Liên kết, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực thang máy
"Loạn" giá bảo trì thang máy
Là chủ một chung cư mi ni trên địa bàn quận Hoàng Mai (Hà Nội), anh Lê Mạnh Hoàng – chia sẻ: "Dù có số lượng phòng nhất định, mỗi phòng cũng khống chế số lượng người ở nhất định nhưng tôi xác định chung cư mi ni sẽ đông người sử dụng thang máy, do đó, tôi có lựa chọn lắp đặt thang máy nhập khẩu từ nước ngoài".
Loạn giá bảo trì thang máy (Ảnh minh hoạ) |
Tuy nhiên, dù có duy trì chế độ bảo hành, bảo trì nhưng câu chuyện bắt đầu từ khoảng giữa năm nay, thang máy gặp trục trặc, gây bất tiện cho người thuê nhà. Liên hệ với hãng thì được cho biết do bộ điều khiển thang máy gặp sự cố, việc thay thế mất chi phí lên tới bằng 1/3 chi phí chủ đầu tư bỏ ra thời điểm lắp đặt thang máy. Vấn đề ở chỗ, do là hàng nhập khẩu nên chủ đầu tư phải mất thời gian chờ đợi, chứ không có ngay. Câu chuyện của anh Hoàng là một trong rất nhiều các vấn đề mà cả các hộ gia đình, cá nhân, hay các tòa nhà văn phòng, chung cư đang gặp phải.
Qua khảo sát của phóng viên Báo Công Thương, hiện nay phí bảo trì, sửa chữa thang máy hư hỏng có thể dao động từ 600.000 đồng/lần tới hàng chục, hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng/lần (đối với dòng thang máy cao cấp). Người tiêu dùng hoang mang giữa “ma trận” chi phí này.
Thang máy gồm 4 phần cơ bản gồm: Động cơ, tủ điều khiển, hệ thống cơ khí, hệ thống điện. Theo các chuyên gia trong ngành, việc lựa chọn và lắp đặt thang máy trong nhà là một việc quan trọng để vừa đảm bảo độ tiện nghi, an toàn và thẩm mỹ.
Cũng giống như các dòng sản phẩm cơ khí khác, sau khi sử dụng được một thời gian, thang máy có thể gặp trục trặc, trong đó, bộ điều khiển thường là bộ phận có thể gặp sự cố trong quá trình sử dụng và cần thay thế để đảm bảo an toàn.
Tuy nhiên, chi phí của các bộ điều khiển thay mới có thể bị báo giá cao hơn gấp 4 lần so với bộ điều khiển ban đầu. Chưa kể, nếu là sản phẩm nhập ngoại thì thời gian nhập về từ hãng rất lâu 3 - 5 tháng khiến người dân ở các tòa nhà có thể lâm vào tình cảnh “khốn khổ” do thang máy không thể một ngày không dùng.
Liên kết, chuyên giao công nghệ trong lĩnh vực thang máy
Theo thống kê, hiện nay, nước ta có khoảng 400.000 thang máy với nhu cầu lắp mới hàng năm lên tới hơn 10.000 chiếc. Thị trường này được đánh giá có giá trị lên đến gần 400 triệu USD, đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ.
Doanh nghiệp Việt giới thiệu sản phẩm thang máy tại Triển lãm Hàng không quốc tế Việt Nam lần thứ ba diễn ra tại Hà Nội |
Dù vậy, theo ông Nguyễn Hải Đức - Chủ tịch Hiệp hội Thang máy Việt Nam, mặc dù đã có quy chuẩn và tiêu chuẩn về thiết kế và lắp đặt thang máy, nhưng quy định pháp lý cho quá trình sử dụng và bảo dưỡng vẫn còn thiếu.
Các chuyên gia nhận định, chính việc này khiến thị trường sau bán hàng, bảo hành và bảo trì thang máy trở nên "loạn giá", gây hoang mang cho người tiêu dùng. Trong bối cảnh nhu cầu phát triển khu dân cư, nhà cao tầng, các trung tâm thương mại… gia tăng nhanh chóng, đòi hỏi chất lượng và tiêu chuẩn an toàn phải được nâng tầm tương xứng. Điều này đang đặt ra những thách thức mới đối với các hãng sản xuất thang máy.
