Thứ năm 24/04/2025 22:59

Khơi thông dòng vốn để đối phó nguy cơ đình đốn

Chính phủ cần phải đưa ra những biện pháp nhằm giải quyết căn nguyên gây ra tình trạng lạm phát đình đốn. Đó là phải giải quyết được tình trạng ách tắc của vòng quay vốn trong nền kinh tế

 - Tăng trưởng GDP trong quý 1/2012 đã sụt giảm mạnh xuống mức 4%, mức thấp nhất trong vòng ba năm qua và chỉ cao hơn một chút so với mức tăng trưởng GDP của quý 1/2009. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng tháng 3.2012 mặc dù đang trong xu hướng giảm nhưng tính theo năm vẫn đang ở mức cao, tăng 14,15% so với cùng kỳ năm trước, hơn rất nhiều mức 11,25% của tháng 3.2009.

Như vậy, sau ba năm thực hiện chính sách kích cầu, nền kinh tế gần như đã rơi trở về điểm xuất phát cũ – khi khủng hoảng kinh tế thế giới 2008 diễn ra.
 
Nền kinh tế có nguy cơ rơi vào tình trạng đình đốn
 
Tăng trưởng kinh tế chậm trong khi lạm phát vẫn duy trì ở mức cao đang tác động lớn đến hầu hết tất cả đối tượng trong nền kinh tế. Người tiêu dùng phải thắt chặt hầu bao do thu nhập không theo kịp sức tăng của giá cả hàng hoá. Nhà sản xuất còn khốn khổ hơn nhiều khi chi phí đầu vào tăng nhanh nhưng lại không thể tăng giá bán đầu ra tương ứng do khó khăn trong khâu tiêu thụ hàng. 
 
Theo tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng bình quân quý 1/2012 tăng 15,95% so với cùng kỳ năm trước, trong khi chỉ số giá sản xuất hàng nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 21,25%, chỉ số giá nguyên, nhiên, vật liệu cho sản xuất tăng 18,92% và chỉ số giá cước vận tải tăng 18,71% so với cùng kỳ năm trước.
 
Hậu quả là, nếu trong chín tháng đầu năm 2011 đã có khoảng 49.000 doanh nghiệp bị phá sản thì chỉ riêng ba tháng đầu năm 2012, số doanh nghiệp khó khăn, phải giải thể, tạm ngừng hoạt động lên đến con số gần 12.000.
 
Đi tìm giải pháp hỗ trợ nền kinh tế
 
Sự sụt giảm của GDP quý 1/2012 nếu không sớm đưa ra các giải pháp để hỗ trợ sẽ có thể khiến tăng trưởng của nền kinh tế tiếp tục bị suy giảm trong các quý còn lại của năm 2012.
 
Tình trạng lạm phát đình đốn này đang đẩy Chính phủ vào thế tiến thoái lưỡng nan khi không thể tiếp tục đưa ra một gói kích cầu như năm 2009 được nữa. Khác với năm 2009, năm nay giá cả các hàng hoá cơ bản trên thế giới như dầu thô, kim loại, ngũ cốc, v.v. đều ở mức cao. Ở trong nước, các mặt hàng như xăng dầu, điện, than... vẫn có mức giá thấp hơn nhiều so với giá thị trường thế giới và khó tránh khỏi tăng giá trong thời gian tới. Chính vì vậy, chỉ số giá tiêu dùng vẫn chưa thể tạo đà giảm bền vững như mong đợi. Nếu lựa chọn tiếp một gói kích cầu nữa, tăng trưởng kinh tế có thể chỉ cải thiện được đôi chút nhưng rủi ro lạm phát tăng mạnh trong năm tới là điều khó tránh khỏi.
 
Để có thể hỗ trợ nền kinh tế lúc này, Chính phủ cần phải đưa ra những biện pháp nhằm giải quyết căn nguyên gây ra tình trạng lạm phát đình đốn. Đó là phải giải quyết được tình trạng ách tắc của vòng quay vốn trong nền kinh tế, nhưng không gây ra thâm hụt ngân sách nhà nước.
 
Mua bán nợ xấu, nợ quá hạn để khơi thông nguồn vốn
 
Hiện nay, Chính phủ và ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang chú trọng xử lý các khoản nợ xấu của các ngân hàng thương mại (NHTM). Tuy nhiên, bên cạnh vấn đề nợ xấu tăng cao hơn so với năm 2010, vấn đề đáng lo ngại khác là tỷ lệ nợ quá hạn của nhiều NHTM đang gia tăng tới mức báo động. Nợ quá hạn đồng nghĩa dòng vốn tạm thời không trở lại hệ thống NHTM, từ đó cũng không thể được tiếp tục trở lại nền kinh tế, khiến cho vòng quay vốn không thể mở rộng.
 
