Lý Nhơn Thành - Khắc tinh của “giặc lửa”
Là người miền Nam, quê gốc Long An, Lý Nhơn Thành sinh năm 1966, là trẻ mồ côi, khi lớn lên gần 15 tuổi mới tìm gặp được cha mẹ ruột.
Trăn trở với “giặc lửa”
Năm 1988, Lý Nhơn Thành tham gia vào quân ngũ, giữ vai trò trinh sát, hoạt động tại chiến trường Campuchia… Sau đó anh xin ở lại chùa Preah Vihear, thời gian 6 năm ở đây giúp anh hiểu được những giá trị tốt đẹp về đạo lý, học được những điều quý giá về đạo đức, nhận thấy những chân lý đúng đắn từ kinh nhà phật, điều đó làm tiền đề giúp con người anh luôn hướng đến tính chân, thiện, mỹ và trở thành công dân có ích sau này.
Người dân Sài Gòn biết đến anh như một “tấm gương quần chúng”, vì đối với họ, anh luôn trong tư thế sẵn sàng giúp đỡ mọi người |
Những năm gần đây, báo chí nhắc đến tên Lý Nhơn Thành rất nhiều, bởi việc làm của anh gắn liền với những điều có lợi cho nhân dân, tốt cho xã hội. Hơn thế nữa, người dân Sài Gòn biết đến anh như một “tấm gương quần chúng”, vì đối với họ, anh luôn trong tư thế sẵn sàng giúp đỡ mọi người khi gặp khó khăn, trở ngại, nhất là những lần anh dũng cảm “chữa cháy”…
Năm 2008, Lý Nhơn Thành về công tác tại địa phương nơi anh sinh sống, hiện là Trưởng ban Bảo vệ dân phố, phường Nguyễn Thái Bình (quận 1, TP. Hồ Chí Minh). Tại đây, anh và tổ bảo vệ (chưa đến 15 người) đã tham gia hàng chục vụ chữa cháy lớn nhỏ, cứu được nhiều người đuối nước, tai nạn giao thông, đương đầu với tệ nạn cướp giật… trên địa bàn.
Riêng đối với mặt trận không có tiếng súng, không có tội phạm, nhưng mỗi lần “xung trận” anh dường như có thể đón nhận sự hy sinh bất cứ lúc nào. Tạm gọi “cái nghề” mà người ta tìm cách chạy ra ngoài thật nhanh để tránh khỏi ngọn lửa chết chóc, hung tàn… Còn với anh, thì bằng mọi cách có thể, cố đương đầu mà chạy thật nhanh vào cứu người, cứu tài sản, để bảo vệ an toàn cho nhân dân.
Trận hỏa hoạn kinh hoàng nhất đối với anh cách đây gần 20 năm, là lần tham gia chữa cháy tại Trung tâm thương mại ITC vào tháng 10/2002. "Thời gian đó, tôi là người đầu tiên có mặt tại hiện trường và một mình xoay sở ngăn lửa lan xuống tầng trệt, cứu được 200 tiểu thương, rất nhanh sau đó tôi cũng là người tham gia tìm nạn nhân trong vụ cháy, chứng kiến sự tang thương, mất mát của nhiều người khiến tôi nhớ mãi đến tận hôm nay” - anh Thành kể lại.
Cũng chính những nỗi trăn trở về cuộc chiến với “giặc lửa”, rất nhanh và khủng khiếp, anh đã dùng tiền cá nhân để tự tay thiết kế, chế tạo những chiếc mô tô chữa cháy mini, xe có kích cỡ nhỏ, linh động, tiện ích và kịp thời… để có thể giúp anh dập lửa nhanh chóng cả trong tận cùng ngõ cụt, tại các hẻm sâu, khuất, hay những nơi mà các loại xe chữa cháy chuyên dụng cỡ lớn không vào được.
Cho đến nay, sau nhiều năm gắn bó, tài sản “tự có” để chữa cháy và cứu hộ cứu nạn của anh Thành gần như đầy đủ, bao gồm: 1 mô tô, 1 xe ba gác, 1 xe bán tải và các công cụ chữa cháy được trợ giúp từ lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy TP. Hồ Chí Minh. Vì vậy, Ban bảo vệ khu phố nơi anh công tác, luôn trong tư thế chủ động “tác chiến” mọi lúc, mọi thời điểm khi người dân cần thiết…
Lý Nhơn Thành và chiếc xe ba gác được “tân trang” lại để phục vụ chửa cháy. |
Người hùng và chiếc xe ba gác
Qua những câu chuyện về lòng trắc ẩn của Lý Nhơn Thành kể, có thể nhận thấy con người anh luôn có tấm lòng yêu thương độ lượng, những năng lượng tích cực trong anh đã lan tỏa tới người xung quanh và các cộng sự. Trận đại dịch Covid-19 vừa qua có thể là phép thử để người dân đánh giá về anh, xem anh là người hùng của họ…
Anh Thành nhớ lại, thời điểm đỉnh dịch năm trước, tôi và rất nhiều anh em trong tổ bảo vệ dù chưa được tiêm phòng, nhưng luôn có tinh thần xông pha, kết hợp với sự tư vấn của bạn bè là y bác sĩ, rồi tự trang bị máy đo huyết áp, cồn xác khuẩn, găng tay và được hỗ trợ giấy đi đường từ cơ quan… nên khi được nghe báo tin nơi nào có F0 đang cần cấp cứu là anh em tổ bảo vệ chúng tôi có mặt ngay để ứng cứu.
