Thứ bảy 03/05/2025 23:53

Môi trường thân thiện là lợi thế cạnh tranh

Nhằm xử lý những vấn đề tồn tại và tháo gỡ khó khăn đưa du lịch phát triển hơn nữa trong thời kỳ mới, Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 2/7/2015 về việc tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch, triển khai nhiều công việc từ xúc tiến tới quản lý giá, vệ sinh, văn hóa ứng xử…

Để thu hút du khách cần sự vào cuộc của cộng đồng

6 nỗi sợ của du khách

Ông Trần Du Lịch- Đại biểu Quốc hội từng dẫn lời phát biểu của Bộ trưởng Du lịch Thái Lan - rằng: “Làm du lịch không bao giờ thành công nếu chỉ đào tạo đội ngũ nhân viên du lịch chuyên nghiệp, quan trọng hơn là người dân địa phương phải có tâm của người chủ hiếu khách”. “Du lịch là ngành công nghiệp không khói mang lại giá trị gia tăng cao, nhưng thị trường du lịch là thị trường khó tính nhất so với các loại thị trường khác. Môi trường xã hội thân thiện với du lịch là lợi thế để cạnh tranh”- ông Lịch nhấn mạnh.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, sau 55 năm phát triển, mặc dù thành tựu của ngành du lịch là hết sức to lớn, nhưng so với nhiều nước trong khu vực, môi trường du lịch Việt Nam vẫn còn tồn tại quá nhiều vấn đề. Bất cập nhất là du khách đến Việt Nam luôn bị bao vây bởi 6 nỗi sợ. Đó là: Tình trạng chặt chém, làm giá; giao thông; ăn xin và ăn cắp vặt; vệ sinh an toàn thực phẩm; môi trường thiếu sạch sẽ; thái độ thiếu thân thiện của một số người dân.

Sự tồn tại của 6 nỗi sợ này được cho là do việc thực hiện quản lý nhà nước về du lịch nhiều nơi chưa nghiêm, chính quyền chưa phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc triển khai kịp thời, quyết liệt sự chỉ đạo của Chính phủ. Để xử lý những vấn đề tồn tại và tháo gỡ khó khăn nhằm đưa du lịch phát triển hơn nữa, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị 14/CT-Ttg tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch với mục tiêu tăng cường quản lý giá; bảo đảm an ninh, an toàn, ứng xử văn minh với khách du lịch…

Cần sự đồng hành của cộng đồng

Tại tọa đàm trực tuyến “Vì môi trường du lịch Việt Nam an toàn, thân thiện” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, nhiều ý kiến của doanh nghiệp, chính quyền cho rằng, để xây dựng môi trường du lịch an toàn, văn minh thân thiện cần dựa vào cộng đồng. Bà Nguyễn Lê Hương- Phó Tổng giám đốc Công ty Vietravel Hà Nội - cho rằng, vai trò của cộng đồng trong việc giữ gìn môi trường và hình ảnh du lịch là hết sức quan trọng. Theo bà Hương, câu chuyện về du khách Việt Nam mua điện thoại và bị “chặt chém” ở Singapore nhưng cả cộng đồng người dân nước bạn đã lên án mạnh mẽ để bảo vệ du khách Việt Nam là kinh nghiệm cho du lịch trong nước.

Về việc kiểm soát, quản lý thị trường, giá cả, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định - ông Bạch Ngọc Chiến - cho rằng, chính quyền cần kiểm soát sao cho phù hợp, nhưng mặt khác cần phải nâng cao nhận thức của người dân hoặc có hình thức trợ giá như thế nào để họ không tăng giá vô tội vạ…

Ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch - cũng khẳng định, muốn thực hiện thành công các chính sách phát triển, cải thiện môi trường du lịch cần có nhận thức và hành động đúng, trong đó, các cấp, các ngành, chính quyền địa phương đóng vai trò quyết định. Khi nào chính quyền thực sự vào cuộc, nhân dân ủng hộ, hưởng ứng thì chính sách mới thực sự đi vào cuộc sống.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam:

Mỗi người Việt hãy nở nụ cười, nói lời cảm ơn, xin lỗi, cúi xuống nhặt mẩu rác chợt nhìn thấy; hãy chú ý ăn mặc, đừng chen lấn, xô đẩy, cố lách, cố vượt lên ở chỗ đông người... “Những việc làm tử tế, những điều bình dị, tưởng chừng nhỏ nhặt ấy thực ra rất quan trọng, rất ý nghĩa không chỉ với ngành du lịch mà còn với nền văn hóa và con người Việt Nam”.

Bảo Thoa