Kiên Giang: Mang sức sống mới cho nghề truyền thống nấu đường thốt nốt của đồng bào Khmer
Nỗi lo mai một nghề truyền thống
Nghề nấu đường thốt nốt ở tỉnh Kiên Giang có từ lâu đời, mang lại cho bà con dân tộc Khmer ở các huyện Kiên Lương, Giang Thành hay thành phố Hà Tiên nguồn thu nhập ổn định. Tuy nhiên hiện nay, nghề nấu đường thốt nốt theo kiểu thủ công truyền thống chỉ còn khoảng 30 hộ, tập trung chủ yếu ở Kiên Lương và Hà Tiên.
Đến thăm ấp Ba Trại, xã Bình An, huyện Kiên Lương - cái nôi của nghề truyền thống nấu đường thốt nốt khiến ai cũng ấn tượng bởi nét đẹp cổ kính, yên bình. Nghề làm thốt nốt đã tồn tại ở đây hàng chục năm, được lưu truyền qua nhiều thế hệ.
Giữa trưa nắng, ông Danh Phal, ngụ ấp Ba Trại thoăn thoắt trèo lên cây thốt nốt hứng mật hoa. Để có nguyên liệu nấu đường thốt nốt, hàng ngày ông Phal phải canh thời gian hoa cho nước thích hợp rồi trèo lên cây hứng mật.
Công đoạn nấu đường cần sự kiên trì. Mỗi lần lấy nước xong, trong 24 giờ phải thắng đường nếu không mật bị chua. Ông Phal đắp lò đất, đặt chảo to rồi đổ nước thốt nốt vào nấu khoảng 4 giờ mới thành đường thốt nốt.
Trung bình cứ 5 - 6 lít nước mật sẽ thắng được 1kg đường thốt nốt |
Mỗi ngày, gia đình ông Phal nấu 10kg đường thốt nốt bán giá 50.000 đồng/kg. “Trước đây, cứ đến mùa thốt nốt là nhộn nhịp tiếng người đi lấy mật hoa thốt nốt. Mùi đường thốt nốt thơm lừng khắp nơi, giờ không còn cảnh đó nữa, người làm đường thốt nốt ngày càng ít. Sau này không biết còn ai nối nghiệp làm đường thốt nốt không bởi nghề này cực lắm, phải yêu nghề mới làm được” - ông Danh Phal chia sẻ.
Được biết, đường thốt nốt được bán theo mùa từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 âm lịch năm sau. Trung bình cứ 5 - 6 lít nước mật sẽ thắng được 1kg đường, trong khi mùa mưa phải cần đến 10 lít mới thắng được 1kg đường. Sau khoảng 4 - 5 giờ nấu dịch thốt nốt trên một chảo lớn, khi “đường tới”, tức là đạt độ đặc sệt, người dân đổ vào thùng lớn từ 5 - 7kg hoặc chia thành bọc nhỏ 1kg.
Nhiều lò đường còn nấu đến độ cô đặc, đổ vào những khuôn hình trụ tròn, trọng lượng từ 0,5 - 1kg và gói trong lá thốt nốt phơi khô thành từng cây để bán. Để đường thốt nốt được ngon, người dân phải tranh thủ thắng dịch ngay sau khi lấy từ trên cây xuống. Nếu để quá 4 giờ, dịch sẽ bị chua, phải dùng rễ sao để dẫn chua, nhưng nếu lạm dụng thì sẽ bị đắng. Khi thắng đường, cần điều chỉnh ngọn lửa vừa phải, nếu lửa to quá thì sẽ bị khét, nếu đun lâu thì đường sẫm màu, không đẹp mắt.
Còn một loại khác là đường phèn chỉ để dùng trong gia đình hoặc làm quà biếu bởi loại đường này chiết xuất kỳ công hơn, khối lượng thành phẩm ít hơn. Sau khi thắng, người dân đổ loại đường này vào hũ sành, đậy nắp, để khoảng 30 - 40 ngày, khi mật đường kết thành khối đặc cứng, đó chính là đường phèn. Loại này ngọt thanh, để lâu ngày không bị đổi màu.
