Cán bộ công chức phải kê khai tài sản lần đầu. Ảnh minh họa |
Luật PCTN hiện hành quy định đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản là cán bộ từ phó phòng ủy ban nhân dân cấp huyện và tương đương trở lên; một số cán bộ, công chức cấp xã, người làm công tác quản lý ngân sách, tài sản của Nhà nước hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân. Các đối tượng này có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập hàng năm.
Nhằm tăng cường công tác phòng chống tham nhũng, Dự thảo Luật sửa đổi theo hướng, bên cạnh các đối tượng kê khai theo luật hiện hành, thì mở rộng đối với mọi cán bộ, công chức đều phải có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập lần đầu.
Đa số ý kiến UBTP tán thành với quy định của dự thảo luật vì cho rằng, so với nhóm đối tượng giữ chức vụ từ giám đốc sở trở lên hoặc những cán bộ, công chức, viên chức khác làm việc ở một số vị trí công tác trong các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao cần phải kiểm soát chặt chẽ thì trước mắt, để phù hợp với thực tế và khả thi, nhóm đối tượng cán bộ, công chức còn lại chỉ cần kiểm soát tài sản, thu nhập ở mức độ đơn giản hơn, với mục đích chủ yếu nhằm tạo cơ sở dữ liệu để so sánh, đối chiếu khi tài sản, thu nhập của họ có biến động từ 300 triệu đồng trở lên trong 01 năm hoặc khi có tố cáo, có dấu hiệu về việc kê khai không trung thực. Đồng thời, so với luật hiện hành thì phương thức kê khai đã có sự thay đổi theo hướng thu hẹp đối tượng có nghĩa vụ kê khai hàng năm (chỉ bao gồm những người giữ các chức vụ cao hoặc làm việc ở những vị trí có nguy cơ tham nhũng cao), qua đó nhằm bảo đảm tập trung nguồn lực cho việc kiểm soát tài sản, thu nhập, tăng cường ý thức tuân thủ của người kê khai, bảo đảm tính khả thi và góp phần khắc phục được tính hình thức của việc kiểm soát tài sản, thu nhập như thời gian qua. Quy định này cũng là thể chế hóa quan điểm của Đảng được nêu trong Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) là “tiến tới tất cả cán bộ, công chức là đảng viên đều phải kê khai tài sản”.
Tuy nhiên cũng có một số ý kiến đề nghị thu hẹp đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, tập trung vào những vị trí có nguy cơ tham nhũng cao. Việc mở rộng sẽ được thực hiện khi đã làm tốt công tác kiểm soát tài sản, thu nhập của nhóm đối tượng này và có đủ nguồn lực cho việc kiểm soát.
Mặt khác, theo quy định của Luật PCTN hiện hành thì đối tượng phải kê khai là cán bộ giữ chức vụ từ phó phòng ủy ban nhân dân cấp huyện và tương đương trở lên và được thực hiện hàng năm; tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc kê khai tài sản, thu nhập còn hình thức, hiệu quả thấp. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do việc kê khai chủ yếu dựa vào ý thức tự giác của người kê khai, số người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập quá lớn (trung bình khoảng hơn 01 triệu bản kê khai mỗi năm), vượt quá khả năng của các cơ quan có trách nhiệm kiểm soát tài sản, thu nhập. Nếu mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai như dự thảo luật (cho dù là kê khai lần đầu) mà không theo dõi biến động, không xác minh tài sản, thu nhập của họ thì lại không khắc phục được tính hình thức như thời gian qua. Bên cạnh đó, việc mở rộng đối tượng kê khai nhưng lại đồng thời thu hẹp đầu mối cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập cũng sẽ tạo áp lực rất lớn đối với cơ quan này và có thể dẫn đến tiếp tục thiếu hiệu quả trong kiểm soát tài sản, thu nhập.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, muốn PCTN thực chất, hiệu quả thì cần có cơ chế kiểm soát thu nhập và thực hiện thanh toán qua tài khoản đối với mọi thành viên trong xã hội.
Hai phương án kiểm soát tài sản thu nhập
Về thẩm quyền kiểm soát tài sản thu nhập của cán bộ, công chức, dự thảo Luật sửa đổi lần này Chính phủ trình Quốc hội 02 phương án. Cụ thể, phương án 1: Giao cho Thanh tra Chính phủ tiến hành kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ từ Giám đốc sở và tương đương trở lên công tác tại tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Cơ quan thanh tra hoặc đơn vị phụ trách công tác tổ chức, cán bộ tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương (nơi không có cơ quan thanh tra), thanh tra cấp tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập đối với những người có nghĩa vụ kê khai khác công tác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình.
Phương án 2: Đối với người có nghĩa vụ kê khai công tác tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc chính phủ, chính quyền địa phương thì thực hiện như phương án 1. Đối với người có nghĩa vụ kê khai công tác tại Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm toán Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội thì giao cho cơ quan trung ương của các cơ quan, tổ chức này kiểm soát tài sản, thu nhập; đối với người có nghĩa vụ kê khai công tác tại Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ thì giao cho các cơ quan này kiểm soát; đối với người có nghĩa vụ kê khai là đại biểu Quốc hội chuyên trách thì giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiểm soát.
Bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp |
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (UBTP) của Quốc hội - Lê Thị Nga - cho biết, đa số ý kiến UBTP tán thành với phương án 2 của dự thảo luật vì đã tăng cường hơn tính tập trung, khắc phục một bước việc tổ chức dàn trải quá nhiều đầu mối cơ quan có thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập như hiện nay nhưng cũng không gây xáo trộn lớn về tổ chức, hoạt động của các cơ quan, đơn vị đang làm công tác này.
Đồng thời, so với Luật PCTN hiện hành, dự thảo luật đã bổ sung nhiều trường hợp bắt buộc phải xác minh tài sản, thu nhập; bổ sung cho cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập nhiều nhiệm vụ mới thì việc giao cho một đầu mối cơ quan kiểm soát là khó khả thi (các nhiệm vụ mới trong quá trình xác minh tài sản, thu nhập; trách nhiệm tham gia tố tụng tại tòa án trong trường hợp kết luận xác minh bị khởi kiện …).
Việc lựa chọn phương án này cũng hạn chế việc tăng áp lực công việc đối với cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập. Bên cạnh đó, với tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực của các cơ quan thanh tra hiện nay thì chỉ riêng việc thực hiện chức năng thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành và kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai trong các cơ quan của Chính phủ, chính quyền địa phương cũng đã quá tải. Vì vậy, việc tập trung đầu mối kiểm soát tài sản, thu nhập cho hệ thống cơ quan thanh tra như phương án 1 sẽ không khả thi nếu không bổ sung thêm biên chế, bộ máy; ngược lại nếu bổ sung thêm biên chế, bộ máy thì lại không thực hiện nghiêm nghị quyết của Đảng về thu gọn bộ máy, tinh giản biên chế. Mặt khác, việc giao cơ quan thanh tra kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại các cơ quan Đảng, Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cũng chưa thật phù hợp với cách thức tổ chức bộ máy nhà nước, tổ chức hệ thống chính trị và phân cấp quản lý cán bộ ở nước ta hiện nay.