Lạng Sơn: Tháng 7/2024 kiểm tra, xử lý 265 vụ việc, phạt gần 1 tỷ đồng
Theo đó, trong tháng 7/2024, các Đội Quản lý thị trường thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn đã chủ động trong công tác nắm tình hình địa bàn, tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm về thương mại điện tử, an toàn thực phẩm, kinh doanh hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ...
Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, các đơn vị trực thuộc tăng cường tuyên truyền qua nhiều hình thức; kết quả các đơn vị đã nỗ lực tổ chức ký cam kết đến 132 lượt tổ chức, cá nhân; tuyên truyền thông qua công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường 251 lượt tổ chức, cá nhân; thông qua phương tiện thông tin đại chúng 22 lượt, tuyên truyền qua Trang thông tin điện tử của Cục được 54 tin, bài; tiếp tục duy trì các số điện thoại đường dây nóng tại các cửa hàng kinh doanh xăng dầu để tiếp nhận các kiến nghị, phản ánh, tố giác các hành vi vi phạm về kinh doanh xăng dầu.
Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn kiểm tra các cơ sở kinh doanh (Ảnh: Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn) |
Về kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính: Tổng số vụ kiểm tra 265 vụ; số vụ vi phạm 162 vụ; số tiền phạt vi phạm hành chính: 938.550.000 đồng; trị giá hàng hóa vi phạm 494.762.000 đồng. Thông qua kiểm tra thị trường, đã xử lý vi phạm nộp vào ngân sách nhà nước 964.750.000 đồng. Trong đó, số tiền phạt vi phạm hành chính: 938.550.000 đồng, tiền bán hàng hoá tịch thu là 26.200.000 đồng.
Thông qua kiểm tra, kiểm soát thị trường đã góp phần ổn định tình hình thị trường, đảm bảo cung cầu và kiểm soát hàng hoá, không phát hiện biểu hiện bất thường về lưu thông hàng hóa trên địa bàn; đảm bảo cung ứng những mặt hàng thiết yếu; không phát hiện vi phạm lớn về an toàn thực phẩm, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Trong thời gian tới, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn tiếp tục thực hiện Kết luận số 503-KL/TU, ngày 28/3/2022 của Thường trực Tỉnh ủy về tăng cường công tác lãnh đạo hoạt động quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa và công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại các cửa khẩu. Nâng cao tinh thần trách nhiệm, nắm diễn biến tư tưởng của công chức; chú trọng thực hiện giám sát, kiểm tra nội bộ, kịp thời phát hiện, kiến nghị xử lý các hành vi sai phạm trong nội bộ lực lượng (nếu có).
Đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền, phổ biến văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao nhận thức tiêu dùng của người dân, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống gian lận thương mại, hàng giả và hàng lậu trên thương mại điện tử và thương mại truyền thống.
Thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ thường trực Ban Chỉ đạo 389 các cấp; kịp thời tham mưu, đề xuất về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất theo quy định đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh và hoạt động xuất nhập khẩu qua địa bàn, chú trọng công tác chống buôn lậu đối với các nhóm hàng hoá về thực phẩm, vật tư nông nghiệp, con giống gia cầm, gian lận thương mại qua hoạt động xuất nhập khẩu.