Thứ sáu 22/11/2024 16:14

Luật Thủ đô (sửa đổi): Phân cấp một số thẩm quyền về đầu tư

Chiều 10/11, tại Kỳ họp thứ 6, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Cho phép tách bồi thường, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, dự thảo Luật gồm 7 chương, 59 điều (tăng 3 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012, trong đó giữ nguyên 3 Điều; sửa đổi, bổ sung 18 điều; quy định mới 38 điều).

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long

Trong đó, về đầu tư, ông Lê Thành Long cho hay, cho phép tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công (tương tự cơ chế áp dụng cho tỉnh Khánh Hoà). Mở rộng phạm vi áp dụng PPP trong lĩnh vực văn hóa, thể thao.

Quy định cơ chế thử nghiệm có kiểm soát để thử nghiệm các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới, nhiều tiềm năng và giao Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định chi tiết về giám sát thử nghiệm và kết thúc quá trình thử nghiệm.

Cho phép áp dụng phương thức nhượng quyền kinh doanh, quản lý đối với các công trình, hạ tầng văn hóa, thể thao do Nhà nước đầu tư trên địa bàn Thủ đô để nâng cao hiệu quả sử dụng, tránh lãng phí tài sản công.

Đáng chú ý, phân cấp một số thẩm quyền về đầu tư từ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công cho Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội.

Chẳng hạn như Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quyết định chủ trương đầu tư dự án đường sắt đô thị; dự án sử dụng vốn đầu tư công tối đa 20.000 tỷ đồng... Cho phép Hà Nội ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí, đơn giá riêng, phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm và nhu cầu xây dựng, phát triển Thủ đô.

Đồng thời, quy định về các dự án, ngành, nghề thu hút nhà đầu tư chiến lược, điều kiện của nhà đầu tư chiến lược… nhằm thu hút nhà đầu tư có năng lực tham gia vào thực hiện các dự án ưu tiên của Thủ đô (quy định về nhà đầu tư chiến lược hiện đang được áp dụng ở Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh).

Quy định về đối tượng ưu đãi đầu tư; nội dung ưu đãi, trong đó chủ yếu là tiền thuê đất, thuê mặt nước, thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp…

Về chế độ công vụ; cơ chế thu hút, trọng dụng nhân tài; chế độ tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho hay, cán bộ được quản lý thống nhất từ cấp xã đến thành phố; áp dụng tiêu chuẩn chung cho cán bộ, công chức ở các cấp chính quyền.

Quy định đối tượng thu hút, chế độ đãi ngộ nhân tài như tuyển dụng không qua thi tuyển, bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo; được đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành tại đơn vị sự nghiệp công lập...

Tương tự cơ chế áp dụng cho Thành phố Hồ Chí Minh, dự thảo Luật quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan, đơn vị Thủ đô, một số cơ quan ngành dọc trung ương đóng trên địa bàn để thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương, với tổng mức chi không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức.

Làm rõ nguồn kinh phí bảo đảm chế độ tiền lương, thu nhập tăng thêm

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thủ đô, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, về thẩm quyền quyết định đầu tư (Điều 43), đề nghị chỉ phân quyền cho thành phố Hà Nội quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư đối với những dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, đối với những nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng

Đồng thời, có ý kiến đề nghị xác định rõ phạm vi của các lĩnh vực ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật; quy định cụ thể tiêu chí về tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức, đơn giá do UBND thành phố quyết định.

Về thu hút nhà đầu tư chiến lược (Điều 44), ông Tùng đề nghị nghiên cứu, chỉnh lý theo hướng việc thu hút nhà đầu tư chiến lược nên tập trung vào những lĩnh vực thành phố Hà Nội có lợi thế như nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW; bảo đảm năng lực thực hiện dự án của nhà đầu tư, tránh trường hợp dự án treo, gây lãng phí nguồn lực.

Về ưu đãi đầu tư (Điều 45), Ủy ban Pháp luật cho rằng, các chính sách ưu đãi về thuế trong dự thảo Luật chưa cụ thể, chưa bám sát yêu cầu về thực hiện các cam kết về thuế tối thiểu toàn cầu, có thể dẫn đến tình trạng vừa thất thu ngân sách, vừa không tạo được ưu đãi để thu hút nhà đầu tư.

