Khuyến công quốc gia: Hỗ trợ không chỉ bằng kinh phí
Với nền tảng sản xuất gia công cơ khí, tráng phủ kim loại lâu năm, Công ty TNHH sản xuất và thương mại Tùng An (xã Mỹ Xá, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định) đã chuyển hướng sang sản xuất các sản phẩm linh kiện phụ trợ phục vụ sản xuất ngành dệt may, da. Theo đó, công ty đã mạnh tay đầu tư các thiết bị tiên tiến, tự động hóa.
Thực hiện đề án tại Công ty CP Kinh Bắc - Thành Nam |
Trợ sức cho doanh nghiệp, IPC 1 đã hỗ trợ một phần kinh phí giúp doanh nghiệp mua máy cắt dây CNC ứng dụng vào công đoạn cắt kim loại. Thiết bị này với những tính năng ưu việt đã giúp rút ngắn thời gian gia công, khắc phục hiện tượng cong vênh sản phẩm, tránh lãng phí vật liệu trong trường hợp cần cắt ghép các chi tiết khác nhau trên cùng một tấm phôi và hạn chế tối đa được lượng mạt, bụi kim loại ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động.
Tương tự, do có sẵn nguồn hàng với nhu cầu ngày một tăng, Công ty CP Kinh Bắc - Thành Nam (xã Bình Minh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) tiếp tục đầu tư một số máy móc, thiết bị mới như máy ép mex; máy vắt sổ 2 kim 5 chỉ; máy di bọ điện tử và một số máy móc khác…nhằm mở rộng sản xuất.
Thiết bị mới đầu tư đi vào hoạt động đã khắc phục hạn chế về năng suất, chất lượng sản phẩm so với hệ thống máy cũ, qua đó tăng thêm uy tín của doanh nghiệp trên thị trường, gia tăng đơn hàng có giá trị cao. Thành công của công ty có sự hỗ trợ đáng kể không chỉ bằng kinh phí của khuyến công mà còn có sự đồng hành với doanh nghiệp trong lựa chọn máy móc, thiết bị của IPC 1.
Tùng An và Kinh Bắc - Thành Nam chỉ là 2 trong số rất nhiều doanh nghiệp đã được IPC 1 hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia những năm qua. Chỉ tính riêng năm 2018, IPC 1 đã triển khai thực hiện 6 loại hình đề án với tổng kinh phí được giao 18,68 tỷ đồng. Trong đó nhóm đề án xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật và hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị được nhận định là điểm nhấn, đạt hiệu quả tốt cũng như có sức lan tỏa lớn.
Theo đại diện IPC 1, các đề án thuộc nhóm nội dung này đều được lựa chọn, khảo sát khắt khe dựa trên năng lực của đối tượng thụ hưởng, phù hợp với lợi thế, quy hoạch và chiến lược phát triển địa phương. Bên cạnh việc giúp cải thiện đáng kể năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, các đề án xây dựng mô hình trình diễn và hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất đã tạo điển hình, thu hút đáng kể sự quan tâm của các doanh nghiệp khác trong cùng lĩnh vực.
Ngoài ra, xây dựng mô hình trình diễn và hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất cũng là những cấu phần trọng tâm trong các đề án khuyến công quốc gia điểm được IPC 1 triển khai và đạt kết quả bước đầu. Đã từng bước hình thành các chuỗi liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ trong cùng một ngành hàng, tối ưu hóa quá trình đầu tư của cơ sở CNNT.
Năm 2019, ngoài nhiệm vụ tiếp tục triển khai các đề án khuyến công quốc gia điểm, IPC 1 sẽ xây dựng kế hoạch thực hiện 14 đề án khuyến công với tổng kinh phí hỗ trợ khoảng 22 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2018. Phối hợp với Sở Công Thương các địa phương triển khai thực hiện các hoạt động khuyến công, trong đó tiếp tục ưu tiên cho các nội dung hỗ trợ cải thiện năng lực sản xuất CNNT. Xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật về hoạt động khuyến công và khảo sát, xây dựng kế hoạch khuyến công năm 2020.
Ngoài việc thực hiện tốt các nội dung hỗ trợ cải thiện năng lực sản xuất CNNT, năm 2018, IPC 1 cũng đã tổ chức thành công 11 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Nam Định, Hà Nam. |