Mỹ lặp lại mối đe dọa tiếp tục đánh thuế thêm nếu Trung Quốc trả đũa
Khi được hỏi liệu Mỹ đã sẵn sàng để áp dụng các thuế mới trong trường hợp trả đũa từ Trung Quốc, Tổng thống Trump khẳng định “chắc chắn, tuyệt đối”. Đồng thời cho biết thêm rằng sự mất cân bằng thương mại hiện nay của Mỹ với Trung Quốc nghĩa là họ đã thực sự trả đũa. Tháng 9, Tổng thống Trump đã áp đặt thuế quan đối với hàng nhập khẩu gần 200 tỷ USD từ Trung Quốc và sau đó đe dọa tăng thêm thuế nếu Trung Quốc trả đũa. Trung Quốc sau đó đã đáp trả với mức thuế nhập khẩu lên khoảng 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ.
Dẫn chiếu cuộc chiến thương mại đang gia tăng, Quỹ Tiền tệ Quốc tế ngày 9/10 cho biết đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu cho năm 2018 và 2019. Trong khi đó, Tổng thống Trump đã lại chỉ trích Cục Dự trữ liên bang, rằng ngân hàng trung ương đang tăng quá nhanh lãi suất khi lạm phát đang rất nhỏ và dữ liệu của chính phủ cho thấy một nền kinh tế mạnh. FED cuối cùng đã tăng lãi suất trong tháng 9 và vẫn giữ nguyên kế hoạch của mình để thắt chặt chính sách tiền tệ, vì dự báo rằng nền kinh tế Mỹ sẽ được hưởng ít nhất ba năm tăng trưởng kinh tế. Hiện tại, lạm phát giá tiêu dùng của Mỹ cao hơn 2% hàng năm và tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất trong khoảng 40 năm qua.
Trong khi đó, tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc đến tháng 9 vừa qua có dấu hiệu giảm hơn nữa do sụt giảm các đơn hàng xuất khẩu. Các nhà kinh tế nhận thấy rằng bất kỳ sự sụt giảm nào nữa đối với tăng trưởng của Trung Quốc có thể khiến Bắc Kinh phải triển khai nhiều biện pháp kích thích hơn, đặc biệt là các bước đi thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa, nguồn lực chính để tạo việc làm. Tăng trưởng xuất khẩu tháng 9 của Trung Quốc có thể giảm xuống 8,9% so với năm trước và từ mức tăng 9,8% của tháng 8. Còn tăng trưởng nhập khẩu được kỳ vọng sẽ chậm lại, tới 15% so với mức tăng 19,9% hồi tháng 8. Trong trung hạn và dài hạn, nếu xung đột thương mại Mỹ- Trung tiếp tục duy trì, tăng trưởng của Trung Quốc có thể bị giảm vượt quá quy mô dự kiến hiện nay. Thặng dư tổng thể thương mại của Trung Quốc dự kiến giảm xuống còn 19,4 tỷ USD trong tháng 9 từ 27,89 tỷ trong tháng trước đó.
Tăng trưởng ở khu vực nhà máy của Trung Quốc đã đình trệ sau 15 tháng phát triển, với các đơn hàng xuất khẩu giảm nhiều nhất trong hai năm qua, một cuộc khảo sát doanh nghiệp tư nhân cho thấy. Tại Quảng Đông- tỉnh lớn nhất của Trung Quốc bởi GDP và là một trong những tỉnh định hướng xuất khẩu nhất, hoạt động sản xuất hầu như không phát triển vào tháng 9 sau khi ký các hợp đồng mua bán trong tháng trước. Hội đồng nhà nước Trung Quốc đã cam kết tăng mức giảm thuế cho các nhà xuất khẩu lần thứ hai trong năm nay, và các quan chức Trung Quốc đã hứa hẹn các bước đi bổ sung để giúp cho các công ty trong nước. Trong khi dữ liệu xuất khẩu chính thức đã cho thấy khả năng phục hồi đáng kinh ngạc trong năm nay, nhiều nhà phân tích tin rằng các công ty đã đẩy mạnh các chuyến hàng đến Mỹ để đánh bại các đợt thuế quan liên tiếp, làm tăng nguy cơ sụt giảm khi thuế quan mới được áp dụng.
Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã đánh thuế trả đũa lẫn nhau mới nhất vào ngày 24/9. Không có ngày cụ thể nào cho đợt thuế quan tiếp theo ngay cả khi Tổng thống Mỹ đã đe dọa áp thuế lên tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Mặc dù vậy cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung đã khiến cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế phải cắt giảm dự báo tăng trưởng của Trung Quốc trong năm tới từ 6,4% xuống 6,2%. Để giúp củng cố nền kinh tế, Trung Quốc ngày 9/10 đã tuyên bố cắt giảm lần thứ tư trong năm nay lượng tiền mặt mà các ngân hàng phải trích lập dự phòng, tăng cường kỳ vọng nới lỏng chính sách hơn để chống lại sự bùng nổ của cuộc chiến thương mại với Mỹ./.