"Thời khắc đỉnh điểm cấp bách đó, hầu như tâm lý ai cũng sợ F0 cả, nếu mình không làm thì ai làm đây, nên anh em tổ bảo vệ chúng tôi với tinh thần luôn sẵn sàng… Đồng thời tôi hay trấn an anh em, mình được xem là lực lượng bán vũ trang, với mục đích là phục vụ cho dân nên hãy cố gắng, nếu không may thời điểm này có chết, thì cũng chết trong vinh quang, vì cái chết của mình có lợi cho dân, vì dân vì cộng đồng mà chết cũng rất xứng đáng" - anh Thành nói.
Thời chiến, các cô bác hy sinh vì chiến đấu ngoài mặt trận, để bảo vệ đồng bào, bảo vệ đất nước, thì thời bình, trong điều kiện có thể, anh xác định sẵn sàng góp sức để chống dịch, giúp được nhân dân cái gì thì mình giúp, tùy theo sức của mình tới đâu sẽ làm việc phù hợp… Nhưng rồi ai cũng an toàn cả, chắc một phần do biết cách phòng hộ đúng đắn, một phần do trời thương.
Kể với phóng viên, anh Thành không ngại khoe "con chiến mã" được mua hồi tháng 8/2021, với mục đích “tân trang” lại để phục vụ chửa cháy, đó là chiếc xe ba gác có giá 75 triệu đồng, nhưng nó đã để lại cho anh nhiều kỷ niệm khó quên trong thời điểm dịch bệnh, giúp anh và tổ bảo vệ làm rất nhiều việc có ích…
"Đã rất nhiều lần tôi và mấy anh em cõng người bệnh trên vai, đi từ trên lầu xuống đất, bỏ lên băng ca, đưa từ trong hẻm ra bên ngoài, rồi lấy xe ba gác chở họ đến bệnh viện để cấp cứu… Nhưng có lẻ hạnh phúc nhất mà tôi nhận được là những cuộc điện thoại bất ngờ ngay sau đó từ bác sỹ bệnh viện… “anh Thành hả, ca này được cứu sống rồi nhé”. Lúc đó, anh em chúng tôi mừng lắm, ôm nhau khóc như đứa trẻ" - anh Thành nói trong nghẹn ngào.
Lý Nhơn Thành đã được Chủ tịch UBND phường Nguyễn Thái Bình tặng Giấy khen vì đã tích cực tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc” năm 2022. |
Anh Thành kể tiếp, nhưng lần tôi nhớ nhất là thời điểm cao trào dịch bệnh vào cuối tháng 8/2021, anh em tôi cứu sống một cháu bé khoảng 10 tuổi (tại hẻm 63/91 phường Phó Đức Chính, quận 1), lúc này cháu bị tím tái, tôi vừa cấp cứu vừa khóc, rồi không nhớ mình làm bằng cách nào để cháu được thở lại, ngay sau đó nhanh chóng đưa cháu đến bệnh viện Nhi đồng 2 (TP. Hồ Chí Minh). Đến khi, y bác sỹ ra ngoài hỏi, sao các anh chuyên nghiệp vậy, quá kịp thời để cứu sống được đứa bé. Gia đình cháu bé cảm ơn chúng tôi như một lần nữa sinh ra cháu…
Anh Thành nói: "“Con chiến mã ba gác” được anh em tôi xem như một người bạn ân tình, nó không chỉ là phương tiện cấp cứu kịp thời cho người dân lúc đó, mà còn giúp tổ bảo vệ hỗ trợ cho nhiều gia đình khó khăn không may có người thân bị F0 qua đời, đưa đến các lò thiêu, đưa tro cốt đến các chùa, về nhà. Ngoài ra, xe đã vận chuyển hàng trăm chuyến lương thực, thực phẩm, gạo, rau, củ, quả, thức ăn, thuốc men, bình oxy… từ các mạnh thường quân viện trợ cho những khu vực bị phong tỏa, cách ly".
Với sự nhiệt tình, tâm huyết của mình, Lý Nhơn Thành đã đóng góp một phần công sức vào công tác đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương, là tấm gương tiêu biểu trong phong trào toàn dân phòng cháu chữa cháy trên địa bàn phường Nguyễn Thái Bình nói riêng và cả nước nói chung cùng chung tay bảo vệ nhân dân.
Ghi nhận về tấm lòng cao cả đó, anh đã nhận được nhiều giấy khen, bằng khen từ Thủ tướng, Bộ Công an, UBND TP. Hồ Chí Minh và chính quyền địa phương các cấp, trong công tác chăm lo, giúp đỡ người dân, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc…
Đặc biệt hơn, tháng 8 vừa qua, Lý Nhơn Thành đã được Chủ tịch UBND phường Nguyễn Thái Bình tặng Giấy khen vì đã tích cực tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc” năm 2022. Mong rằng, đất nước ta, không chỉ một Lý Nhơn Thành, mà nhiều nơi đâu đó, nhân rộng hơn nữa những tấm gương quần chúng, xứng đáng là người hùng của nhân dân.