Luật điện lực sửa đổi: Bổ sung, điều chỉnh để phù hợp với tình hình mới
- Tại hội nghị, bà Phạm Thị Kim Hoàn - Trưởng phòng Pháp chế Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương đã báo cáo, đánh giá quá trình thi hành Luật điện lực 2004, đồng thời nêu lên một số điểm chưa phù hợp của Luật cần nghiên cứu bổ sung, chỉnh sửa.
Đánh giá về Luật Điện lực năm 2004, các đại biểu tham dự Hội nghị đều thống nhất rằng, Luật ra đời đã định hình một hành lang pháp lý cần thiết, điều chỉnh ứng xử của các bên liên quan trong hoạt động điện lực, đồng thời nêu ra một số nội dung cần điều chỉnh, bổ sung của Luật để phù hợp với thực tiễn hoạt động điện lực trong giai đoạn hiện nay, như về quy hoạch điện, giá điện, các quy định về năng lượng tái tạo và điện hạt nhân, về cơ chế giám sát và chế tài thực hiện tiết kiệm điện…
Ông Nguyễn Đình Phúc – Phó giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng đã nêu lên một số vấn đề về công tác quy hoạch điện, về điều chỉnh quan hệ cung - cầu điện và các chính sách khuyến khích đầu tư năng lượng tái tạo. Về quy hoạch điện, theo ông Phúc, chu kỳ quy hoạch 5 năm đối với cấp tỉnh/thành phố chưa phù hợp, khi tốc độ phát triển rất nhanh của một số đô thị, địa phương trong nước đang đặt ra yêu cầu về tầm nhìn dài hạn hơn. Với quan hệ cung - cầu trong hoạt động cung ứng điện, ông đề xuất cần có sự phân định về trách nhiệm của các bên đối với thực trạng thiếu điện hiện nay, trong đó xét đến thoả đáng trách nhiệm của phía cầu. Cần có biện pháp giám sát và chế tài xử lý các trường hợp sử dụng công nghệ lạc hậu trong sản xuất dẫn đến tiêu tốn điện năng lớn.
Đại biểu Sở Công Thương tỉnh Bình Định cũng đề nghị cần quy định về mức sử dụng năng lượng trên một đơn vị sản phẩm (đặc biệt với các ngành tiêu tốn sản lượng điện lớn), tham chiếu mức trung bình của khu vực và thế giới. Về năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị đều thống nhất xác định, Luật Điện lực cần bổ sung một điều về vấn đề này, trong đó nêu rõ các chính sách cụ thể của Nhà nước trong việc khuyến khích, hỗ trợ các nhà đầu tư tham gia, đảm bảo hoạt động đầu tư mang lại lợi nhuận hợp lý. Một số đại biểu có ý kiến, trong khi chờ đợi Quốc hội ban hành Luật Điện lực sửa đổi (dự kiến tháng 12/2012), Bộ Công Thương cần có các Nghị định hướng dẫn tạm thời để thi hành, vì đây là một trong những vấn đề đang được các đơn vị, các nhà đầu tư quan tâm và có tính bức thiết hiện nay.
Ý tưởng chung được đưa ra tại hội nghị là cần có một quy hoạch tổng thể, tránh tác động gây xáo trộn và bị động cho các đơn vị từ các yếu tố bổ sung quy hoạch trong ngắn hạn; cần xem xét giá mua điện từ các nhà máy điện như một yếu tố giá đầu vào để tính toán giá điện, từ đấy EVN có cơ sở điều chỉnh giá mua phù hợp đối với các nhà máy này trong từng giai đoạn.
Nguyễn Ngọc Hạnh