Không đốt vàng mã tại Lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn 2015
Nghi lễ chính tại lễ hội Quán Thế Âm năm 2015.
Năm nay, cùng với việc Đà Nẵng chọn năm 2015 là Năm văn hóa, văn minh đô thị, Ban tổ chức đã tập trung tuyên truyền, vận động người dân không đốt giấy vàng mã gây ảnh hưởng môi trường, không tổ chức mua chim phóng sinh làm ảnh hưởng đế môi trường sinh thái và không đúng với tinh thần đạo Phật... Những việc làm thiết thực này đã tạo nên một không khí lễ hội trang nghiêm và đúng với ý nghĩa vốn có của Lễ vía đức Phật Quán Thế Âm Lễ hội Quán Thế Âm được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1960, nhân lễ khánh thành tượng Bồ tát Quán Thế Âm tại động Hoa Nghiêm trên núi Thủy Sơn, phía tây Ngũ Hành Sơn. Sau đó, vì nhiều lý do, lễ hội không được tổ chức trong một thời gian khá dài. Đến ngày Lễ vía đức Phật bà Quán Thế Âm năm 1991 (nhằm ngày 19/2 năm Tân Mùi), Lễ hội Quán Thế Âm được khôi phục trở lại với nhiều hoạt động đậm nét văn hóa dân tộc. Năm 2000, Lễ hội Quán Thế Âm được Tổng cục Du lịch Việt Nam xếp vào một trong 15 lễ hội trên toàn quốc và đưa vào chương trình quảng bá văn hóa du lịch với mục tiêu “Việt Nam - Điểm đến thiên niên kỷ mới.” Lễ hội Quán Thế Âm là lời cầu nguyện quốc thái dân an, mưa hòa gió thuận; là dịp để mọi người, mọi giới chan hòa trong không khí hội hè, soi mình vào bản sắc văn hóa dân tộc để ngày một sống đẹp hơn, qua đó du khách trong nước và quốc tế trải nghiệm và tìm hiểu những giá trị tinh thần mang đậm nét lịch sử - văn hóa Phật giáo của dân tộc. Đây cũng là lễ hội văn hóa tâm linh, nét đẹp trong đời sống tinh thần của người dân thành phố Đà Nẵng cũng như người dân Ngũ Hành Sơn./.