|
Sau khi Bắc Giang có quyết định tạm dừng hoạt động 4 khu công nghiệp và cách ly xã hội tại một số địa phương, nhiều công nhân ở trọ trên địa bàn tỉnh phải thực hiện cách ly xã hội đã gặp không ít khó khăn về đời sống. Để hỗ trợ công nhân, Bắc Giang thành lập tổ hỗ trợ đời sống công nhân ngoài tỉnh đang ở trọ trên địa bàn tỉnh, đồng thời thành lập 10 “Siêu thị 0 đồng”. Trong đó, 7 “siêu thị” đặt tại huyện Việt Yên, 3 “siêu thị” đặt tại huyện Yên Dũng. Địa điểm đặt các "siêu thị" là nhà văn hóa thôn, tổ dân phố, sân đình, trường học... đủ điều kiện thông thoáng, sạch sẽ. “Siêu thị” mở cửa từ 8 - 22 giờ hàng ngày. Mỗi ngày, có hàng chục tấn gạo, thực phẩm, rau xanh và các nhu yếu phẩm thiết yếu khác từ các đoàn thể, nhà hảo tâm, doanh nghiệp được cung ứng vào “siêu thị”. Để bảo đảm an toàn, lãnh đạo thôn thông báo cho từng chủ nhà trọ lần lượt ra nhận hàng hóa theo nhu cầu đời sống một vài ngày mang về chia cho công nhân.
Thực tế cho thấy, việc đi vào vùng dịch để cứu trợ gây nguy hiểm cho bản thân người cứu trợ và cộng đồng, vì những người này có thể thành cầu nối lây truyền dịch bệnh. Mặt khác, hoạt động cứu trợ tự phát cũng dẫn đến hiện tượng nơi thừa, nơi thiếu... Theo đó, tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo Tổ hỗ trợ đời sống công nhân ngoài tỉnh đang ở trọ trên địa bàn trong thời gian cách ly phòng, chống dịch Covid -19 thành lập các "Siêu thị 0 đồng” và đích thân do ông Phạm Văn Thịnh - Trưởng Ban vận Tỉnh ủy - làm tổ trưởng. Mục tiêu “siêu thị” này đặt ra, phải bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid -19; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; bảo đảm đúng đối tượng được thụ hưởng một cách nhanh chóng, kịp thời. Trưởng thôn, tổ dân phố và các thành viên Tổ giám sát dịch Covid-19 tại cộng đồng vận hành “siêu thị” theo hướng dẫn tạm thời của UBND xã, thị trấn, dưới sự giám sát của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của huyện, xã.
Tỉnh Bắc Giang dự kiến, lượng hàng hóa thiết yếu, nhu yếu phẩm để phục vụ cho CNLĐ đang bị cách ly, định mức được hỗ trợ quy đổi 75.000 đồng/người/ngày. Tổng kinh phí dự kiến hỗ trợ cho khoảng 24.000 CNLĐ trong 5 ngày khoảng 9 tỷ đồng; trong 10 ngày khoảng 18 tỷ đồng. Vì vậy, Tổ hỗ trợ đời sống công nhân của tỉnh, chính quyền huyện, xã tiếp tục vận động các đoàn thể, doanh nghiệp, nhà hảo tâm cung ứng hàng hóa vào “siêu thị”; tổ chức rút kinh nghiệm để nâng cao chất lượng hoạt động, bảo đảm đạt yêu cầu về phòng, chống dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần ổn định đời sống công nhân, bảo đảm không có công nhân nào trong thời gian cách ly bị thiếu lương thực, thực phẩm.
Trước Bắc Giang, nhiều địa phương cũng đã thành lập “Siêu thị 0 đồng”, như Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, nhằm phục vụ CNLĐ trong Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Tuy giá trị món quà không lớn, nhưng thực tế đã mang lại cho mọi người cảm giác được quan tâm, chia sẻ, giúp mỗi CNLĐ thêm “ấm lòng” giữa bão dịch khó khăn. “Siêu thị 0 đồng” được đánh giá là chương trình có ý nghĩa lan tỏa tình yêu thương.
Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang xác định, việc hỗ trợ đời sống công nhân lúc này là quan trọng. Do vậy, các huyện, thành phố cần quan tâm hơn đến đời sống công nhân, với tinh thần “Không để công nhân thiếu”; tổ chức tốt hơn nữa việc hỗ trợ thành lập “Siêu thị 0 đồng”, “ATM gạo”, trao tận tay công nhân nhanh nhất các nhu yếu phẩm, hạn chế trao thông qua trung gian... |