Môi trường đầu tư Việt Nam nằm trong Top đầu ASEAN
Số lượng doanh nghiệp tăng nhanh
Theo ông Nakajima Takeo, những năm qua đầu tư của các DN Nhật Bản vào Việt Nam gia tăng nhanh chóng, hiện số lượng DN thành viên của JETRO tại Việt Nam đã lên đến 2.000 DN, trong khi đó những năm 1990 chỉ có 100 DN.
Số lượng doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam tăng nhanh |
Số liệu mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng cho thấy, 4 tháng đầu năm, các DN Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam 2,5 tỷ USD vốn FDI, chiếm 20,5% tổng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam trong 4 tháng. Với kết quả này, Nhật Bản cũng là quốc gia đứng thứ 2 về đầu tư vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm sau Singapore. Trong đó, dự án điển hình của Nhật Bản vào Việt Nam trong những tháng đầu năm là Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II, có tổng vốn đầu tư trên 1,32 tỷ USD, với mục tiêu xây dựng một nhà máy nhiệt điện, nhằm đáp ứng nhu cầu cung cấp điện cho lưới điện khu vực hệ thống điện quốc gia tại Cần Thơ được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào tháng 1/2021.
Lũy kế đến tháng 4/2021, các nhà đầu tư Nhật Bản đã đầu tư 4.690 dự án tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký 62,911 tỷ USD, và là quốc gia đầu tư lớn thứ 2 tại Việt Nam sau Hàn Quốc. Đặc biệt, các chuyên gia kinh tế nhận định, các dự án đầu tư của Nhật Bản tại Việt Nam được đánh giá cao về chất lượng cũng như đóng góp vào tăng trưởng kinh tế-xã hội tại Việt Nam.
Đáng chú ý, trong số hơn 4.690 dự án của nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam, có rất nhiều dự án của những thương hiệu toàn cầu như: Toyota, Honda, Canon… các dự án này không chỉ làm tăng sức hấp dẫn cho môi trường đầu tư Việt Nam, mà còn đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế-xã hội, tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Honda là một trong những thương hiệu lớn của Nhật Bản có mặt tại Việt Nam từ rất sớm |
Đang có sự dịch chuyển dòng vốn
Theo ông Nakajima Takeo, xu hướng đầu tư của DN Nhật Bản tại Việt Nam thời gian tới đang có sự dịch chuyển về các địa phương thay vì chỉ tập trung tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.
Trong đó, một trong những địa phương nhận được sự quan tâm lớn của nhà đầu tư Nhật Bản là tỉnh Vĩnh Phúc. Cụ thể, để sẵn sàng cho sự dịch chuyển về địa phương, Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) đã đầu tư Khu công nghiệp (KCN) Thăng Long – Vĩnh Phúc, đây dự báo sẽ là điểm đến của các DN Nhật Bản khi đầu tư tại địa phương này.
Bên cạnh dịch chuyển về các địa phương, ông Shinji Hirai – Trưởng đại diện JETRO TP. Hồ Chí Minh – cho biết: Các DN Nhật Bản còn đang có sự dịch chuyển từ khu vực sản xuất sang khu vực dịch vụ. Cụ thể, nếu trước đây có 40% DN Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam để mở nhà máy, xưởng sản xuất thì gần đây số DN đầu tư vào Việt Nam với mục đích trên chỉ còn khoảng 20%. Điều đó cho thấy, đã có sự chuyển dịch từ xây dựng nhà máy sản xuất sang khối thương mại, dịch vụ.
Lý do của sự dịch chuyển này theo JETRO có rất nhiều, trong đó quy mô dân số của Việt Nam dự báo đạt 106 triệu dân vào năm 2050, tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng, khiến thị trường Việt Nam được đánh giá là “miền đất hứa” cho các DN trong lĩnh vực bán lẻ. Cùng với đó, Việt Nam cũng được đánh giá là quốc gia có mức tăng trưởng kinh tế hàng năm thuộc hàng tốt nhất khu vực, khiến quy mô GDP ngày càng lớn. Vị thế của DN Việt Nam cũng không ngừng được cải thiện, thể hiện thông qua sự quan tâm của cộng đồng DN trong nước vào lĩnh vực khoa học-công nghệ. Với những yếu tố trên, rất nhiều DN bán lẻ lớn của Nhật Bản đã có mặt tại Việt Nam, như: AEON; Muji, FujiMart, Matsumoto Kiyoshi …
Nhà đầu tư Nhật Bản tại Việt Nam đang có sự dịch chuyển về các địa phương, tuy nhiên để hấp thụ được dòng vốn này, vai trò kết nối của mỗi địa phương và cộng đồng DN trong nước là vô cùng quan trọng. |