Lo ngại nguy cơ thiếu nguyên liệu thủy sản cuối năm
Giá bán cá tra dưới giá thành
13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là trung tâm thủy sản của cả nước, sản xuất khoảng 84% sản lượng tôm, 100% sản lượng cá tra. Theo Tổ công tác 970 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT)), tình hình chế biến xuất khẩu thủy sản tiếp tục gặp khó khăn.
Số doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu khu vực Nam bộ tạm dừng sản xuất là 123 cơ sở, trong đó, doanh nghiệp có ca nhiễm Covid-19 phải dừng sản xuất là 19 cơ sở và 104 cơ sở dừng sản xuất do không đáp ứng yêu cầu “3 tại chỗ”. Như vậy, còn 326/449 cơ sở tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam tiếp tục sản xuất, chiếm 65%.
Tuy nhiên, do thiếu công nhân và chia ca để phòng chống dịch bệnh nên tổng công suất chỉ khoảng 30-40% so với trước khi áp dụng Chỉ thị 16. Do TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh đều kéo dài thời gian giãn cách sau 15/8/2021 nên các doanh nghiệp chế biến thủy sản sẽ thêm khó khăn bởi chi phí “3 tại chỗ” rất cao. Tình trạng này sẽ ảnh hưởng đến toàn chuỗi sản xuất, kinh doanh thủy sản. “Hiện, giá cá tra giống rất thấp (21.000 - 23.000 đồng/kg); giá cá tra thương phẩm thấp kéo dài (khoảng 21.000 đồng/kg); giá tôm xuống thấp gần đây nên không kích thích tái sản xuất, nếu kéo dài sẽ dẫn đến nguy cơ thiếu nguyên liệu cuối năm”, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) – Tổ phó Tổ công tác 970 nhận định.
Giá cá tra thương phẩm thấp kéo dài, người nuôi cá tra không có lời, thậm chí còn thua lỗ |
Đồng Tháp là địa phương có diện tích và sản lượng nuôi cá tra lớn nhất cả nước. Theo Sở NN&PTNT Đồng Tháp, tới giữa tháng 8/2021, giá cá tra nguyên liệu giảm xuống còn 20.500 - 21.500 đồng/kg. Chi phí trung bình để sản xuất 1kg cá nguyên liệu khoảng 22.500 đồng/kg, với mức giá này người nuôi lỗ 900 - 1.400 đồng/kg.
Tương tự, tại Vĩnh Long, với mức giá cá tra dao động từ 20.000- 22.000 đ/kg, người nuôi cá tra không có lời, nếu phải thuê mướn ao hầm thì lỗ càng nhiều hơn. Đó cũng là nguyên nhân làm giảm diện tích nuôi cá tra thâm canh, dự báo xu hướng này vẫn còn tiếp tục trong thời gian tới.
Theo các địa phương, hiện nay, nguồn cung cá tra cho xuất khẩu đang dồi dào nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 lan rộng nên việc nuôi cá, vận chuyển nguyên liệu, sản phẩm xuất khẩu bị ảnh hưởng, nhiều doanh nghiệp chế biến cá tra ngưng hoạt động hoặc giảm công suất. Điều này dẫn tới giá cá giảm so với tháng trước đó.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện nay, nhiều ao nuôi cá tra đã bắt đầu thu hoạch nhưng giá cá nguyên liệu đã giảm từ 500 - 1.000 đồng/kg so với trước. Đúng thời điểm mà thị trường tiêu thụ đầu ra có nhiều khả quan, tích cực thì dịch Covid-19 lại ngăn cản kế hoạch nuôi, kinh doanh, xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp cá tra trong hai quý cuối năm.
