Lạng Sơn: Đưa khoa học và công nghệ phát triển sản phẩm chủ lực
Tăng sức cạnh tranh của sản phẩm
Báo cáo về hoạt động KH&CN, bà Nguyễn Thị Hà, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Lạng Sơn cho biết, thời gian qua, hoạt động quản lý nhà nước về KH&CN đã bám sát mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và được triển khai một cách đồng bộ. Công tác quản lý KH&CN đã có nhiều đổi mới, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ, nhất là trong nông nghiệp được triển khai, ứng dụng, mang lại hiệu quả và có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn. Các hoạt động hợp tác, nghiên cứu triển khai, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN vào thực tiễn sản xuất, đời sống góp phần khai thác hiệu quả các tiềm năng lợi thế của tỉnh, các hoạt động hỗ trợ hình thành và phát triển hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được quan tâm, thực hiện.
Buổi làm việc giữa Bộ KH&CN với tỉnh Lạng Sơn |
Hầu hết các sản phẩm chủ lực, tiềm năng, đặc trưng như: Hoa hồi, hồng, na, quýt, thạch đen, cao khô, khoai Lang, ba kích, rau… đều có đóng góp quan trọng của KH&CN từ các khâu giống cây trồng, quy trình canh tác, phòng trừ dịch bệnh, chế biến sau thu hoạch và xây dựng bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa,…giúp tăng năng suất, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm. Hiện nay, toàn tỉnh có 16 sản phẩm đặc sản địa phương được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ gồm 2 chỉ dẫn địa lý, 13 nhãn hiệu tập thể và 1 nhãn hiệu chứng nhận.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc nghiên cứu và ứng dụng KH&CN chưa phát huy hết tiềm năng và lợi thế của tỉnh như chưa có nhiều mô hình ứng dụng KH&CN quy mô liên ngành, liên vùng, nhất là những mô hình ứng dụng công nghệ cao trong các lĩnh vực nông nghiệp, y tế, du lịch,…
Trước vấn đề này, bà Lâm Thị Phương Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn chia sẻ, xác định là một tỉnh có nhiều đặc thù, khó khăn nhiều hơn thuận lợi, nên mặc dù lĩnh vực KH&CN được quan tâm và có chuyển biến nhưng so với yêu cầu đặt ra vẫn còn có khoảng cách và mang tính dàn trải. Đặc biệt hàm lượng KH&CN nói chung thể hiện trên các sản phẩm còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu thúc đẩy KH&CN cho phát triển kinh tế - xã hội.
“Bộ KH&CN cần tư vấn thêm cho tỉnh phát triển một số sản phẩm chủ lực, đưa KH&CN thành lĩnh vực mũi chọn, lựa chọn mô hình có thể ứng dụng rộng rãi trong đời sống, đặc biệt là vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, tư vấn lồng ghép hiệu quả chiến lược phát triển KH&CN trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh” - bà Lâm Thị Phương Thanh nói.
Tại buổi làm việc, các đại biểu cũng kiến nghị, Bộ KH&CN tăng cường hỗ trợ tỉnh Lạng Sơn triển khai một số nhiệm vụ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội như nhiệm vụ thuộc Chương trình quỹ gen; nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia; nhiệm vụ thuộc chương trình nông thôn miền núi, chương trình phát triển tài sản trí tuệ...
Bên cạnh đó, hỗ trợ nâng cao năng lực và hỗ trợ hoạt động của huấn luyện viên/cố vấn viên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng và truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm hàng hóa; trang thiết bị, xây dựng cơ sở vật chất và đào tạo nhân lực cho trạm quan trắc và cảnh báo môi trường phóng xạ tại tỉnh Lạng Sơn...
Ưu tiên nguồn lực cho KH&CN
Trong thời gian tới, hoạt động KH&CN tỉnh Lạng Sơn sẽ xây dựng định hướng hoạt động nghiên cứu, ứng dụng theo hướng tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm: Nông, lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghệ sinh học; bảo tồn nguồn gen; công nghệ bảo quản chế biến sau thu hoạch; chương trình phát triển kinh tế - xã hội cho từng vùng.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã đến thăm vùng Na Chi Lăng, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn. |
Đồng thời, hỗ trợ nghiên cứu mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả; nghiên cứu bảo tồn và phát triển các cây trồng bản địa; hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN nâng cao giá trị cho sản phẩm.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng, trong thời gian qua, tỉnh Lạng Sơn đã quan tâm, đầu tư cho phát triển KH&CN, thực hiện thành công nhiều dự án với sự hỗ trợ của Trung ương, Bộ KH&CN trên địa bàn tỉnh, đem lại nhiều kết quả thiết thực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.
“KH&CN đã đồng hành và phục vụ phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh như na, hoa hồi, quýt, cây dược liệu; hỗ trợ phục vụ xây dựng nông thôn mới, xây dựng quy hoạch, thực hiện các mô hình sản xuất nông lâm nghiệp...” - Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhấn mạnh và cho hay, ngoài sử dụng ngân sách địa phương, tỉnh cũng đã chủ động trong việc thu hút các nguồn lực từ trung ương thực hiện các nhiệm vụ KH&CN trên địa bàn. Trong giai đoạn 2015 đến nay, đã có hơn chục nhiệm vụ cấp quốc gia hỗ trợ Lạng Sơn.
Để đẩy mạnh hoạt động KH&CN trong thời gian tới, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đề nghị, tỉnh cần xác định hoạt động đổi mới sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ là trung tâm của hoạt động KH&CN; xây dựng nghị quyết chuyên đề về KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và xác định KH&CN đồng hành phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; ưu tiên nguồn lực cho KH&CN đáp ứng yêu cầu phát triển.
Đặc biệt, bố trí nguồn vốn đầu tư phát triển chi cho KH&CN để triển khai các dự án nâng cao tiềm lực của các tổ chức KH&CN trên địa bàn; chú trọng xây dựng và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ KH&CN phát triển sản phẩm chủ lực, tiếp tục xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển doanh nghiệp KH&CN; chú trọng triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Chỉ thị 16/CT-TTg về nâng cao năng lực tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0…