư EVNCPC được vinh danh 'Kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN' năm 2024

Cần rõ ràng các điều kiện về thuê bảo quản hàng dự trữ quốc gia

Hà Nội tôn vinh 109 doanh nhân, doanh nghiệp Thăng Long năm 2024

Nhiệt điện Phả Lại tổ chức ngày hội hiến máu nhân đạo hưởng ứng ''Tuần lễ hồng EVN lần thứ X''

Tôn Đông Á đạt giải Vàng Chất lượng Quốc gia

Mộc Châu Milk ứng dụng tiêu chuẩn quốc tế trong quản lý và chăn nuôi bò sữa

Chính thức cung cấp dịch vụ 5G tốc độ nhanh nhất hiện nay, VNPT bước vào không gian phát triển mới

Doanh nghiệp sữa Cô gái Hà Lan được Thủ tướng Chính phủ trao tặng Giải Vàng Chất lượng Quốc gia

EVN tiếp tục nâng cao chất lượng kinh doanh, dịch vụ khách hàng năm 2025

Bảo hiểm số OPES mang lại kết quả ‘xanh-bền’ từ cây sinh kế gieo tặng bà con Lộc Tân

PC Đắk Nông: Nhiều hoạt động tri ân ý nghĩa dịp cuối năm

Saigon Co.op tặng 900 vé xe 0 đồng cho người lao động về quê đón Tết Nguyên đán 2025

Grab và DatVietVAC hợp tác gia tăng quyền lợi cho người dùng tại Việt Nam