Lâm Đồng: Nhiều khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp ngành Công Thương chưa được giải quyết
Ngày 21/9, thông tin từ UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, đơn vị vừa có văn bản đề nghị các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương và UBND TP. Đà Lạt, UBND huyện Bảo Lâm tiến hành rà soát, xử lý những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp ngành Công Thương.
Cụ thể, UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư (Sở KH&ĐT), Sở Tài nguyên và Môi trường (Sở TN&MT) và UBND TP. Đà Lạt, huyện Bảo Lâm căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương và các sở, ngành liên quan khẩn trương rà soát, xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp ngành Công Thương; chủ động xử lý, giải quyết các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của sở, ngành, địa phương mình và tham mưu, đề xuất UBND tỉnh xem xét, giải quyết các nội dung thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh theo quy định pháp luật; báo cáo UBND tỉnh trong tháng 10/2024.
Dự án Nhà máy Thuỷ điện Cam Ly tại TP. Đà Lạt đang chậm tiến độ do vướng mắc một số thủ tục pháp lý. Ảnh: Lê Sơn |
Trước đó, ngày 16/9/2024, Sở Công Thương đã có Văn bản số 2088/SCT-KHTH về việc báo cáo UBND tỉnh Lâm Đồng những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp ngành Công Thương đang gặp phải trong thời gian qua.
Liên quan đến nội dung này, trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng cho biết, sau khi rà soát các vấn đề tồn đọng, vướng mắc, Sở đã thống kê, tổng hợp và đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết, đặc biệt đề xuất tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc đã kéo dài cần xử lý dứt điểm.
Tại Công ty Cổ phẩn điện Đa Brlen (huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng), khó khăn đang gặp phải trong gia hạn chủ trương đầu tư, Công ty đã nộp hồ sơ xin gia hạn quyết định chủ trương đầu tư đến quý III năm 2025 cho Sở KH&ĐT tỉnh Lâm Đồng, tuy nhiên đến nay Sở này vẫn chưa có văn bản trình UBND tỉnh xem xét gia hạn tiến độ đầu tư và trong công tác giải phóng mặt bằng, có một phần diện tích đất thuộc dự án chưa được phê duyệt phương án bồi thường.
Tiếp đó, theo Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng, quá trình thực hiện dự án Nhà máy Thuỷ điện Cam Ly Đà Lạt, do Công ty Cổ phần xây dựng số 1 Việt Hưng (Quận 1, TP. Hồ Chí Minh) làm chủ đầu tư, có 3 khó khăn, vướng mắc kéo dài: Thứ nhất, trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, mặc dù ngày 28/2/2024, Phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Lạt đã có văn bản trình Hội đồng thẩm định giá đất để thực hiện dự án Nhà máy thuỷ điện Cam Ly. Tuy nhiên, đến nay giá đất vẫn chưa được phê duyệt, công tác lập phương án bồi thường và chi trả tiền cho người dân chưa được thực hiện.
Thứ hai, về nội dung điều chỉnh chủ trương đầu tư, Công ty đã trình Sở KH&ĐT hồ sơ xin điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư dự án theo quy mô dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và theo hướng dẫn góp ý chỉnh sửa của Sở KH&ĐT, nhưng đến nay doanh nghiệp vẫn chưa nhận được kết quả giải quyết.
Thứ ba, một khó khăn nữa, trong việc chuyển đổi chủ đầu tư, Công ty đã nhiều lần trình Sở KH&ĐT, UBND tỉnh xin điều chỉnh Nhà đầu tư, chuyển nhượng dự án sang Công ty TNHH Thuỷ điện Cam Ly. Tuy nhiên, đến nay cũng chưa được UBND tỉnh cho phép chuyển đổi tên chủ đầu tư dự án.
Tiếp đến, những khó khăn, vướng mắc tại dự án nắn tuyến đường dây 220kV Bảo Lộc – Sông Mây đoạn đi qua Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TP. Bảo Lộc, Lâm Đồng) do Tổng Công ty truyền tải điện quốc gia làm chủ đầu tư; Sở Công Thương đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị Tổng Công ty truyền tải điện quốc gia thu hồi Văn bản số 3876/EVNNPT-KT ngày 6/10/2017 về việc thoả thuận phương án cải tạo, di chuyển đường dây 220kV mạch kép Bảo Lộc – Long Bình, Bảo Lộc – Sông Mây đoạn qua Trường Đại học Tôn Đức Thắng tại khoảng cột 300 - 301 hoặc làm việc với Trường xác định thời gian hoàn thành dự án nắn tuyến đoạn qua đây làm cơ sở thực hiện hướng tuyến đi tạm theo tuyến hiện hữu.
Cuối cùng, khó khăn, vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng giai đoạn 2, giai đoạn 3 tại dự án bauxit – Nhôm của Công ty TNHH MTV Nhôm Lâm Đồng – TKV tại huyện Bảo Lâm.
Cụ thể, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng giai đoạn 2: Có 10 hộ dân chưa nhận tiền thì 4/10 hộ thuộc diện bố trí tái định cư nên chưa đủ điều kiện cưỡng chế, có 6/10 hộ đã chuyển hồ sơ về Huyện để thực hiện thủ tục cưỡng chế theo quy định nhưng đến nay Huyện chưa có văn bản về việc này. Có 01 hộ thuộc đợt 3 (lần 10) 0,61ha không đồng ý giá nên chưa nhận tiền bồi thường.
Đặc biệt, có 14,2 ha/29,9ha tranh chấp về nguồn gốc khai phá đất giữa người dân và 02 công ty Vĩnh Tiến và Vĩnh Lộc cần tiếp tục xác minh, làm rõ (trong đó: 6,5ha người dân đang tranh chấp quyền khai phá, canh tác đối với 02 công ty; phần còn lại là đất giao thông chung và một phần là đất cần tiếp tục xác minh, làm rõ về nguồn gốc).
Đối với công tác đền bù, giải phóng mặt bằng giai đoạn 3 tại dự án: Có 1,21 ha chưa chi trả tiền bồi thường (1,08 ha tạm dừng chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho hộ dân theo văn bản của Chi cục thi hành án dân sự huyện Bảo Lâm; 0,13 ha do hộ dân đang cầm cố tài sản trong ngân hàng với giá trị cao hơn giá đền bù). Do đó, Sở Công Thương đề xuất UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo các cơ quan liên quan và UBND huyện Bảo Lâm trong việc thu hồi đất của 02 Công ty Vĩnh Tiến, Vĩnh Lộc thuộc 5 năm giai đoạn 2 và đẩy nhanh công tác đền bù giải phóng mặt bằng thuộc 5 năm giai đoạn 3.