Để thích ứng với xu hướng thị trường cũng như tận dụng làn sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp Việt Nam đã nhanh chóng bắt nhịp, mạnh dạn chuyển đổi số, liên kết với các đối tác đến từ châu Âu, CHLB Đức… để chủ động đổi mới, đầu tư công nghệ phù hợp nhằm sản xuất thông minh, giúp nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh.
Ông Bùi Ngọc Phương - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại xây lắp Điện Nam Phương (Khu công nghiệp Sông Cùng, huyện Đan Phượng, Hà Nội) chia sẻ, năm 2020, doanh nghiệp đã ký kết hợp tác phát triển hệ thống phân phối độc quyền bộ điều khiển thang máy INTEC với Tập đoàn INTEC GMBH (CHLB Đức) - tập đoàn chuyên về nghiên cứu phát triển thang máy hàng đầu thế giới.
“Chúng tôi đã mạnh dạn tiến tới chuyển giao công nghệ từ Đức, mang đến giải pháp thay thế hợp lý hơn cho thị trường. Theo đó, với sự chuyển giao công nghệ từ hãng INTEC (Đức), doanh nghiệp đã phân phối đến người tiêu dùng các sản phẩm tủ điện và bộ điều khiển từ hãng INTEC với chi phí chỉ bằng 1/4 so với các sản phẩm chính hãng khác. Sản phẩm của chúng tôi không chỉ có giá cả cạnh tranh mà còn tích hợp công nghệ hiện đại, giúp thang máy vận hành mượt mà, an toàn, đồng thời giảm thiểu thời gian chờ đợi linh kiện”, ông Phương chia sẻ.
Cũng theo ông Phương, đây là bộ điều khiển thang máy công nghệ mới chất lượng cao, phù hợp với mọi loại thang máy, mở ra cơ hội cho người Việt được sử dụng một trong những hệ thống điều khiển thang máy hiện đại, thông minh và an toàn nhất hiện nay. Mục tiêu của doanh nghiệp là trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực cung cấp bộ điều khiển trong nước, hướng tới việc xuất khẩu sang các thị trường như Malaysia, Singapore.
Lần thứ tư đến Việt Nam để trực tiếp đào tạo, hướng dẫn, chuyển giao công nghệ sản xuất, lắp ráp các thiết bị công nghệ trong tủ điều khiển thang máy công nghệ Đức, ông Rene NeuMann - Giám đốc hỗ trợ kỹ thuật và xuất khẩu – Tập đoàn INTEC GMBH (CHLB Đức) cho biết, ưu điểm nổi bật của bộ điều khiển thang máy INTEC là có thiết bị và hệ thống phần mềm bảo trì từ xa 24/7. Người quản lý có thể đọc được tất cả các loại thông tin, số lần đi, thông tin lỗi, nguyên nhân lỗi và các hướng dẫn xử lý lỗi… từ xa mà không cần đến tận nơi.
Theo thống kê từ Hiệp hội Thang máy Việt Nam, đến nay, cả nước có khoảng 300 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thang máy, 1.500 cá nhân, tổ chức có liên quan đến thang máy. Thực tế, lĩnh vực thang máy mới được bổ sung vào danh mục các mặt hàng sản xuất trong nước kể từ năm 2014 nên có thể nói đây là ngành công nghiệp khá non trẻ và nhiều dư địa phát triển tại Việt Nam.
Nhấn mạnh vào việc phải đầu tư vào con người, công nghệ và thiết bị để đảm bảo chất lượng và an toàn tuyệt đối, ông Nguyễn Tài Minh Cường - Giám đốc Điều hành iTEK ELEVATOR - Công ty Cổ phần dụng cụ cơ khí xuất khẩu (EMTC) cho hay, trong bối cảnh thị trường thang máy đang phát triển mạnh, việc làm chủ công nghệ và đảm bảo sự an toàn, chất lượng cho người sử dụng được doanh nghiệp ưu tiên hàng đầu.
Có thể thấy, các doanh nghiệp thang máy trong nước đang dần khẳng định vị thế của mình trên thị trường, mang đến lựa chọn đáng tin cậy cho người tiêu dùng Việt Nam.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, để người tiêu dùng được thụ hưởng sản phẩm công nghệ cao với giá thành hợp lý thì rất cần sự chung tay của các cơ quan quản lý, các đơn vị hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, cùng nhau hợp sức đưa ngành công nghiệp hỗ trợ này "cất cánh". Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, về phía cơ quan quản lý Nhà nước, cần hoàn thiện hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, cũng như từng bước minh bạch hóa thị trường.