Điều này cũng xảy ra tương tự đối với mặt hàng tôm. Theo ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, do hầu hết các nhà máy chế biến đều buộc phải giảm công suất còn 30-50% để thực hiện “3 tại chỗ” nên nhu cầu mua nguyên liệu giảm. Do đó, giá tôm ở những địa phương trọng điểm dịch giảm mạnh đến 20.000 đồng/kg so với trước, các vùng khác cũng giảm nhưng nhẹ hơn, khoảng 10.000 đồng/kg. Tình hình đi lại khó khăn giữa các địa phương, nên hoạt động thả nuôi vụ hai có xu hướng trầm lắng.
Trong khi đó, theo phản ánh của một số doanh nghiệp chế biến tôm khác thì một số mặt hàng vật tư nuôi tôm, trong đó có tôm giống, thức ăn thủy sản vận chuyển về vùng nuôi tôm gặp khó khăn, gián đoạn lịch thả giống.
Dự báo quý IV/2021 sẽ thiếu nguyên liệu tôm trầm trọng và giá tiêu thụ sẽ tăng khá mạnh, nhất là tôm cỡ lớn.
Cần đảm bảo ổn định hoạt động nuôi
Kể từ quý II/2021, nhu cầu nhập khẩu cá tra tại nhiều thị trường như: Mỹ, Brazil, Mexico, Thái Lan, Canada, Colombia, Nga, UAE… bắt đầu tăng tích cực trở lại. Điều này tiếp thêm năng lượng và niềm hi vọng cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra ở ĐBSCL trong hai quý cuối năm.
Dù có những trở ngại, song đường đi cho con tôm ĐBSCL vẫn khá rộng, bởi hàng năm việc xuất khẩu tôm của Việt Nam thường tăng mạnh từ giữa quý III và sang quý IV. Theo dự báo của một chuyên gia ngành tôm, các nước cung ứng tôm chế biến sâu cũng đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn do Covid-19 như Thái Lan, Indonesia nên sắp tới tôm chế biến sâu sẽ tăng giá khá tốt.
Toàn vùng ĐBSCL chỉ có 6/120 nhà máy sản xuất thức ăn hỗn hợp đang phải tạm ngưng, không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất nuôi trồng thủy sản. Những khó khăn về thiếu nhân lực thu hoạch, về ách tắc vận chuyển trong sản xuất thủy sản tại một số địa phương cơ bản đã được tháo gỡ.
Một số địa phương như Cà Mau, Sóc Trăng… đã quan tâm tháo gỡ khó khăn tại nhà máy chế biến thủy sản, hình thành vùng xanh, cho phép công nhân được ở nhà và đưa đón đến nhà máy. Tại Cà Mau, công suất chế biến đã tăng lên 80% so với khi chưa có dịch. Do đó, giá tôm xuống thấp trong tuần trước, hiện bắt đầu tăng trở lại.
Để đảm bảo được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu thủy sản nói chung, mặt hàng tôm và cá tra nói riêng trong những tháng tiếp theo, việc đảm bảo ổn định hoạt động nuôi là rất cần thiết. Bên cạnh đó, cần cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các địa phương trong công tác kiểm soát và phòng chống dịch bệnh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đảm bảo vận chuyển thông suốt để duy trì sản xuất và xuất khẩu.
Ông Lê Thanh Tùng đề nghị, các địa phương nắm sát tình hình, kịp thời quan tâm hỗ trợ tháo gỡ các vướng mắc trong sản xuất, vận chuyển sản phẩm và vật tư phục vụ nuôi trồng thủy sản. Hỗ trợ các nhà máy chế biến cá tra đang tạm ngưng sớm khôi phục sản xuất. Đồng thời đề nghị các địa phương có điều chỉnh theo tình hình thực tế mô hình "3 tại chỗ", mô hình "1 cung đường, 2 điểm đến" hoặc mô hình kết hợp đặc biệt ở các tỉnh Nam sông Hậu có mức độ dịch ít nghiêm trọng hơn để tăng công suất và giảm chi phí cho cơ sở chế biến, tạo đầu ra cho toàn chuỗi; tạo điều kiện về xét nghiệm và di chuyển của nhân công, phương tiện thu hoạch, vận chuyển thuỷ sản.