Kinh doanh đa ngành nghề, xu hướng mới đối với doanh nghiệp bán lẻ smartphone
Hiện nay, để khai thác triệt để tiềm năng thị trường, các doanh nghiệp bán lẻ di động (smartphone) đang mở rộng sang các ngành hàng mới, đa dạng hóa sản phẩm kinh doanh. Tuy nhiên, đây không phải là điều dễ dàng, đòi hỏi mỗi doanh nghiệp phải xây dựng chiến lược riêng phù hợp với định hướng phát triển của mình.
Mặc dù chỉ chiếm chưa đến 10% diện tích cửa hàng, doanh số từ các gian hàng trưng bày sản phẩm chăm sóc sức khỏe của một doanh nghiệp bán lẻ smartphone lại đóng góp đến 5% tổng doanh thu của doanh nghiệp chỉ sau 3 tháng mở bán.
Kết quả này vượt xa kỳ vọng ban đầu khi doanh nghiệp quyết định mở rộng hoạt động kinh doanh. Đây cũng là chiến lược mà nhiều đơn vị bán lẻ smartphone khác đang áp dụng nhằm đa dạng hóa sản phẩm và khai thác thêm tiềm năng từ thị trường mới.
Kinh doanh đa ngành nghề đang là xu hướng mới đối với doanh nghiệp bán lẻ smartphone. Ảnh: TK |
Bà Đặng Linh Phương - Giám đốc ngành hàng Di Động Việt - cho biết: “Ban đầu khi làm nhóm hàng này, tôi không có kỳ vọng gì nhiều, mục đích chỉ muốn đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Nhưng sau 1 thời gian, đặc biệt là sau 3 tháng, doanh thu được cải thiện, đóng góp 5% vào tổng doanh thu của cả công ty. Thấy điều tích cực đó nên sẽ tiếp tục mở rộng và phát triển sâu hơn vào mảng nhóm hàng sức khỏe và làm đẹp”
Đánh giá về tiềm năng thị trường trong việc kết hợp kinh doanh đa ngành, ông Nguyễn Thế Kha – Giám đốc Thương mại hệ thống FPT Shop - chia sẻ: “Qua một quá trình thanh lọc thị trường, chúng tôi nhận thấy tiềm năng của thị trường rất lớn, chẳng hạn như các đồ điện máy gia dụng chiếm khoảng một nửa thị phần đồ liên quan đến thiết bị công nghệ gồm: điện thoại smartphone cũng như máy tính. Đó là một sân chơi rất rộng để chúng tôi có thể tham gia vào”.
Tiềm năng là thế, nhưng việc mở rộng sang một lĩnh vực khác không phải là thế mạnh và việc tiếp cận các phân khúc khách hàng mới mang đến không ít thách thức. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải tái định vị thương hiệu, chuyển mình từ hình ảnh quen thuộc với khách hàng từ trước sang một lĩnh vực mới. Để vượt qua thách thức này, nhiều doanh nghiệp đã chú trọng vào dịch vụ tư vấn khách hàng, trong khi một số doanh nghiệp khác lại lựa chọn kết hợp với các đối tác trong cùng lĩnh vực.
Theo bà Đặng Linh Phương - Giám đốc ngành hàng Di Động Việt - chia sẻ: “Khi mở nhóm hàng mới, chúng tôi gặp một số câu hỏi phản hồi của khách là ở một cửa hàng hệ thống như vậy, sao lại bán một sản phẩm về sức và làm đẹp. Đâu đó khách hàng cũng không hình dung được điều đó nhưng sau khi được trải nghiệm và được mua những sản phẩm, họ biết Di Động Việt không chỉ bán những sản phẩm về điện thoại mà còn bán những sản phẩm giúp khách hàng có thể bảo vệ được sức khỏe”.
“Các shop tập trung về công nghệ chúng tôi có những thiết bị thiên về công nghệ, điện máy và gia dụng. Ở những shop vùng ven, chúng tôi sẽ mở rộng line up về hàng hóa, thiết bị gia dụng, điện máy cho khách hàng để có nhiều sự lựa chọn hơn. Đặc biệt, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ có những khu vực, những shop độc lập bán các đồ thiết bị điện máy gia dụng để đảm bảo nhận diện thương hiệu rõ ràng với các hệ thống shop của chúng tôi”, ông Nguyễn Thế Kha – Giám đốc Thương mại hệ thống FPT Shop - cho biết.
Kinh doanh đa ngành nghề đang trở thành xu hướng mà ở đó các doanh nghiệp bán lẻ smartphone đều đang thực hiện. Trong bối cảnh doanh số bán lẻ điện thoại giảm sút từ năm 2023, đây không chỉ là giải pháp duy trì sức cạnh tranh mà còn hứa hẹn mở ra những cơ hội lớn trong thời gian tới.