Dấu ấn chiến lược và hành trình 10 năm kinh tế “xanh” tại Quảng Ninh

Kỳ II: Du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn

Bức tranh du lịch Quảng Ninh từng bước được tô điểm bằng những nét vẽ với gam màu tươi sáng, khẳng định được thương hiệu trong nước và thế giới.

Quảng Ninh: Giải pháp thu hút khách du lịch Hồi giáo Du lịch Quảng Ninh đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội “Khát vọng xây dựng một Quảng Ninh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại"

Kỳ I: Hành trình bứt phá chuyển dịch kinh tế từ “nâu” sang “xanh”

Đánh thức miền di sản từ dòng chảy quá khứ

Hơn một thế kỷ trước, ngay từ những bước chân đầu tiên khi đặt chân đến vùng mỏ, người Pháp đã không bỏ lỡ cơ hội khai thác tiềm năng du lịch từ Vịnh Hạ Long. Đứng trước dãy núi trùng điệp, họ đã ngay lập tức tổ chức các chuyến tham quan vịnh vào các dịp lễ các Thánh, Giáng sinh, Tết Nguyên đán của người Việt...

Trong tập tài liệu (mã M7.1544, do Liên hiệp Các nghiệp đoàn du lịch miền Bắc Đông Dương xuất bản năm 1938) lưu tại Viện Viễn đông Bác Cổ có bài “Du lịch Vịnh Hạ Long” đã giới thiệu vẻ đẹp của Vịnh Hạ Long cùng với các di tích Angkor (Campuchia), những lăng tẩm ở Huế. Nội dung tài liệu phần viết về Vịnh Hạ Long có nhiều thông tin khá lý thú, cho người đọc có cái nhìn về cách người Pháp khai thác dịch vụ du lịch trên Vịnh Hạ Long thời bấy giờ.

Theo các tài liệu lưu trữ, đầu những năm 20, nhất là những năm 30 của thế kỷ trước, Vịnh Hạ Long bắt đầu được quảng bá về vận tải biển, du lịch trên các tạp chí, bưu thiếp. Trong đó, về du lịch, chủ yếu là quảng bá về Vịnh Hạ Long. Bấy giờ, du khách muốn đến Hạ Long chủ yếu là từ Hà Nội xuống Hải Phòng bằng tàu hỏa rồi đi tàu thủy, hoặc ô tô sang Hòn Gai. Đối với khách châu Âu, có thể đi theo tuyến tàu biển từ Hồng Kông, phía Nam Trung Quốc xuống.

Khảo cứu cũng cho thấy một trong những hãng du lịch lớn nhất trên Vịnh Hạ Long khi đó là hãng P.Roque - sở hữu một đội tàu hơi nước hạng sang - đặt tên theo các loại ngọc như: Perle (ngọc trai), Emeraude (ngọc lục bảo), Rubis (hồng ngọc), Saphir (ngọc lam)... Mỗi tàu phục vụ được ít nhất là 20 người. Trên tàu có phòng khách, phòng ngủ, phòng ăn, quạt điện, buồng tắm, tủ lạnh, buồng tối dành cho nghề ảnh.

Với hành trình 2-4 ngày, du khách sẽ được đưa tham quan các hang động trên vịnh, cảng Vạn Hoa, lên bộ tham quan các mỏ than ở Hà Tu, Cẩm Phả, thậm chí đi tàu thuỷ đến tận Cảng Vạn Hoa (Vân Đồn), Mũi Ngọc (Móng Cái). Ngoài đi tàu hạng sang theo các tour kể trên, du khách có thể thuê xuồng gắn máy khám phá vẻ đẹp của Vịnh Hạ Long hoặc thuê thuyền tam bản (thuyền nan), để tham quan các hang động.

Kỳ II: Du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn

Vịnh Hạ Long với hình ảnh hòn Đỉnh Hương, hòn Con Cóc cùng ngư dân được quảng bá trên trang bìa tạp chí Indochine (Đông Dương) năm 1931 - Ảnh: Quangninh.gov.vn

Với những vẻ đẹp kỳ vĩ, Vịnh Hạ Long nhanh chóng trở thành điểm đến “không thể bỏ qua” của những người Pháp khi đặt chân đến miền Bắc Việt Nam. Bên cạnh đó, theo nhiều sử liệu, du lịch ở Hạ Long - Hòn Gai nửa đầu thế kỷ 20 được người Pháp phát triển nhưng không có nghĩa là chỉ dành cho người Pháp hay người Âu mà rất nhiều người Việt đã tới du lịch Vịnh Hạ Long. Trong đó có không ít du khách là những văn nghệ sĩ, ký giả. Các tạp chí như Nam Phong, Đông Dương (Indochine) đã đăng nhiều bài giới thiệu về vẻ đẹp của Hạ Long. Nhiều người đã viết các loạt bài ký (du ký) kể lại cảm nhận những điều kỳ thú trên đường khám phá từ Hạ Long đến các mỏ than, ra đến Móng Cái.

Sau ngày “non sông nối liền một dải” vì nhiều nguyên do, du lịch của Quảng Ninh còn ở dạng sơ khai, phục vụ đối ngoại là chủ yếu. Khách du lịch nội địa chủ yếu là khách công vụ, đoàn viên công đoàn được tiêu chuẩn đi nghỉ dưỡng.

Cơ sở hạ tầng du lịch dịch vụ chỉ tập trung ở khu vực Bãi Cháy với số ít khách sạn, nhà hàng thuộc các doanh nghiệp nhà nước. Hoạt động dịch vụ vui chơi giải trí, mua sắm, ăn uống, thông tin liên lạc, y tế... còn thiếu và nghèo nàn.

Cả khu vực Bãi Cháy chỉ có một vài khách sạn như Vườn Đào, Bạch Đằng, Hạ Long, Giao tế… có thể phục vụ khách nước ngoài và các đoàn khách của chính phủ. Một số khách sạn của các ngành như Công đoàn, Than, Điện lực... chỉ phục vụ cán bộ, công nhân của ngành đến nghỉ dưỡng và chủ yếu vào mùa hè.

Tưởng chừng như Vịnh Hạ Long sẽ bị “nhuốm màu”, chìm vào lãng quên bởi bụi mù mịt của những “đại công trường” khai thác than đá. Tuy nhiên, sau ngày 17/12/1994, trong Kỳ họp thứ 18 tại Phuket, Thái Lan, Ủy ban Di sản thế giới (UNESCO) đã công nhận Vịnh Hạ Long vào danh mục di sản thiên nhiên thế giới. Vịnh Hạ Long ngay lập tức nổi danh toàn cầu và điền tên mình vào bản đồ du lịch của thế giới, trở thành địa chỉ “nhất định phải đến” một lần của du khách khi đến Việt Nam.

Vậy nhưng, sau ánh hào quang, di sản kỳ vĩ vẫn “ngủ yên” bên những con sóng khi con người vẫn giữ cung cách “ăn xổi”, chặt chém với tiếng xấu "mài dao 9 tháng chém 3 tháng". Bãi tắm Bãi Cháy suốt bao năm được gọi tên “bãi chém”, nhếch nhác và đầy rác thải. Cách làm du lịch chộp giật, manh mún, nhỏ lẻ đó đã vô tình “đuổi khách”. Du khách đến Hạ Long đứng trên bờ ngắm cảnh, ăn một bữa rồi ra về vì sợ bẩn và dịch vụ lưu trú không đáp ứng.

Di sản lại một lần nữa được vinh danh lần thứ hai vào năm 2000. Lúc này, bức tranh du lịch đã có sự thay đổi song mọi hoạt động du lịch vẫn chỉ loanh quanh ở cái thời của vài chục năm trước, vẫn là đi thuyền thăm vịnh, ăn hải sản rồi về.

Hành trình khoác… “áo mới”

Nhận ra vai trò quan trọng của ngành du lịch, Quảng Ninh đã sớm ban hành nghị quyết chuyên đề về du lịch, đó là Nghị quyết 08/NQ-TU ngày 30/11/2001 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về đổi mới và phát triển du lịch Quảng Ninh giai đoạn 2001-2010, nhằm khai thác và phát huy những tiềm năng to lớn đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Và "cuộc cách mạng" chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ “nâu” sang “xanh,” thay thế màu bụi than và sự phụ thuộc khai khoáng bằng “ngành công nghiệp xanh” du lịch được Quảng Ninh lập tức triển khai thực hiện. Qua các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, XIV, XV từ việc nhận diện rõ những thách thức và thời cơ, Quảng Ninh đã xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, từng bước chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh", phấn đấu trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại.

Kỳ II: Du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn
Quảng Ninh đang bảo tồn và phát triển 637 di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh - Ảnh: Quangninh.gov.vn

Cùng với việc ban hành các nghị quyết về du lịch, tỉnh đã xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Quảng Ninh thời kỳ 2001- 2010. Đây là những kim chỉ nam hành động để tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành hoạt động du lịch, huy động mọi nguồn lực xã hội để tập trung phát triển, xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chương trình thu hút đầu tư, giải quyết các vấn đề về môi trường du lịch, an ninh trật tự, an toàn cho du khách, phát triển thương hiệu, tháo gỡ cho doanh nghiệp...

Với những bước đi bài bản, đúng hướng, diện mạo của du lịch Quảng Ninh đã từng bước được thay đổi. Số lượng cơ sở lưu trú tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng. Thu hút đầu tư nước ngoài vào du lịch tăng mạnh. Giai đoạn này, một loạt các khách sạn lớn được liên doanh đầu tư đạt tiêu chuẩn quốc tế, như: Heritage Hạ Long, Hạ Long Plaza, Hải Ninh Lợi Lai... Đội tàu du lịch tham quan trên Vịnh Hạ Long đã có những bước tăng trưởng mạnh.

Đến năm 2014, con số du khách đến Quảng Ninh chỉ đạt 7,5 triệu lượt dù sở hữu lợi thế “hơn người” – vịnh di sản lừng danh thế giới. Khách đến đây chỉ quẩn quanh ngắm vịnh rồi ăn hải sản, mọi thứ thật đơn điệu và nghèo trải nghiệm. Đến năm 2015 dẫu lượng khách du lịch đến Quảng Ninh tăng lên, nhưng cũng chỉ mới đạt 7,7 triệu lượt với mức doanh thu 6.548 tỷ đồng đã khiến vùng đất này thấy cần thiết phải thay đổi.

Cú “lột xác” đầu tiên phải kể đến là bãi tắm dài 2 km do Sun Group cải tạo và đầu tư ở trung tâm Bãi Cháy vào năm 2015, tạo nên một bãi biển đúng nghĩa cho người dân Hạ Long và du khách. Năm 2016, tổ hợp vui chơi giải trí Sun World Ha Long chính thức đi vào hoạt động thực sự đã đánh thức thành phố di sản với cáp treo Nữ hoàng kiêu hãnh băng qua eo biển lên đỉnh Ba Đèo và một loạt trò chơi đỉnh cao lần đầu tiên có ở miền Bắc tại công viên Rồng và công viên nước. Sau đó, một loạt sản phẩm du lịch tầm cỡ ra đời, từ các khu nghỉ dưỡng 5 sao như Premier Village Ha Long hay khu tắm khoáng nóng chuẩn Nhật Yoko Onsen Quang Hanh, Quảng Ninh đã vươn lên thành điểm đến hấp dẫn cả bốn mùa.

Kỳ II: Du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn
Carnaval mùa Đông được diễn ra ngay bên bờ Vịnh Hạ Long trong không khí tưng bừng, rực rỡ sắc màu - Ảnh: Quangninh.gov.vn

Những năm gần đây, xác định du lịch là một trong 3 trụ cột của phát triển bền vững, một nhân tố quan trọng trong chiến lược chuyển dịch kinh tế từ "nâu" sang "xanh", Quảng Ninh đã chú trọng phát triển mạnh hạ tầng, trong đó rõ nét nhất chính là việc đầu tư đưa vào hoạt động các công trình giao thông chiến lược, như: Cầu Bạch Đằng, đường cao tốc Hải Phòng - Hạ Long, Hạ Long - Vân Đồn, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng khách quốc tế Hạ Long, Cảng tàu quốc tế Tuần Châu...

Từ phát triển hạ tầng giao thông, tỉnh đã tập trung mạnh mẽ vào phát triển hạ tầng phục vụ du lịch cũng như đa dạng hoá các sản phẩm du lịch đồng bộ, hiện đại, hấp dẫn để tạo ra những bước phát triển đột phá mang đậm “chất” riêng, như: Khu nghỉ dưỡng Vinpearl Hạ Long; Công viên Đại Dương, Quần thể nghỉ dưỡng và sân Golf FLC; Khu nghỉ dưỡng Legacy Yên tử, Khu nghỉ dưỡng khoáng nóng cao cấp Quang Hanh, Bảo tàng - Thư viện tỉnh, Cung Quy hoạch, hội chợ và triển lãm tỉnh, Công viên hoa Hạ Long... Cùng với đó là việc tăng cường mở rộng, thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược có uy tín, thương hiệu, có tiềm lực kinh tế lớn đầu tư vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ như: Sun Group, VinGroup, FLC... với nhiều sản phẩm du lịch đẳng cấp quốc tế đã giúp nâng tầm du lịch Quảng Ninh.

Chính từ những bước đi sáng tạo, đột phá và bứt tốc, tính đến năm năm 2018, Quảng Ninh đón lượng khách kỷ lục: 12 triệu lượt khách, gấp đôi mục tiêu đặt ra trong quy hoạch phát triển tổng thể du lịch vịnh Hạ Long 10 năm trước. Năm 2019, du lịch Quảng Ninh đạt đỉnh với 14 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 5,2 triệu lượt, chiếm tới 1/3 tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Sau đại dịch Covid-19, với quyết tâm khôi phục ngành Du lịch, tạo động lực cho phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, năm 2023, Quảng Ninh đặt mục tiêu đón 15 triệu lượt khách du lịch, cao hơn 3,4 triệu lượt so với năm 2022, doanh thu đạt 32.400 tỷ đồng.

Qua từng năm, bức tranh du lịch hiện đại của Hạ Long nói riêng, Quảng Ninh nói chung đã và đang được “vẽ lại” bởi chính tư duy đột phá, “trải thảm đỏ” hút được các nhà đầu tư chiến lược. Và đằng sau bức tranh đó là những con số tăng trưởng tạo ra động lực, niềm tin và nhiều bài học quý báu cho các địa phương.

Du lịch tạo đà cho tăng trưởng kinh tế

Tận dụng những cơ hội, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, xuyên suốt cả một chặng đường dài với tầm nhìn chiến lược được chuẩn bị kỹ lưỡng và bài bản, mọi cơ hội khôi phục ngành "công nghiệp không khói" được chính quyền và các doanh nghiệp Quảng Ninh nắm bắt trong tâm thế chủ động sẵn sàng. Các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng dịch vụ tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, dịch vụ, cải thiện môi trường du lịch văn minh, xây dựng các sản phẩm du lịch mới, làm mới các sản phẩm sẵn có. Du khách đến Quảng Ninh có những trải nghiệm khác biệt, mới mẻ với du thuyền nhà hàng, nghe nhạc trên Di sản - kỳ quan Vịnh Hạ Long, trải nghiệm thu đông ở Bình Liêu, Yên Tử.

Kỳ II: Du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn
Nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, đẳng cấp góp phần khẳng định vị thế của du lịch Quảng Ninh không chỉ trong nước mà còn vươn tầm thế giới - Ảnh: Quangninh.gov.vn

Đối với lĩnh vực dịch vụ, tỉnh cũng đã chỉ đạo xây dựng, triển khai Đề án thí điểm mô hình phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025; tổ chức thành công Hội nghị phát triển dịch vụ logistics; Hội nghị phát triển du lịch Quảng Ninh năm 2023 ngay sau Hội nghị toàn quốc về du lịch ngày 15/3/2023. Bên cạnh đó, tiếp tục tập trung phát triển kinh tế biển, dịch vụ logistics và vận tải đa phương thức, dịch vụ tài chính - ngân hàng, thương mại điện tử, thương mại biên giới, xuất nhập khẩu.

Nhờ vậy, 9 tháng năm 2023, khu vực dịch vụ - du lịch của tỉnh ước tăng 12,76%, giữ đà tăng trưởng chính trong phát triển kinh tế của tỉnh. Tổng khách du lịch đến Quảng Ninh ước đạt gần 13 triệu lượt, tăng 41,7% cùng kỳ năm 2022; tổng doanh thu du lịch đạt 26.460 tỷ đồng, tăng 34,8% cùng kỳ năm 2022. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3,1 tỷ USD, tăng 14,15% so với cùng kỳ năm 2022.

Quý IV/2023, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 14,5%, cả năm 2023 đạt trên 11%; tổng thu NSNN trên địa bàn tỉnh quý IV đạt 13.165 tỷ đồng, cả năm 2023 đạt 54.000 tỷ đồng. Để tiếp tục tạo đà tăng trưởng chính trong phát triển kinh tế cuối năm, ngành dịch vụ - du lịch đang nỗ lực thực hiện các giải pháp đảm bảo tăng trưởng quý IV tăng 15,62%, cả năm tăng 13,93%.

Mới đây, bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã ký quyết định số 2256 phê duyệt Đề án phục hồi và phát triển bền vững ngành du lịch Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đề án này, Quảng Ninh sẽ phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; góp phần giữ vững an ninh, chủ quyền biên giới quốc gia; bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Phát triển du lịch thực sự chuyên nghiệp, hiện đại, chú trọng chiều sâu, chất lượng đạt đẳng cấp quốc tế, đóng vai trò vừa là điểm đển hấp dẫn, khẳng định thương hiệu mạnh và khả năng cạnh tranh quốc tế cao.

Mục tiêu lớn của Quảng Ninh là phục hồi nhanh và đẩy mạnh phát triển du lịch, xây dựng Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch kết nối với khu vực và quổc tế, địa bàn trọng điểm du lịch hàng đầu quốc gia, trung tâm nghỉ dưỡng giải trí cao cấp, có hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại; có sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, chất lượng đẳng cấp, thương hiệu mạnh và sức hấp dẫn toàn cầu; có năng lực cạnh tranh cao, liên kết hiệu quả với các hãng hàng không, tàu biển, các tập đoàn du lịch hàng đầu quốc tế...

Các mục tiêu cụ thể được địa phương này xác định như sau, đến năm 2024 du lịch Quảng Ninh phục hồi hoàn toàn, đón được ít nhất 16 triệu lượt khách du lịch, trong đó có ít nhất 3 triệu lượt khách du lịch quốc tế.

Đến năm 2025, du lịch Quảng Ninh chuyển sang giai đoạn phát triển mạnh mẽ, phấn đấu đón được khoảng 17,5 triệu lượt khách, trong đó có ít nhất 4,5 triệu lượt khách quốc tế.

Kỳ II: Du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh tặng hoa khách du lịch khi đến với Quảng Ninh - Ảnh: ĐĐK

Đến năm 2030 du lịch Quảng Ninh phát triển thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và bền vững, khẳng định vai trò là một trung tâm du lịch kết nối khu vực và quốc tế, một trọng điểm du lịch hàng đầu của quốc gia, phấn đấu đón được ít nhất 25,5 - 26 triệu lượt khách du lịch, trong đó có ít nhất 8,6 - 9 triệu lượt khách du lịch quốc tế; tốc độ tăng trưởng bình quân về khách du lịch giai đoạn 2025 - 2030 đạt 10-11%/năm.

Có thể khẳng định, từ định hướng chiến lược, với tư duy đột phá, kiên trì, nhất quán thực hiện chủ trương phát triển du lịch bền vững và bao trùm, trên nền tảng tăng trưởng xanh là yêu cầu xuyên suốt trong các chính sách, chiến lược, quy hoạch đến nay, định hướng phát triển du lịch của Quảng Ninh đều hướng đến mục tiêu phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, bền vững, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc; quản lý, khai thác bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học... Qua đó, đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn kết hợp chặt chẽ với công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp và phát triển kinh tế biển, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác.

