Lời khai "hai thái cực" của người đàn ông dìm đầu bé trai xuống bể bơi, bắt xin lỗi
Ngày 19/8, Công an quận Tây Hồ (TP. Hà Nội) cho biết, sau khi tiếp nhận sự việc, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Tây Hồ đã vào cuộc xác minh, điều tra và xác định được danh tính người đàn ông trong đoạn clip dìm bé trai xuống bể bơi ở đường Đặng Thai Mai (thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ) là anh N.T.Đ. (SN 1995, trú tại phố Nghĩa Dũng, phường Phúc Xá, quận Ba Đình, TP. Hà Nội). Ngay sau đó, cơ quan điều tra đã tiến hành khám nghiệm hiện trường, làm rõ nguyên nhân sự việc.
Làm việc với cơ quan công an, người đàn ông trong đoạn clip dìm bé trai xuống bể bơi này khai nhận, vào khoảng 14h30 ngày 16/8, anh Đ. chở 2 con trai của mình là cháu T.A. (SN 2016) và cháu Tr. A. (SN 2018) đến bể bơi trên phố Đặng Thai Mai để học bơi. Khi các con bơi, anh Đ. ngồi trên bờ trông con.
Cùng thời điểm này, cháu H.A. (SN 2015) – là người bị dìm xuống nước cũng đến bơi. Tất cả chơi với nhau được 1 tiếng thì tại bể bơi nhỏ, cháu T.A bị cháu H.A. đùa nghịch dìm từ phía sau. Tuy nhiên, do lúc đó thầy giáo dạy bơi nhắc nhở H.A. nên anh Đ. không có ý kiến gì.
Hình ảnh N.T.Đ. (khoanh tròn) dìm bé trai xuống bể bơi ở phố Đặng Thai Mai, phường Quảng An, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội. Ảnh chụp lại từ clip |
Khoảng 15 phút sau, anh Đ. nghe thấy tiếng khóc của cháu Tr.A. nên chạy đến thì thấy cẳng chân trái của cháu bị sưng tấy, cháu Tr.A. nói vừa bị H.A. đẩy ngã. Thương con và bức xúc nên anh Đ. đi đến tìm, hỏi H.A. xem bố mẹ đâu để nói chuyện.
Lúc này, cháu H.A. nói tự đi một mình đến bể bơi nên Đ. yêu cầu cháu H.A. phải xin lỗi con mình. Trong lúc bức xúc, anh Đ. nhảy xuống bể bơi trẻ em, dùng tay dìm cháu H.A. xuống nước vài giây rồi dẫn cháu H.A. đến xin lỗi các con mình. Sau khi H.A. xin lỗi, 3 cháu nhỏ lại chơi với nhau. Đến 16h30 cùng ngày, Đ. đưa các con mình về nhà.
Quá trình giải quyết, đại diện gia đình các bên đều xác định sự việc là không mong muốn, xuất phát từ việc vui chơi của trẻ em và hợp tác giải quyết. Đ. xin lỗi phụ huynh cháu H.A. sau đó.
Tuy nhiên, theo nội dung clip được một người đến bơi ở bể bơi này quay lại, người đàn ông mặc áo trắng quát tháo, văng tục với bé trai và bắt cháu phải xin lỗi con trai ông ta được xác định chính là N.T.Đ. lại có thái độ vô cùng hung dữ.
“Bố mẹ mày đâu? Mày chơi rồi đẩy con tao thế à? Ra xin lỗi nó nhanh. Cút ra đây... Mày thích chơi dìm không?”, người đàn ông quát tháo rồi bước xuống bể dúi đầu bé trai xuống nước khoảng vài giây. Hành động trên khiến cháu bé hoảng sợ, khóc lớn và liên tục nói: “Cháu xin lỗi, cháu biết lỗi rồi”.
Trong clip ghi lại, N.T.Đ. vô cùng hung dữ, yêu cầu bé trai phải xin lỗi 100 lần con anh ta. Ảnh chụp lại từ clip |
Sau đó, bé trai lập tức chạy ra xin lỗi bạn. Trong khi đó, người đàn ông vẫn không ngừng quát tháo, thậm chí còn bóp cổ bé trai và ra lệnh “khoanh tay vào, xin lỗi nó 100 lần”. Sự việc được chia sẻ lên mạng xã hội thu hút sự quan tâm của rất nhiều người. Nhiều người bày tỏ quan điểm không đồng ý với cách ứng xử dìm đầu bé trai xuống bể bơi của N.T.Đ. có thể gây tổn hại sức khỏe, tinh thần cho con trẻ.
Hiện cơ quan CSĐT Công an quận Tây Hồ vẫn đang tiếp tục giải quyết vụ việc theo quy định.
Nghị định 130/2021/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em. Nghị định có một nội dung quan trọng mà các quốc gia đều thực hiện là tố cáo bắt buộc liên quan đến hành vi xâm hại, bạo hành trẻ em. Trong đó, Nghị định 130 quy định mức phạt tiền lên tới 50 triệu đồng đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em. Ngoài ra, hành vi vi phạm quy định về cấm bạo lực với trẻ em có thể bị phạt tiền từ 5-20 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: Xâm phạm thân thể, gây tổn hại về sức khỏe đối với trẻ em; Bắt nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; bắt sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm hoặc các hình thức đối xử tồi tệ khác với trẻ em. Gây tổn hại về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng mạ, chửi mắng, đe dọa, cách ly ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em; Cô lập, xua đuổi hoặc dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em; Thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn hại về tinh thần. |