"Có ý kiến cho rằng, quy định miễn một số tiêu chí đánh giá về năng lực, kinh nghiệm đối với các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo tại điểm c khoản 3 Điều 45 của dự thảo Luật chưa thực sự hợp lý, có thể khiến các doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm bị đối xử không công bằng" - ông Tùng nêu.

Về chế độ tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô (Điều 18), có ý kiến đề nghị Chính phủ cân nhắc việc quy định chế độ tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô trong dự thảo Luật vì Nghị quyết số 27-NQ/TW đặt ra yêu cầu chỉ thực hiện thí điểm cơ chế chi thu nhập bình quân tăng thêm đối với một số địa phương đã tự cân đối được ngân sách.

Do đó, nội dung này cần được tổng kết, đánh giá trước khi luật hóa để áp dụng ổn định, lâu dài. Có ý kiến đề nghị làm rõ nguồn kinh phí để bảo đảm thực hiện chế độ tiền lương, thu nhập tăng thêm vì phạm vi đối tượng thụ hưởng rất lớn.

Bên cạnh đó, về thu hút, trọng dụng nhân tài (khoản 1 Điều 17), đề nghị bổ sung quy định về quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, sử dụng, bổ nhiệm nhân tài sau khi đã vào làm việc trong hệ thống.

Ngoài việc ban hành các chính sách thu hút nhân tài thì chính quyền thành phố Hà Nội cũng cần quan tâm, có biện pháp chủ động tìm kiếm nhân tài hoặc đào tạo, bồi dưỡng phát triển nhân tài từ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện có để đáp ứng nhu cầu của địa phương.

Về phân quyền trong việc quyết định số biên chế tăng thêm (điểm b khoản 1 Điều 9), Ủy ban Pháp luật cho rằng, hiện nay biên chế trong toàn hệ thống chính trị đang được Bộ Chính trị trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và quyết định giao biên chế cho các địa phương, vì vậy, đề nghị không quy định nội dung này trong Luật.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, để cấp có thẩm quyền có cơ sở xem xét, điều chỉnh một cách linh hoạt hơn tổng số biên chế được giao cho thành phố Hà Nội thì trong Luật cần xác định một tỷ lệ nhất định không được vượt quá trong tổng chi thường xuyên (hoặc tổng ngân sách địa phương của từng cấp) dành cho chi hoạt động của các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của Thành ủy Hà Nội.

Quỳnh Nga
Bài viết cùng chủ đề: Thành phố Hà Nội

Tin cùng chuyên mục

Đề xuất lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia

Kinh doanh trên sàn thương mại điện tử phải nộp thuế

Nhiều tham luận tại Hội nghị ngành Công Thương 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên

Chuyến công tác của Thủ tướng khẳng định uy tín, tạo động lực mới cho quan hệ Việt Nam-Brazil và Việt Nam-Dominica

Báo chí chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số

Khai mạc Hội nghị ngành Công Thương 15 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần thứ X

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Quan hệ Việt Nam - Cộng hòa Dominica đang mở ra nhiều triển vọng hợp tác

Thủ tướng đề nghị triển khai ngay các dự án thương mại, đầu tư Việt Nam-Dominica

Tuyên bố chung giữa Thủ tướng Việt Nam và Tổng thống Cộng hòa Dominica

Tổng Bí thư Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Thượng viện Malaysia

Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị Hạ viện Malaysia tăng cường hợp tác chặt chẽ với Quốc hội Việt Nam

Việt Nam và Malaysia nhất trí thúc đẩy hợp tác hải quân

Tuyên bố chung nâng cấp quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Malaysia

Phản ứng của Việt Nam về những động thái mới của Philippines tại Biển Đông

Tổng Bí thư Tô Lâm hội đàm với Thủ tướng Malaysia

Bộ Ngoại giao thông tin về việc tiếp nhận 5 máy bay huấn luyện từ Hoa Kỳ

Việt Nam luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Hàn Quốc

Xung đột Nga-Ukraine lan rộng, Bộ Ngoại giao khuyến cáo công dân Việt Nam không đến Ukraine

Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo các ông Vương Đình Huệ, Nguyễn Văn Thể

Việt Nam - Malaysia nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện