Mặt hàng xuất khẩu nào sau 15 năm tăng trưởng dương lại đối diện tăng trưởng âm?
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 6/2023, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,1 tỷ USD, tăng 3,7% so với tháng 5/2023, nhưng giảm 23,3% so với tháng 6/2022.
Xuất khẩu gỗ |
Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 6,1 tỷ USD, giảm 28,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 4,1 tỷ USD, giảm 32,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Kinh tế thế giới vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khiến đơn đặt hàng của ngành gỗ giảm, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tới các thị trường chính trong nửa đầu năm 2023 đều giảm mạnh.
Trong đó, xuất khẩu tới thị trường Hoa Kỳ chiếm 54% tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, đạt 3,3 tỷ USD, giảm 33% so với cùng kỳ năm 2022.
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới Hoa Kỳ giảm mạnh khiến ngành gỗ khó đạt được mục tiêu đạt 18 tỷ USD trong năm 2023.
Ngoài ra, doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ còn phải đối mặt với các quy định, yêu cầu mới từ thị trường Liên minh châu Âu (EU)... Do vậy, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong những tháng cuối năm sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên trong bức tranh xuất khẩu chung, vẫn có những nhóm hàng tăng trưởng. Đơn cử như mặt hàng ván sợi có kim ngạch xuất khẩu sang Ấn Độ đạt gần 32 triệu USD, tăng 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Hay mặt hàng dăm gỗ, nửa đầu năm 2023, xuất khẩu đạt kim ngạch hơn 1 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2022. Trung Quốc và Nhật Bản vẫn là 2 thị trường chính tiêu thụ dăm gỗ xuất khẩu từ Việt Nam, trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm trên 70%.
Ông Đỗ Xuân Lập – Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) - nhận định, trong bối cảnh giá sản phẩm đang xuống đáy do nhu cầu thị trường thế giới đang giảm sâu, thị trường còn và đặt ra yêu cầu thời gian giao hàng nhanh, trong khi ngành gỗ đang ở tình trạng chi phí nhân công cao, tiêu phí nguyên vật liệu nhiều, đòi hỏi ngành gỗ, phải nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong đó, giải pháp về công nghệ là hết sức quan trọng.
“Tôi đã từng thăm một xưởng sản xuất các sản phẩm từ gỗ rừng trồng, thấy một nguyên liệu có trị giá hơn 3 triệu đồng/m3 nhưng qua giải pháp và công nghệ có thể đưa sản phẩm từ nguyên liệu rừng trồng đó lên hơn 3.000 USD” - ông Đỗ Xuân Lập cho biết.
Năm 2008, do tác động của khủng hoảng kinh tế, khiến xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng trưởng âm. Nhiều chuyên gia lo ngại, sau 15 năm tăng trưởng dương, dự báo, năm 2015, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đối diện tăng trưởng âm.
Sự phục hồi của ngành gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu sẽ phụ thuộc vào nhiều các yếu tố, bao gồm sự ổn định của tình hình kinh tế toàn cầu, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chủ lực như Hoa Kỳ và EU; cùng với việc thúc đẩy các biện pháp hỗ trợ xuất khẩu và khai thác các cơ hội mở rộng thị trường.
Nói về giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gỗ và lâm sản, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Trị thông tin, Bộ đã chỉ đạo ngành Lâm nghiệp tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả giải pháp phát triển bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ. Song song đó, phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn tình trạng gian lận thương mại, kiểm soát chặt chẽ gỗ nhập khẩu từ các nước có nhiều rủi ro.
Đặc biệt là bám sát, xây dựng kịch bản điều hành về xuất, nhập khẩu, bảo đảm mục tiêu đề ra năm 2023; tiếp tục phối hợp các đơn vị, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản phát triển thị trường xuất khẩu lâm sản phù hợp với luật pháp quốc tế.
Hiện Việt Nam xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang hơn 140 quốc gia. Cùng với sự nỗ lực từ phía các cơ quan chức năng, về phía các doanh nghiệp phải chuẩn bị sẵn sàng khi thị trường ấm lên. Đây cũng là giai đoạn doanh nghiệp cần nhìn lại để tái cơ cấu sau nhiều năm phát triển và tăng trưởng nóng. Đáng nói, hiện nay có tình trạng doanh nghiệp chủ yếu gia công và xuất khẩu qua các nhà buôn lớn mà chưa có được thương hiệu riêng, vì vậy, doanh nghiệp cần thiết phải đầu tư xây dựng thương hiệu để đi đường dài.