Tiền lẻ vẫn thả vô tư, mặc khuyến cáo của các cơ quan chức năng
CôngThương - Khó kiểm soát giá dịch vụ
Theo phản ánh của đa số người dân cung cấp dịch vụ tại các điểm lễ hội thì lượng khách đi lễ đầu năm 2014 giảm nhiều so với năm ngoái và thường đông vào dịp cuối tuần. Mặc dù hoạt động kinh doanh tại nhiều khu vực lễ hội, đền chùa kém hơn mọi năm, nhưng giá cả hàng hóa và dịch vụ tại những nơi này vẫn có nhiều điều phải bàn. Bức xúc nhất của nhiều người đi lễ đầu năm là giá trông giữ ôtô - xe máy quá cao, từ 5.000 - 15.000 đồng/lượt đối với xe máy và 20.000 - 50.000 đồng/lượt đối với ôtô. Cá biệt có nơi lên tới 70.000 - 100.000 đồng/lượt đối với loại xe trên 25 chỗ ngồi.
Trong cùng một điểm lễ hội, giá hàng hóa mỗi chỗ một khác, đặc biệt những sản phẩm mang tính tâm linh phải “xin” như bùa hộ mệnh bình an, lệnh đi đường, ấn Đền Trần cũng được bày bán nhan nhản, rẻ nhất như bùa hộ mệnh kích thước khoảng 4 x 6 cm có giá 5.000 đồng, ấn hay lệnh đi đường giá 20.000 - 25.000 đồng. Để có được một vài dòng chữ Hán trên lá sớ in sẵn, hay xin quẻ, khách hàng phải bỏ ra từ 10.000- 40.000 đồng. Hàng ăn uống cũng tăng giá vô tội vạ, nhất là những điểm có lượng khách đông như chùa Hương, Phủ Giày, Đền Trần, Bái Đính..., một bát phở gà, bò hay bún cá có giá tới 50.000 đồng, chi phí tối thiểu bữa trưa khoảng 80.000-100.000 đồng/người với những món ăn đơn giản nhất.
Nhiều chuyên gia cho rằng, các địa phương cần xây dựng nội dung kế hoạch chi tiết cho từng lễ hội, tập trung vào phần hội nhiều hơn phần lễ. Nhất là công tác an toàn, vệ sinh môi trường, chất lượng và giá cả hàng hóa dịch vụ phải đảm bảo niêm yiết, minh bạch, cần kiểm tra thường xuyên và có quy chế xử phạt hành chính đối với những người vi phạm. |
Nỗi buồn lễ hội
Để khắc phục những tồn tại phổ biến ở mùa lễ hội như tình trạng đổi tiền lẻ, hàng quán dịch vụ lộn xộn, ăn uống mất vệ sinh an toàn thực phẩm, nạn trộm cắp, móc túi, mê tín dị đoan, ăn xin, đốt vàng mã, xả rác ra môi trường…, cuối năm 2013, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đã có công văn gửi tới các sở trực thuộc tại các địa phương, yêu cầu nâng cao vai trò chủ đạo trong việc tham vấn, chỉ đạo, tổ chức, kiểm tra, giám sát, xử lý các trường hợp vi phạm tại các điểm du lịch văn hóa, tâm linh.
Tuy nhiên theo quan sát của phóng viên tại hơn 10 điểm lễ hội, chùa chiền ở các tỉnh Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định và Hà Nội... thì tình trạng nổi cộm nhất vẫn là xả rác ra môi trường một cách bừa bãi và đội quân ăn xin lê lết trên khắp các ngả đường. Thêm vào đó hiện tượng nhét tiền vào tay các tượng phật, trên ban thờ, gốc cây còn phổ biến. Nhiều gian hàng vẫn bày bán đồ chơi, bao gồm cả đồ chơi bạo lực được làm từ nhựa độc hại của Trung Quốc. Điều này vừa gây mất mỹ quan, vừa gây bức xúc cho du khách tham quan.
Một nỗi lo nữa của nhiều du khách là tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm từ đồ tươi sống đến món ăn chín đã chế biến sẵn như giò chả, bánh giày giò, bánh kẹo, hoa quả các loại... Người ta chế biến món ăn trong khu bếp tạm bợ, bẩn thỉu, trong điều kiện thiếu nước sạch.
Bà Trần Thị Liễu (Hà Nội) thường xuyên đi lễ đầu năm chia sẻ, vấn đề xả rác, ăn xin, giá cả dịch vụ cao đã tồn tại từ nhiều năm nay, nhưng không hiểu sao các cấp chính quyền địa phương vẫn chưa xử lý triệt để được mặc dù có ban tổ chức. Nếu họ quyết tâm thực sự và mạnh tay xử lý, chắc chắn sẽ làm được. Đơn cử như tình trạng cấm đốt hương trong đền chùa, quy hoạch nơi đốt vàng mã được du khách thực hiện rất tốt.