Lãi suất tiền gửi “leo thang”
Ngày 19/8, Ngân hàng TMCP Bản Việt (Viet Capital Bank) đã đưa ra sản phẩm chứng chỉ tiền gửi với lãi suất được xem là “khủng” nhất thị trường, lên tới 10,2%/năm. Chỉ cần 10 triệu đồng trở lên với khách hàng cá nhân và khách hàng tổ chức từ 100 triệu đồng với 4 kỳ hạn cố định: 24 tháng, 36 tháng, 48 tháng và 60 tháng là đã được lãi suất tương ứng với các kỳ hạn gửi là mức lãi 9,5%/năm, 9,8%/năm, 10,0%/năm và 10,2%/năm.
Việc tăng lãi suất huy động đã được một số nhà băng thực hiện kể từ đầu tháng 8 đến nay, tập trung ở kỳ hạn 6 tháng trở lên. Đơn cử, tuần trước, Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) triển khai chương trình huy động với lãi suất hấp dẫn ở nhiều kỳ hạn linh hoạt dành cho các khách hàng cá nhân tham gia sản phẩm tiết kiệm bậc thang theo số tiền. Cụ thể, lãi suất tiết kiệmcủa nhà băng này áp dụng lên đến 7,8%/năm ở kỳ hạn 6 tháng; với kỳ hạn 9 tháng, 12 tháng và 13 tháng, mức lãi suất tối đa sẽ lần lượt là 8%/năm, 8,1%/năm và 8,2%/năm. SHB đang là một trong những ngân hàng niêm yết mức lãi suất tiết kiệm cao nhất trên thị trường. Cũng trong thời gian này, SHB tặng lãi suất 0,6%/năm cho khách hàng mở mới sổ tiết kiệm trả lãi trước đồng thời phát hành mới hợp đồng bảo hiểm.
Lý giải cho việc tăng lãi suất huy động, Tổng giám đốc SHB, ông Nguyễn Văn Lê cho biết: “Nhằm đón đầu cơ hội kinh doanh tiếp tục khởi sắc trong các tháng cuối năm, hiện các ngân hàng trên thị trường đang đẩy mạnh huy động vốn, đặc biệt là các kỳ hạn dài; chương trình của SHB với kỳ hạn đa dạng và lãi suất hấp dẫn sẽ mang đến cho các khách hàng nhiều sự lựa chọn phù hợp với nhu cầu.”
Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) từ ngày 17/8 cũng áp dụng lãi suất hấp dẫn lên đến 8,5% cho khách hàng cá nhân gửi tiền 12 tháng và 7,5%/năm cho kỳ hạn 6 tháng và 8,5%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. So với mức lãi suất cũ, nhà băng này đã tăng lần lượt 0,8% và 0,7%/năm cho mỗi kỳ hạn. Với mức lãi suất mới, sản phẩm gửi tiết kiệm tại ABBANK được xem là cạnh tranh nhất trên thị trường tiền gửi hiện nay dành cho khách hàng cá nhân.
ABBANK là một trong các ngân hàng tăng lãi suất huy động ở mức khá cao hiện nay |
Ông Phạm Duy Hiếu – Quyền Tổng Giám đốc ABBANK chia sẻ: “Đợt điều chỉnh lãi suất lần này là một nỗ lực của ABBANK nhằm tạo những cơ hội gia tăng lợi ích tài chính cho khách hàng có nhu cầu tìm kiếm một kênh đầu tư an toàn và hiệu quả. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng mong muốn thu hút, bổ sung thêm nguồn vốn trung, dài hạn để phục vụ cho nhu cầu kinh doanh trong thời gian tới, đồng thời đáp ứng lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn sử dụng để cho vay trung và dài hạn theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước.”
Ngoài các ngân hàng trên, từ đầu tháng 8 tới nay, thị trường đã chứng kiến một số ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động lên mức khá cao, như OCB áp dụng biểu lãi suất mới từ ngày 12/8, cao nhất là 8,1%/năm với kỳ hạn 36 tháng, trong khi trước đó chỉ ở mức 7,7%/năm; Eximbank có biểulãi suất gửi tiết kiệm tại quầy cao nhất là 8,4%/năm, kỳ hạn 13 tháng, 24 tháng, 36 tháng thay vì 8%/năm như trước đây; Lãi suất kỳ hạn 12 tháng tăng từ lên 6,8%/năm lên 7,9%/năm; VIB phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 61 tháng, trả lãi 12 tháng với lãi suất 9,1%/năm. Số tiền gửi tối thiểu chỉ 10 triệu đồng. Không chỉ các ngân hàng cổ phần mà những ngân hàng Nhà nước cũng vào cuộc đua tăng lãi suất huy động, dù mức tăng có phần thấp hơn. Đơn cử như mới đây BIDV và VietinBank đều niêm yết lãi suất tiền gửi 12 tháng ở mức 7%/năm, tăng 0,1-0,2 điểm % so với trước đó.
Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính, việc các ngân hàng tăng lãi suất huy động là để đón đầu mùa kinh doanh cuối năm, khi nền kinh tế cần nhiều vốn hơn. Trên thực tế, thanh khoản của hệ thống ngân hàng từ đầu năm đến nay khá ổn định, dòng tiền huy động với tăng trưởng tín dụng không bị chênh lệch quá lớn, thậm chí là tăng tín dụng đang đi đúng hướng của nhà điều hành với mức tăng không quá nóng: 6 tháng đầu năm đạt 7,33%, cao hơn cùng kỳ năm trước.
Đánh giá trên không phải không có cơ sở nếu nhìn vào kết quả điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ở tuần gần đây nhất. Báo cáo thị trường tuần (12-16/8) của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) chỉ ra rằng, trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất trong tuần qua tiếp tục duy trì ở mức thấp quanh 3%/năm. Cụ thể, kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần giảm nhẹ, lần lượt từ mức 2,9%/năm; 3,1%/năm và 3,2%/năm xuống mức 2,65%/năm; 3,05%/năm và 3%/năm. Thanh khoản vẫn tương đối ổn định nên diễn biến của lãi suất liên ngân hàng được dự báo sẽ không có biến động quá lớn trong thời gian tới. Trong tuần qua, NHNN đã phát hành mới 41.999 tỷ đồng tín phiếu (kỳ hạn 7 ngày với mức lãi suất 2,75%/năm) trong khi có 38.999 tỷ đồng đáo hạn trong tuần.
“Theo quan sát của BVSC, trong 4 tuần gần đây, lượng bơm/ hút ròng của NHNN qua kênh thị trường mở (OMO) và tín phiếu ở mức tương đối thấp. Diễn biến này cho thấy thanh khoản hệ thống ngân hàng giai đoạn này đang tương đối ổn định. Tính lũy kế từ đầu năm 2019 tới nay, NHNN đã hút ròng tổng cộng 98.487 tỷ đồng qua nghiệp vụ thị trường mở”, báo cáo đánh giá.
Trong Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 7 vừa ban hành, Chính phủ đã yêu cầu NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp đồng bộ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác, bảo đảm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu; tăng trưởng tín dụng phù hợp, đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế. Vì thế, với đợt giảm lãi suất cho vay từ đầu tháng 8 của hầu hết các ngân hàng thương mại, cùng với chính sách điều hành nhất quán của NHNN từ đầu năm đến nay, kỳ vọng, việc tăng lãi suất của các ngân hàng ở thời điểm hiện tại sẽ không gây áp lực lên lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp trong những tháng cuối năm.