Đặc thù của tranh chấp bảo hiểm là doanh nghiệp bảo hiểm (soạn hợp đồng, quy tắc, điều khoản đi kèm) luôn được coi như "kẻ mạnh"; yếu thế hơn chính là bên mua bảo hiểm.
Theo các chuyên gia, có 4 nguyên nhân dẫn đến tranh chấp bảo hiểm. Một là, những hạn chế trong việc thực thi Luật Kinh doanh bảo hiểm đã dẫn đến thị trường phát triển kém lành mạnh. Hai là, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm chưa tuân thủ quy trình khai thác, giám định bồi thường, điều kiện, điều khoản bảo hiểm. Việc này có thể do trình độ, ý thức của cán bộ chưa cao, năng lực công ty bảo hiểm chưa đáp ứng yêu cầu. Thậm chí, do sức ép doanh thu, dẫn đến việc cán bộ bảo hiểm bỏ qua một số thủ tục trong quy trình khai thác… Ba là, nhận thức của người mua bảo hiểm liên quan đến những văn bản pháp quy về bảo hiểm còn kém đi kèm tâm lý muốn được nhiều, không bị mất. Cuối cùng, thiếu vắng đội ngũ chuyên về tài phán bảo hiểm.
Hiện nay, có một số phương án giải quyết tranh chấp hợp đồng bảo hiểm có thể được các bên xem xét lựa chọn và áp dụng như: Thương lượng; hòa giải; trọng tài và tòa án. Bên cạnh đó, các chuyên gia khuyến nghị doanh nghiệp một phương thức giải quyết tranh chấp mới là hòa giải thương mại. Theo đó, quyết định của trọng tài là chung thẩm, có giá trị bắt buộc thi hành đối với các bên, không thể kháng cáo. Điều này giúp giảm chi phí về thời gian và tiền bạc của các bên trong quá trình tham gia giải quyết tranh chấp.
Đánh giá của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho thấy, đi cùng với tăng trưởng của thị trường bảo hiểm là việc tranh chấp hợp đồng tại Việt Nam cũng ngày một gia tăng về số lượng, ngày càng phức tạp về nội dung. |