Công ty CP Hải Minh (trụ sở tại tầng 17, tòa nhà Pearl Plaza, 561A Điện Biên Phủ, phường 25, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh) đã gửi Văn bản số 0910/HM-TH ngày 9/10/2024 tới Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh để xin huỷ container hàng lạnh tồn đọng lâu ngày có nguy cơ hư hỏng, ô nhiễm môi trường.
Các doanh nghiệp đang chịu tổn thất lớn do tồn đọng container tại cảng. Ảnh minh họa |
Lãnh đạo Công ty Hải Minh cho biết, doanh nghiệp đã vận chuyển một container hàng lạnh nhập khẩu, loại thịt trâu không xương đông lạnh, cập cảng Cát Lái ngày 6/8/2023.
Sau khi lô hàng trên cập cảng Cát Lái, doanh nghiệp liên hệ người nhận hàng trên vận đơn để yêu cầu thực hiện trách nhiệm đóng chi phí liên quan và giải phóng hàng, trả container rỗng cho hãng tàu. Tuy nhiên, đến ngày 12/8/2023, người nhận hàng, Công ty TNHH Thương Mại Dịch Vụ Bình Nguyên Xanh SG, đã gửi Công văn số 01/CV từ chối nhận hàng với lý do họ không ký hợp đồng mua bán liên quan đến lô hàng trên.
Đối với lô hàng đông lạnh nêu trên, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I đã đăng thông báo tìm chủ hàng hóa tồn đọng số 972/TB-KVI ngày 22/02/2024, và đến nay đã hết thời hạn tiến hành thủ tục nhận hàng theo quy định.
Việc container tồn đọng tại cảng Cát Lái khiến Công ty Hải Minh chịu tổn thất lớn vì các chi phí lưu container, lưu bãi, phí chạy điện, và ảnh hưởng đến quá trình xếp dỡ của cảng cũng như việc sử dụng container rỗng của hãng tàu, trong khi các chi phí ngày càng tăng cao.
Theo tính toán của Công ty Hải Minh, doanh nghiệp đã chịu thiệt hại hơn 60.736 USD. Ngoài ra, vì hàng hóa bên trong container là hàng lạnh, dễ hư hỏng nên có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động, công nhân vận hành tại cảng, cũng như môi trường xung quanh.
Do đó, ngày 16/8/2024, Công ty Hải Minh đã gửi Công văn số 91/2024/CV-HMH tới Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I để xin mở container giám định và tiêu hủy lô hàng trên. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa nhận được văn bản trả lời từ các đơn vị liên quan.
Công ty Hải Minh mong muốn Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh nhanh chóng hướng dẫn thủ tục để tiêu hủy toàn bộ lượng hàng hóa trong container nhằm giải phóng mặt bằng cho cảng và thu hồi nhanh chóng container rỗng để đưa vào luân phiên khai thác.
Doanh nghiệp khẳng định, mọi chi phí liên quan đến việc tiêu hủy sẽ do đơn vị chịu trách nhiệm. Quá trình tiêu hủy sẽ do đơn vị có chức năng thực hiện nghiêm túc, phù hợp với quy định của pháp luật, không gây ô nhiễm môi trường và đảm bảo hàng hóa không bị tuồn ra ngoài trong quá trình tiêu hủy.
Trong thời gian qua, hàng loạt doanh nghiệp đã gửi văn bản tới Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, đề nghị được bỏ tiền túi để tiêu hủy hàng hóa tồn đọng và thu hồi vỏ container. Bao gồm Công ty TNHH Hapag – Lloyd Việt Nam, Công ty TNHH Đại lý Vận tải Evergreen Việt Nam, Công ty TNHH Cosco Shipping Lines (Việt Nam)... Tuy nhiên, đến nay, các doanh nghiệp vẫn chưa nhận được văn bản hướng dẫn hay trả lời từ các đơn vị liên quan.
Theo Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn, trong 9 tháng đầu năm 2024, số lượng hàng hóa tồn đọng quá 90 ngày tại Tân cảng Cát Lái tăng trung bình khoảng 4%/tháng, với các mặt hàng máy móc thiết bị cũ và bột xương thịt có xu hướng tăng cao. Tính đến ngày 15/9/2024, lượng hàng tồn đọng được ghi nhận là 5.543 container (khoảng 9.238 TEUs), chiếm gần 7% dung lượng bãi. Trong đó, các loại hàng tồn đọng chính bao gồm: máy móc, thiết bị cũ qua sử dụng: 1.765 TEUs; bột xương thịt: 606 TEUs; phế liệu: 1.558 TEUs; và các mặt hàng khác: 5.309 TEUs. Trong khi đó, lượng hàng hóa tồn đọng được xử lý tiêu hủy/thanh lý trong những năm qua vẫn còn rất hạn chế. |