Theo lãnh đạo xã Bình An, tại các nơi có nghề truyền thống hầu như rất ít người trẻ theo nghề, bám nghề mà chủ yếu là người trung niên và cao tuổi. Trước đây, ở ấp Ba Trại có nhiều người làm đường thốt nốt, giờ cả ấp còn 6 người giữ nghề, đa phần lớn tuổi. Họ muốn dạy nghề cho con cháu nhưng ít người chịu học theo.
Bà Thị Nol, ngụ xã Bình An có 40 năm làm nghề đường thốt nốt chia sẻ: “Việc tìm người kế thừa nghề làm đường thốt nốt rất khó vì hiện có nhiều ngành, nghề thu nhập tốt, môi trường làm việc năng động, hiện đại nên giới trẻ đam mê, theo đuổi. Con tôi không thích nghề này, chúng tôi tôn trọng lựa chọn của con nhưng tôi vẫn trăn trở về người sẽ nối nghiệp vợ chồng tôi, giữ hồn cho nghề truyền thống làm đường thốt nốt. Tôi lo khi chúng tôi già không biết ai sẽ nối nghề”.
Thu nhập từ nghề truyền thống không cao nên khó thu hút lao động trẻ |
Hướng đi mới cho làng nghề
Vì tính độc đáo của nghề nấu đường thốt nốt, Kiên Giang đã công nhận nghề nấu đường thốt nốt là Di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh. Theo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, nhằm nâng cao thu nhập một cách ổn định cho người dân; đồng thời giữ gìn và phát huy nghề truyền thống, khai thác và chế biến sản phẩm đường thốt nốt của đồng bào dân tộc Khmer nói riêng và các nghề, làng nghề truyền thống nói chung, tỉnh Kiên Giang triển khai thực hiện các nhóm giải pháp phát triển du lịch gắn bảo tồn làng nghề, nghề truyền thống có tiềm năng du lịch cao, xem làng nghề, nghề truyền thống là tài nguyên du lịch để xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch làng nghề; đào tạo và củng cố đội ngũ nhân lực phục vụ du lịch làng nghề, nghề truyền thống, hỗ trợ nghệ nhân gắn bó với nghề và đẩy mạnh hoạt động truyền dạy nghề.
Bên cạnh đó, các ngành chức năng liên kết các cơ sở đào tạo để quảng bá, chiêu sinh, mời nghệ nhân làng nghề, nghề truyền thống giảng dạy, hướng dẫn. Bồi dưỡng ngoại ngữ, đào tạo nghiệp vụ du lịch, hướng dẫn người dân tại làng nghề, nghề truyền thống về tổ chức, kinh doanh du lịch, văn hóa du lịch, du lịch cộng đồng và trở thành hướng dẫn viên. Hoàn thiện, cải tiến chất lượng các điểm du lịch làng nghề, nghề truyền thống đã có hoạt động du lịch để quảng bá cho du lịch làng nghề...
Ông Huỳnh Thanh Liêm - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang cho biết, để phát triển, duy trì các làng nghề, nghề truyền thống cùng với chính sách hỗ trợ của Nhà nước, những người dân làm nghề cần nỗ lực, năng động, nhạy bén tìm hướng đi, cách làm sáng tạo, mang đến sức sống mới cho làng nghề, nghề truyền thống; gắn sự phát triển của làng nghề, nghề truyền thống với gìn giữ giá trị văn hóa, kết hợp khai thác tiềm năng du lịch.
“Trong kế hoạch phát triển du lịch gắn với văn hóa truyền thống ở Kiên Giang, những làng nghề nấu đường thốt nốt sẽ là sản phẩm du lịch mới hấp dẫn, mang lại những trải nghiệm về nấu đường và cách chế biến vô cùng hấp dẫn với du khách” - ông Liêm khẳng định