Mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2023 hoàn toàn khả thi
Kiểm soát lạm phát là được coi là câu chuyện nóng của kinh tế Việt Nam những tháng đầu năm 2023 song lạm phát đã nhanh chóng được kiểm soát và giới chuyên gia có cái nhìn lạc quan hơn về việc kiểm soát trong năm 2023.
Chia sẻ tại Hội thảo về diễn biến thị trường, giá cả 6 tháng đầu năm 2023 do Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) tổ chức ngày 4/7/2023, sự suy giảm mạnh của lạm pháttrong 6 tháng đầu năm 2023 được các chuyên gia xem như đến từ những nguyên nhân chủ yếu.
Thứ nhất, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức thấp với tất cả các cấu thành của tổng cầu đều tăng trưởng chậm (đầu tư, tiêu dùng) hoặc sụt giảm (xuất khẩu).
Thứ hai, tăng trưởng cung tiền cũng thấp. Tổng phương tiện thanh toán tính đến ngày 20/6/2023 mới chỉ tăng 2,53% so với cuối năm 2022, thấp hơn cả thời kỳ xảy ra dịch bệnh Covid-19. Nguyên nhân chính khiến cung tiền tăng chậm, một mặt, là do tổng cầu yếu khiến nhu cầu tín dụng thấp, mặt khác, do các ngân hàng thương mại hạn chế cho vay khi lo ngại nợ xấu gia tăng. Những nguyên nhân này khiến số nhân tiền tệ hay tốc độ quay vòng tiền tệ bị suy giảm mạnh.
Thứ ba khiến lạm phát giảm mạnh là do lãi suất thực ở mức quá cao. Theo công bố của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay bình quân đến giữa tháng 6/2023 là 8,9%. Với lạm phát so với cùng kỳ hiện nay đang ở mức 2%, mức lãi suất cho vay thực là 6,9%, cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP cũng như mức lãi suất thực trung bình của giai đoạn 2013-2021 là 5,9% và 4,6%. Đây là mức lãi suất cản trở phục hồi kinh tế và tăng trưởng, đồng thời làm tăng nợ xấu.
Trong những tháng cuối năm lạm phát chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố. Trong đó tăng trưởng toàn cầu đã chậm lại đáng kể và nguy cơ căng thẳng tài chính tại các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi đang gia tăng trong bối cảnh lãi suất toàn cầu tăng cao.
Tốc độ tăng trưởng toàn cầu được dự báo giảm từ 3,1% năm 2022 xuống còn 2,1% năm 2023. Sự chững lại tăng trưởng kinh tế toàn cầu đặc biệt tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc làm giảm cầu tiêu dùng hàng xuất khẩu Việt Nam, dẫn đến suy yếu tổng cầu nền kinh tế, ghìm chế đà tăng lạm phát nước ta từ nay đến cuối năm 2023.
Cùng đó lạm phát toàn cầu mặc dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, ngân hàng Trung ương của nhiều quốc gia vẫn theo đuổi chính sách tiền tệ thắt chặt đã tác động mạnh tới tăng trưởng kinh tế, đầu tư, tiêu dùng. Nhiều nền kinh tế lớn, trong đó có các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam như Mỹ, EU đang tăng trưởng chậm lại nên nhu cầu một số nguyên nhiên vật liệu cơ bản có xu hướng giảm;
Giá năng lượng được kỳ vọng sẽ giảm sâu với mức giảm khoảng 26% trong năm 2023, sau đó có thể nhích nhẹ không quá 0,1% trong năm 2024. Trong năm 2023, giá dầu thô Brent trung bình được kỳ vọng sẽ ở mức 84 USD/thùng. Nhu cầu yếu ớt trên toàn cầu đã khiến mặt hàng năng lượng giảm 15% so với mức giá trung bình trong năm 2022, và dự báo sẽ ổn định ở mức giá này cho tới cuối năm 2024.
Với bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế hiện nay không mấy khả quan, cùng với sự thận trọng của cơ quan chức năng là trong việc hoạch định chính sách tiền tệ thời gian qua, lạm phát trong năm 2023 nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm, và mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4,5% năm nay chắc chắn sẽ được hoàn thành.
Tuy nhiên sức mua thấp, kết nối thấp giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, tồn kho, kết nối hệ thống phân phối còn yếu vẫn là những hiện tượng rát cần được quan tâm.
Khuyến nghị được các chuyên gia đưa ra trong việc tiếp tục kiểm soát lạm phát là tăng cường thực hiện đầu tư công theo ngân sách 2023 được Quốc hội phê duyệt, kết hợp với tăng cường kiểm soát hiệu quả, kiểm soát giá nguyên liệu đầu vào của các dự án công làm cơ sở thu hút đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Hai là tiếp tục xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ (hạ lãi suất và mở rộng tín dụng). Tuy nhiên, khuyến nghị cần kiểm soát chặt chẽ về giải ngân tín dụng đúng mục đích và hiệu quả khi sử dụng vốn vào sản xuất đảm bảo sản lượng tổng cung và hiệu quả kinh doanh.
Ba là, bình ổn thị trường ngoại hối và giá trị đồng tiền trong bối cảnh chính phủ sử dụng chính sách tiền tệ nới lỏng (đi ngược với xu hướng chính sách các nước trên thế giới). Cần duy trì tình trạng thặng dư cán cân thương mại đối với hàng hóa, tăng cường thu hút vốn FDI (giải quyết hiệu quả 3 vấn đề đặt ra là giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất và thu hút ngoại tệ thông qua dự án đầu tư, qua đó góp phần bình ổn thị trường ngoại tệ.
Bốn là, phối hợp các bộ ngành với chính quyền địa phương thực hiện tốt một số luật được Quốc hội thông qua như Luật giá sửa đổi, luật bảo vệ người tiêu dùng sửa đổi.