Lãnh đạo Điện lực Khe Sanh cho hay đơn vị chỉ lấy thông tin khách hàng để ký lại hợp đồng mua bán điện, do hợp đồng giấy trước đây hết hiệu lực. Trong quá trình triển khai, Bưu điện Hướng Hóa đề nghị cho nhân viên bưu điện tiếp cận người dân để giới thiệu mở tài khoản ngân hàng nhằm chi trả hóa đơn sau này. Trong khi đó, đại diện Bưu điện huyện Hướng Hóa, thừa nhận đơn vị phân công nhân viên có mặt ở buổi ký hợp đồng điện lực để mở tài khoản cake.
Luật sư nói gì khi người dân đi ký hợp đồng điện tại Quảng Trị bất ngờ bị lấy thông tin?
Sử dụng trái phép thông tin cá nhân là vi phạm pháp luật |
Mới đây, hàng trăm người dân tại thị trấn Lao Bảo bức xúc vì đi ký hợp đồng mua bán điện thì bị lấy thông tin mở tài khoản ngân hàng.
Trước đó, người dân ở thị trấn Lao Bảo nhận được thông báo của Điện lực Khe Sanh trong ngày 8 - 9/8 đến trụ sở Đội Quản lý điện Lao Bảo (Quốc lộ 9, thị trấn Lao Bảo) để ký lại hợp đồng mua bán điện dưới dạng hợp đồng điện tử do hợp đồng giấy đã hết hiệu lực. Nhận được thông báo, người dân đến trụ sở Đội Quản lý để ký hợp đồng. Tại quầy thủ tục có các nhân viên điện lực và một số người không mặc đồng phục. Họ yêu cầu người dân xuất trình giấy tờ cá nhân, đưa điện thoại và thao tác.
Hàng trăm người tập trung tại Đội Quản lý điện Lao Bảo để phản ánh sự việc thông tin cá nhân bị lộ |
Theo nhiều người dân, khi về nhà kiểm tra lại điện thoại thì "tá hỏa" phát hiện mình bị lấy cắp thông tin để mở tài khoản ngân hàng và cài App "Cake-ngân hàng số" của Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Điều lạ lùng là trước đó người dân hoàn toàn không được tư vấn hay thông báo về việc mở tài khoản ngân hàng.
Sau khi phát hiện sự việc, vào chiều ngày 9/8, hàng trăm người dân tại thị trấn Lao Bảo đã đến trụ sở Đội Quản lý điện Lao Bảo để phản ánh vì lo lắng bị lộ thông tin cá nhân. Sau đó, đại diện Điện lực Khe Sanh và chính quyền địa phương có mặt để giải quyết vụ việc.
Thông tin phản ánh, đại diện ngân hàng cho biết, ngân hàng và đơn vị liên quan đang tổng hợp số khách hàng bị ảnh hưởng, nhắn tin, gọi điện tới từng người để xử lý. Cake by VPBank cam kết cùng các bên rà soát quy trình nghiệp vụ, đảm bảo người dân không có bất cứ thiệt hại nào về tài chính, bảo mật thông tin liên quan theo đúng quy định của pháp luật. Nếu người dân không đồng ý mở, duy trì tài khoản, ngân hàng sẽ ngay lập tức đóng.
Liên quan đến vấn đề này Luật sư Diệp Năng Bình Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho biết: Trong tình huống nêu trên, nếu một nhân viên của bưu điện tiến hành sử dụng thông tin cá nhân của người dân để mở tài khoản ngân hàng mà không có sự đồng ý của họ, hành vi này có thể được xem xét là vi phạm quy định liên quan đến tính tự nguyện khi tham gia vào các giao dịch dân sự.
Theo quy định tại Điều 117 của Bộ luật Dân sự năm 2015, giao dịch dân sự chỉ có hiệu lực khi đáp ứng đủ các điều kiện sau: Chủ thể tham gia có đủ năng lực pháp luật dân sự, có hành vi dân sự phù hợp với bản chất của giao dịch, tham gia vào giao dịch một cách hoàn toàn tự nguyện; mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm các quy định cấm của pháp luật và không xâm phạm vào đạo đức xã hội.
“Trong trường hợp một nhân viên bưu điện sử dụng thông tin cá nhân của người dân mà không có sự đồng ý, việc sử dụng này để mở tài khoản ngân hàng sẽ bị coi là vô hiệu theo quy định tại Điều 122 của Bộ luật Dân sự. Hơn nữa, mã định danh là một phần của thông tin cá nhân và thuộc về quyền cá nhân của từng cá nhân, do đó, việc sử dụng thông tin cá nhân của người khác phải dựa trên sự đồng ý của chính họ”, Luật sư Bình nhấn mạnh.
Theo quy định tại Điều 131 của Bộ luật Dân sự năm 2015 liên quan đến hậu quả pháp lý của các giao dịch dân sự bị vô hiệu, tài khoản ngân hàng đã được đăng ký có thể sẽ bị hủy bỏ. Ông Bình cho biết thêm.
Theo tìm hiểu, Ứng dụng Cake by VPBank ra mắt tháng 1/2021 theo giấy phép của Ngân hàng Nhà nước cấp cho Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank).
Sử dụng trái phép thông tin cá nhân là một vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự. Xử lý hành chính Theo quy định tại Điều 84 của Nghị định số 15/2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử (được sửa đổi và bổ sung bởi khoản 30 của Điều 1 Nghị định số 14/2022). Điều này quy định rõ việc thu thập thông tin cá nhân khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân về phạm vi, mục đích và cách thức sử dụng thông tin. Các hành vi vi phạm có thể bị xử phạt mức tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, đồng thời có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, bao gồm buộc hủy bỏ thông tin cá nhân mà hành vi vi phạm đã thu thập. Xử lý hình sự Trường hợp có căn cứ cho rằng việc thu thập thông tin này nhằm mục đích trao đổi, mua bán thông tin về chứng minh nhân dân của cá nhân mà không được chủ sở hữu cho phép thì chủ thể vi phạm có thể bị khởi tố hình sự theo Điều 288 BLHS năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017. Điều 288 quy định về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông. Theo đó chủ thể vi phạm vi phạm có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 07 năm. Đồng thời Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. |