Khối trường thuộc Bộ Công Thương: Chủ động phương án ứng phó dịch Covid-19
Phát khẩu trang cho sinh viên, cán bộ; chuẩn bị xà phòng rửa tay, dung dịch sát khuẩn, khăn ướt, cồn y tế… phục vụ sinh viên trước khi vào lớp; thành lập Ban chỉ đạo và đội phản ứng nhanh phòng, chống dịch; xây dựng kế hoạch, phương án ứng phó khi dịch bệnh bùng phát... đây là những hành động thường xuyên và quyết liệt của các trường thuộc Bộ Công Thương kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện.
Trường Đại học Sao Đỏ may khẩu trang phát cho cán bộ, sinh viên và người dân địa phương |
Thời điểm căng thẳng hiện nay, TS Nguyễn Thị Kim Nguyên - Phó Hiệu trưởng, Chủ tịch Công đoàn Trường Đại học Sao Đỏ - cho biết, Ban giám hiệu Nhà trường đã chỉ đạo quyết liệt, chuẩn bị sẵn sàng các giải pháp phòng, chống dịch trong toàn trường.
TS. Bùi Thị Ngân - Phó Hiệu trưởng, Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội - khẳng định: Trường luôn chủ động công tác tuyên truyền, hậu cần, trang thiết bị, vật tư... hiện đã sẵn sàng đáp ứng công tác đẩy lùi dịch tại trường và phối hợp với địa phương khi dịch bùng phát.
Nắm bắt được tình hình nhu cầu khẩu trang, dung dịch sát khuẩn tăng cao, nhiều trường đã nhanh chóng chỉ đạo các khoa chuyên môn tham gia sản xuất. Đơn cử như Khoa Thực phẩm và Hóa học (Trường Đại học Sao Đỏ) trong một thời gian rất ngắn đã nghiên cứu, chế tạo thành công 2.000 lít nước rửa tay khô với hoạt tính kháng khuẩn phổ rộng; Khoa Công nghệ may và Thời trang đã sản xuất 12.400 khẩu trang theo công nghệ tiêu chuẩn. Ngoài phát miễn phí cho sinh viên, cán bộ trong trường, nhà trường còn hỗ trợ 5.000 bình xịt, chai nước rửa tay, khẩu trang cho nhân dân TP. Chí Linh ( tỉnh Hải Dương) và một số trường học trên địa bàn.
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cũng “vào cuộc” rất sớm khi huy động nguồn lực sẵn có để sản xuất khẩu trang, nước sát khuẩn phòng, chống dịch. Theo đó, Ban giám hiệu đã chỉ đạo Khoa Công nghệ hóa tiến hành sản xuất 30.000 chai dung dịch khử khuẩn, sát trùng; huy động cán bộ nhân viên và sinh viên Khoa Công nghệ may và Thiết kế thời trang tham gia sản xuất khẩu trang với công suất 6.000 chiếc/ngày, với số lượng đạt trên 30.000 chiếc. Trường Đại học Việt – Hung cũng sản xuất được 500 lít và dự kiến sẽ sản xuất thêm 1.000 lít dung dịch sát khuẩn để phục vụ sinh viên khi có lịch đi học lại.
Hiện tại, nhiều trường đã có quyết định cho sinh viên nghỉ học đến ngày 29/3 và 12/4; để không làm gián đoạn chương trình đào tạo, các trường đã chỉ đạo Phòng Quản lý đào tạo điều chỉnh kế hoạch năm học, đẩy nhanh tiến độ học tập để kết thúc học kỳ sớm. Trong thời gian này, cán bộ, giáo viên đều tập trung vào các công tác tuyển sinh, chuẩn bị bài giảng phục vụ giảng dạy trực tuyến khi tình hình dịch diễn biến xấu. Đặc biệt, một số trường đã triển khai nhanh các ứng dụng đào tạo trực tuyến, thu hút trên 90% sinh viên tham gia. Như Trường Đại học Điện lực đã tổ chức đào tạo trực tuyến cho hơn 10.000 sinh viên với hơn 1.000 lớp học trực tuyến cho các hệ đào tạo. Đây được đánh giá là giải pháp phù hợp nhất trong bối cảnh hiện nay, song đặt ra không ít thách thức đó là, làm sao việc giảng dạy đạt chất lượng và hiệu quả.
Bộ Công Thương thường xuyên nắm bắt diễn biến dịch bệnh, chỉ đạo của Chính phủ và các cơ quan chức năng để kịp thời chỉ đạo các trường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, đặc biệt là các trường trong vùng có dịch. |