Thụy Anh
Bạn thấy bài viết này thế nào?
Kém Bình thường ★ ★ Hứa hẹn ★★★ Tốt ★★★★ Rất tốt ★★★★★
Bài viết cùng chủ đề: tỉnh Quảng Ninh

Tin cùng chuyên mục

Đồng Nai: Ông Võ Văn Phi làm Bí thư huyện Long Thành

Đồng Nai: Ông Võ Văn Phi làm Bí thư huyện Long Thành

Sở Công Thương Gia Lai tổ chức hội nghị tổng kết Đảng

Sở Công Thương Gia Lai tổ chức hội nghị tổng kết Đảng

Thái Bình: Công bố quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác cán bộ

Thái Bình: Công bố quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác cán bộ

Nam Định quy định mức chi cho công tác khuyến công

Nam Định quy định mức chi cho công tác khuyến công

Diễn tập ứng phó sự cố hóa chất độc Thành phố Hà Nội năm 2024

Diễn tập ứng phó sự cố hóa chất độc Thành phố Hà Nội năm 2024

Nỗ lực giải phóng mặt bằng cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang bàn giao trước Tết Nguyên đán

Nỗ lực giải phóng mặt bằng cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang bàn giao trước Tết Nguyên đán

Lâm Bình (Tuyên Quang): Chủ động trong phòng ngừa, ngăn chặn các vụ cháy lớn

Lâm Bình (Tuyên Quang): Chủ động trong phòng ngừa, ngăn chặn các vụ cháy lớn

Bà Rịa - Vũng Tàu: Hơn 3.400 tàu cá neo đậu an toàn tránh bão số 10

Bà Rịa - Vũng Tàu: Hơn 3.400 tàu cá neo đậu an toàn tránh bão số 10

Tuyên Quang: Nâng cao hiệu quả mô hình truyền thanh số

Tuyên Quang: Nâng cao hiệu quả mô hình truyền thanh số

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An: Thành tích của Long An có đóng góp to lớn của Bộ Công Thương

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An: Thành tích của Long An có đóng góp to lớn của Bộ Công Thương

Nhân sự địa phương: Ban Bí thư chỉ định hai Giám đốc Công an tỉnh giữ chức vụ Đảng

Nhân sự địa phương: Ban Bí thư chỉ định hai Giám đốc Công an tỉnh giữ chức vụ Đảng

Tuyên Quang: Giá trị sản xuất ngành công nghiệp huyện Na Hang tăng 12%

Tuyên Quang: Giá trị sản xuất ngành công nghiệp huyện Na Hang tăng 12%

Sở Công Thương Hà Giang: Quảng bá, giới thiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu

Sở Công Thương Hà Giang: Quảng bá, giới thiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu

Đồng Tháp: Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 93,75%, cao hơn bình quân cả nước

Đồng Tháp: Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 93,75%, cao hơn bình quân cả nước

Vĩnh Phúc: Người dân, doanh nghiệp là trung tâm của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Vĩnh Phúc: Người dân, doanh nghiệp là trung tâm của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Phê chuẩn kết quả bầu ông Dương Minh Dũng làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai

Phê chuẩn kết quả bầu ông Dương Minh Dũng làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai

Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận bắn pháo hoa đón năm mới ở đâu?

Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận bắn pháo hoa đón năm mới ở đâu?

Tuyên Quang: Đảm bảo an ninh trật tự, kinh doanh hàng hoá dịp cuối năm

Tuyên Quang: Đảm bảo an ninh trật tự, kinh doanh hàng hoá dịp cuối năm

Đà Nẵng: Thưởng Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 cao nhất 700 triệu đồng

Đà Nẵng: Thưởng Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 cao nhất 700 triệu đồng

Bắc Ninh bảo đảm cung cấp hàng hóa dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2025

Bắc Ninh bảo đảm cung cấp hàng hóa dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2025

Xem thêm