Lũ lụt mà đổ lỗi cho thuỷ điện là không khách quan
Thiên tai lũ lụt là điều không ai mong muốn, nhưng qua đợt mưa lũ lịch sử tại miền Trung, nhiều ý kiến cho rằng là do thuỷ điện, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Nói về vấn đề bão lũ, thì đất nước của chúng ta năm nào cũng có bão lũ, thường xuyên thiên tai rất nặng nề, nếu chúng ta không làm tốt công tác phòng chống bão lũ thì tổn thất về vật chất và con người sẽ rất lớn. Với phương châm bốn tại chỗ mà Chính phủ đã chỉ đạo, hiện nay các địa phương đã và đang rất tích cực, nỗ lực triển khai thực hiện, nhưng vừa rồi cơn lũ, cái bốn tại chỗ cũng sẽ gặp rất khó khăn. Khi một xã hoàn toàn cô lập, một xã bị sạt lở hàng chục người chết toàn bộ, một xã mà không còn cả những phương tiện tối thiểu, ngay cả bản thân 4 tại chỗ đó cũng gặp khó khăn, cần phải có sự cứu trợ - một lực lượng chuyên nghiệp của quốc gia để chia sẻ với bà con về vấn đề này.
Trước những mất mát đau thương như vậy, cũng có nhiều thông tin, có thông tin đổ tội cho thủy điện, gây tổn thất cho nhân dân, theo tôi nghĩ thông tin đó không khách quan, việc bình luận, quy chụp không chỉ mang tính chủ quan, mà còn có những điều gì đó không trong sáng.
Chúng ta biết rằng là tác động của biến đổi khí hậu ở Việt Nam những năm trước là El nino gây khô hạn, còn năm nay là hiện tượng La Nina gây bão lũ, nước biển dâng, lũ lụt… Chúng ta phải hiểu điều đó, với sức nước chứa có khi lên tới cả nghìn mm, bây giờ giải phóng nước đó ở đâu. Cả khu vực miền Trung đỉnh núi dốc, trọc toàn bộ như vậy, độ che phủ còn thấp, thì nước sẽ cuốn xuống, tác động và trong những ngày trước đó, chúng ta biết là những khu vực này là khô cạn khi mưa nước xuống thì toàn bộ đất ngậm nước, không có nền tảng chắc chắn, sẽ tạo ra trượt đất, dẫn đến tổn thất của bà con.
Sáng nay, tôi vừa nghe Bộ trưởng Bộ Công Thương nói rằng, một cái hồ thủy điện rất lớn ở khu vực Quảng Nam đã có tác dụng cắt lũ, giảm dần lượng nước, nếu không với lượng nước 17.000 m3/s đổ về, nó sẽ gây tổn hại còn lớn hơn rất nhiều, tôi nghĩ điều đó rất tốt.
Đại biểu Bùi Đặng Dũng nhấn mạnh: Lũ lụt mà đổ lỗi cho thuỷ điện là không khách quan |
Ông đánh giá như thế nào về việc phát triển thuỷ điện nhỏ?
Liên quan đến thủy điện nhỏ, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã báo cáo hiện nay chúng ta có trên 400 thủy điện nhỏ đang hoạt động như vậy và lượng nước cũng chiếm một tỷ trọng khá lớn trong hệ thống hồ của cả nước. Phát triển thủy điện nhỏ là vấn đề hết sức quan trọng và cần thiết trong bối cảnh chúng ta chưa đảm bảo đủ an ninh năng lượng nhưng vấn đề đặt ra ở đây, cử tri và mọi người rất lo lắng là việc phát triển thủy điện nhỏ gắn liền với việc tái tạo và bảo vệ phát triển rừng như thế nào; phát triển thủy điện nhỏ ở chỗ này, chỗ kia ở từng địa phương giao cho địa phương quản lý thì chưa làm tốt, dẫn tới một số thủy điện nhỏ đi vào hoạt động, nhưng chưa đảm bảo việc trồng rừng, hay công tác bồi hoàn lại những cái trong quá trình cải tạo thi công…làm cử tri bức xúc.
Điểm thứ hai, các thủy điện nhỏ trong quá trình xả lũ cần làm tốt hơn nữa công tác thông tin với chính quyền địa phương và nhân dân biết để phối hợp, tránh tình trạng như thủy điện Hố Hô, mấy năm trước thông báo thời gian quá gấp.
Thứ ba, liên quan tới thủy điện nhỏ, tôi đề nghị nhân dịp này Bộ Công Thương cũng nên rà soát lại tổng thể toàn bộ tất cả các thủy điện nhỏ của chúng ta hiện nay, kể cả những thủy điện mà trước đây chúng ta đã dừng lại rồi, để công khai, minh bạch, để tất cả người dân giám sát. Việc rà soát cũng làm cơ sở để chúng ta làm tốt hơn việc quản lý và phát triển thủy điện nhỏ trong tương lai.
Phải khẳng định rằng, đối với chúng ta hiện nay, năng lượng đang thiếu, thủy điện nhỏ vẫn còn cần thiết nhưng vấn đề cần quản lý đảm bảo chặt chẽ và khoa học, phát huy tác dụng tốt và quản lý thủy điện nhỏ. Tôi nghĩ nếu làm tốt điều này thì dư luận của cử tri, dư luận của dân chắc chắn vẫn đồng tình, ủng hộ, mong muốn thủy điện của chúng ta phát triển tốt cùng với các nguồn năng lượng sạch khác nữa để đảm bảo an ninh năng lượng cho Việt Nam.
Việc quản lý thuỷ điện, ngoài Bộ Công Thương còn có trách nhiệm của nhiều Bộ, ngành, địa phương khác, vậy để quản lý tốt hơn cần chúng ta cần làm gì?
Tôi nghĩ liên quan đến thủy điện nhỏ, chắn chắn bắt đầu phải từ ngay chính quyền địa phương sở tại, các lãnh đạo tỉnh cũng trăn trở với việc làm thế nào để có những công trình công nghiệp, trong đó có những thủy điện để đáp ứng phục vụ cho nhu cầu năng lượng cũng như phát triển kinh tế của bà con ở địa phương ở tỉnh mình. Tuy nhiên cần phải xem xét đến những tiêu chí đảm bảo về môi trường, hiệu quả kinh tế, cũng như các vấn đề vận hành xả lũ, bảo vệ trồng rừng.
Nhiều khi chúng tôi biết cũng có chỗ này chỗ kia, chúng ta cả nể, chúng ta cũng du di cho nên báo cáo đánh giá tác động môi trường chúng ta làm chưa tốt. Tôi muốn nói báo cáo đánh giá tác động môi trường khi dự án thành lập không tốt, nếu như báo cáo đánh giá tác động môi trường của tất cả những dự án thủy điện làm tốt, bài bản, khoa học, thì chắc chắn không xảy ra những thảm cảnh do những tác động xấu của những thủy điện đã gây ra.
Cùng với lãnh đạo chính quyền địa phương, theo tôi nghĩ, về phía cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương đều phải có trách nhiệm chung cả, kể cả Bộ Công an hay biên phòng.
Nói chung cả hệ thống chính trị của chúng ta đều phải vào cuộc, nhưng rõ ràng phải phân rõ vai và trách nhiệm của ai trong lĩnh vực này. Chỉ có thể làm tốt điều đó, mỗi một năm khi lũ về, chúng ta yên tâm phòng lũ và không để xảy ra những tình trạng đổ cho nhau hoặc là quản lý không tốt hoặc là lại mang tiếng hàm oan của thủy điện nhỏ.