Lo ngại thiếu hụt nguồn cung, giá xuất khẩu cà phê tăng vọt
Thống kê mới nhất của Sở Giao dịch hàng hoá Việt Nam (MXV), trong khi cà phê Arabica đóng cửa nghỉ giao dịch ngày hôm qua, cà phê Robusta tăng vọt 2,34% lên 4.153 USD/tấn, dẫn dắt đà tăng của thị trường. Lo ngại thiếu hụt nguồn cung là nguyên nhân chính tác động mạnh mẽ đến diễn biến trên.
Cụ thể tại Việt Nam, nguồn cung trong nước eo hẹp đã kéo theo xuất khẩu đi xuống. Tổng cục Thống kê ước tính, trong tháng 6, Việt Nam chỉ xuất đi 85.000 tấn cà phê, bằng 60% lượng cà phê xuất khẩu cùng kỳ năm 2023. Tính chung 6 tháng đầu năm, nước ta xuất đi khoảng 902.000 tấn cà phê, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, các thương nhân cũng ước tính, tổng lượng cà phê xuất khẩu vụ 2024-2025 của Việt Nam đạt khoảng 1,5 triệu tấn, giảm 20% so với vụ trước. Trong khi 9 tháng đầu vụ, nước ta đã xuất đi 1,25 triệu tấn cà phê. Điều này cho thấy lượng cà phê phục vụ trong những tháng tới còn ở mức thấp và sẽ tiếp tục là yếu tố hỗ trợ giá.
Chính phủ Indonesia cho biết, trong tháng 5, quốc gia này xuất đi 6.265,48 tấn cà phê, giảm 54% so với cùng kỳ năm 2023. Nguồn cung sụt giảm do ảnh hưởng từ El Nino kéo theo xuất khẩu giảm sâu.
Ngoài ra, đồng Real của Brazil tiếp tục mạnh lên trong khi chỉ số Dollar Index suy yếu, kéo theo tỷ giá USD/BRL giảm mạnh 1,22%. Như vậy, đồng Real giảm bớt sự mất giá tương đối so với đồng USD, hạn chế nhu cầu đẩy mạnh bán cà phê của nông dân Brazil. Điều này góp phần giúp lực mua chiếm ưu thế đối với cà phê Robusta trong phiên hôm qua.
Hạn hán đang đe doạ nguồn cung cà phê từ Việt Nam |
Theo MXV, sau nhịp điều chỉnh giảm 30% vào cuối tháng 4, giá cà phê Robusta trên Sở Giao dịch liên lục địa châu Âu (ICE-EU) đã nhanh chóng quay về vùng đỉnh lịch sử, trên 4.000 USD/tấn. Tương tự, giá cà phê nhân xô tại Việt Nam tính đến ngày 3/7 đã lấy lại hơn 25% so với đáy điều chỉnh vào đầu tháng 5, về vùng giá trên 120.000 đồng/kg.
Giá cà phê trở lại vùng cao so với các năm trước chủ yếu xuất phát từ lo ngại nguồn cung thắt chặt tại Brazil và Việt Nam, 2 quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất thế giới.
Theo Tổng cục Thống kê, xuất khẩu cà phê 6 tháng đầu năm 2024 của Việt Nam giảm 10,6% so với cùng kỳ. Sản lượng cà phê của Việt Nam trong niên vụ 2024/25 sắp thu hoạch vào cuối năm nay được dự báo chỉ đạt 29 triệu bao (gồm 27,85 triệu bao robusta và 1,15 triệu bao arabica), giảm 0,35% so với niên vụ hiện tại.
Con số ước đoán trên cao hơn khá nhiều những dự báo trước đó, nhưng cũng làm gia tăng mối lo nguồn cung trong trung và dài hạn với thị trường robusta.
Một lần nữa, xu hướng chung của khu vực được quyết định bởi Việt Nam, nước sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất châu Á và châu Đại Dương, ghi nhận lượng xuất khẩu giảm 6,9% trong tháng 4.
Như vậy, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đã giảm 5/7 tháng đầu tiên của niên vụ 2023 - 2024 và đánh dấu tháng sụt giảm thứ ba liên tiếp.
Còn theo Bộ Công Thương, giá xuất khẩu tăng nên hầu hết các mặt hàng trong nhóm nông sản đạt tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu cao ở mức hai con số so với cùng kỳ năm trước tăng. Tiêu biểu, xuất khẩu cà phê 6 tháng đầu năm tăng 34,5% về trị giá xuất khẩu mặc dù lượng giảm 10,6%.