Lãi suất tiền gửi ngân hàng đua nhau tăng
Lãi suất tiếp tục nhích lên trong cuộc đua giữa các ngân hàng |
Ngày 8/1, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) chính thức áp biểu lãi suất huy động mới. Theo đó, dù không mấy cạnh tranh ở các kỳ hạn ngắn, song khách hàng gửi từ 15 tháng trở lên có thể hưởng lãi suất cao - 7,6% một năm.
Trước đó vài ngày, ACB cũng nâng biểu lãi suất tiền gửi thêm 0,1-0,2% ở gần hết các kỳ hạn. Hiện nay mức lãi cao nhất của ngân hàng này là 6,9% với kỳ hạn 36 tháng.
Những ngày cuối tháng 12/2015, thị trường cũng đã ghi nhận việc điều chỉnh lãi suất của hàng loạt ngân hàng, gồm cả khối Nhà nước lẫn cổ phần. Theo đó, Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) tăng lãi gửi tiền đồng thêm 0,2-0,3% mỗi năm cho một số kỳ hạn ngắn.
Tương tự, BIDV cũng mạnh tay điều chỉnh lãi suất huy động thêm 0,5-0,8% ở các kỳ 1-3 tháng. Kỳ hạn một tháng tăng từ 4% lên 4,8%, 2 tháng từ 4,3% lên 5% và 3 tháng lên 5,2% (tăng 0,5% so với mức niêm yết cũ). Ngoài ra, các ngân hàng như VPBank, VietCapital Bank, Saigonbank… cũng có động thái tương tự.
Ngoài việc tăng lãi suất, các nhà băng cũng liên tục tung ra các chiến dịch khuyến mãi hấp dẫn kèm theo để hút vốn như gửi tiền càng lớn, lãi càng cao; quay số dự thưởng... Theo các chuyên gia, trong cuộc đua này, các ngân hàng nhỏ cũng gồng mình để níu chân khách hàng.
Giới phân tích cho rằng mặt bằng lãi suất huy động vốn hiện tăng trung bình khoảng 0,2-0,4% so với tháng trước. Điều này phản ánh nhu cầu vốn cho phát triển gia tăng và đây là một dấu hiệu tích cực.
"Mặt khác, đây là thời điểm cuối năm, nhiều doanh nghiệp sẽ rút tiền ra chi trả lương thưởng, còn cá nhân thì lấy tiền về để sắm sửa Tết. Do đó, nguồn vốn tạm thời sẽ bị rút ra nên các ngân hàng phải tìm cách để tăng huy động cân đối", một chuyên gia nói.
Trong khi đó, lãnh đạo Ngân hàng Á Châu chia sẻ, việc các nhà băng thời gian qua mở chi nhánh phòng giao dịch khá nhiều, tăng lãi suất cũng là một cách để họ kéo khách hàng, giành thị phần chứ không hẳn do nhu cầu thực sự về vốn. Theo ông, cuộc đua này làm cho khoảng cách chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động giảm, khiến doanh thu của các ngân hàng thấp đi, phần nào ảnh hưởng lớn đến tình hình tài chính.
Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần có trụ sở chính tại TP. Hồ Chí Minh cũng cho rằng, nhà băng của ông không thiếu vốn đến mức phải tăng mạnh lãi suất huy động nhưng với tình hình như hiện nay, ngân hàng đành phải tăng theo vì sợ sẽ mất khách hàng.
Trước "cuộc đua" tăng lãi suất huy động này, ông Nguyễn Thanh Tùng - Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á thừa nhận, thị trường ngân hàng không chỉ chứng kiến cuộc đua về chất lượng dịch vụ mà còn bị áp lực bởi vấn đề lãi suất.
"Hiện nay, lãi suất cho vay đòi hỏi phải giảm nhưng huy động thì vẫn tiếp tục tăng tại một số ngân hàng. Với điều kiện bình thường, DongA Bank đã khó, giờ lại đang trong quá trình kiểm soát đặc biệt thì sẽ càng khó hơn", ông nói và cho biết, thời điểm này, thanh khoản của ngân hàng khá ổn định, nhưng vì thận trọng về chất lượng tín dụng nên chưa thể mạnh dạn cho vay nhằm tăng dư nợ ngay.
Dự báo về diễn biến lãi suất trong những tháng tới, các chuyên gia ngân hàng đều cho rằng, nó sẽ tiếp tục đứng ở mức cao và còn có xu hướng tăng nhẹ. Bởi nhu cầu huy động vốn trung và dài hạn của các ngân hàng rất cao.