Để có thể xử lý các khoản nợ xấu và nợ quá hạn này, Chính phủ và NHNN có thể thành lập hoặc cho phép thành lập các doanh nghiệp mua lại các khoản nợ quá hạn tại các ngân hàng. Những khoản nợ quá hạn mà nhiều khả năng khó có thể thu hồi được có tính chất tương tự nợ xấu sẽ được các NHTM lựa chọn để bán cho các doanh nghiệp mua bán nợ này.
 
Để thực hiện việc làm sạch các khoản nợ xấu và nợ quá hạn của hệ thống các tổ chức tín dụng, rõ ràng Việt Nam cần phải có một dòng vốn “sạch” tương đối lớn từ bên ngoài bơm vào, ước tính lên đến 250.000 – 300.000 tỉ đồng (tương ứng với tỷ lệ nợ xấu, nợ quá hạn khoảng 10 – 12% tổng dư nợ). Dòng vốn này có thể đến từ nước ngoài hoặc từ ngân sách Nhà nước.
 
Hiện nay chúng ta có công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) thuộc bộ Tài chính. Chính phủ có thể thành lập thêm công ty mua bán nợ hoặc cấp thêm nguồn vốn mới cho DATC để thực hiện một phần nhiệm vụ mua lại nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, để không làm tăng cung tiền cũng như làm tăng bội chi ngân sách thì nguồn vốn bổ sung này sẽ không phải là nguồn vốn phát hành trái phiếu vay NHNN, mà là từ việc cắt giảm các khoản chi của ngân sách nhà nước, đặc biệt là các khoản chi thường xuyên.
 
Theo các số liệu của tổng cục Thống kê và bộ Tài chính, chi thường xuyên hiện nay đã tăng từ mức khoảng 16 – 17% GDP trong giai đoạn 2000 – 2005, lên xấp xỉ 20 – 21% GDP trong những năm gần đây. Nếu có thể giảm dần tỷ lệ này xuống về quanh mức cũ như đã thực hiện được trong giai đoạn từ 2000 – 2005, thì ngân sách sẽ dôi ra được khoảng 3% GDP, tức khoảng 70.000 tỉ đồng. Đây là một khoản tiền tương đối lớn để đóng góp vào quỹ mua bán nợ xấu, nợ quá hạn của hệ thống tín dụng.
 
Tuy nhiên, ngay cả khi có thể giảm chi thường xuyên để được khoản tiền trên thì con số này mới chỉ chiếm khoảng 25 – 30% số nợ xấu, nợ quá hạn mà hệ thống tín dụng hiện nay phải giải quyết. Trong khi nguồn lực của các doanh nghiệp trong nước rất hạn chế thì để có thêm nguồn tiền mới, không còn cách nào khác là phải tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nước ngoài vào thành lập các doanh nghiệp mua bán nợ.
 
Tất nhiên, không nhất thiết phải huy động đến hàng chục tỉ USD từ nước ngoài để mua lại toàn bộ nợ quá hạn và nợ xấu còn lại của hệ thống ngân hàng. Chỉ cần một phần trong số đó được đưa vào nền kinh tế cũng sẽ tạo ra được những kích thích đáng kể, giúp dòng vốn trong nền kinh tế được khơi thông. Nhiều doanh nghiệp sẽ hồi sinh trở lại, làm ăn có lãi và có thể trả lại được các khoản nợ quá hạn, làm cho tỷ lệ nợ quá hạn hiện nay giảm đi đáng kể.

Theo SGTT

baocongthuong.com.vn

Tin cùng chuyên mục

Học viên ngành STEM được vay 440 triệu đồng không thế chấp

Có chủ tịch mới, PGBank dự kiến tăng lợi nhuận 135,3%

Giải pháp công nghệ thúc đẩy sử dụng hoá đơn điện tử

Moody’s giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm của VPBank và FE CREDIT, nâng triển vọng của FE CREDIT lên “Ổn định”

Thu hút dòng vốn FDI mới: Giải pháp nào cho Việt Nam?

Vietcombank rót vốn cho 50 máy bay của Vietnam Airlines

F88 được vinh danh giải thưởng HR Excellence 2025

SeABank đạt lợi nhuận 4.350 tỷ đồng quý I/2025

VPBankS và GtelPay ký kết hợp tác chiến lược, kiến tạo hệ sinh thái đầu tư – thanh toán tích hợp

Phó Tổng Giám đốc VietinBank nhận Giải thưởng 'Nhà lãnh đạo IT của năm'

Techcombank tiếp tục ra mắt chi nhánh thế hệ mới tại Bình Dương

Chỉ 200.000 đồng một ngày, mục tiêu an cư trong tầm tay

Chi tiết lịch chi trả lương hưu tháng 5 từ ngày 25/4

VietinBank tiên phong triển khai bảo lãnh dự thầu điện tử trên eGP

Vietcombank tiếp tục dẫn đầu ngành ngân hàng về sức khỏe thương hiệu

SHB bứt phá vươn tầm trong kỷ nguyên mới, kế hoạch lợi nhuận tăng 25%, cổ đông tin tưởng đồng hành

Ngân hàng TMCP Quân đội ký thỏa thuận hợp tác với Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam

Giải Sao Khuê 2025 gọi tên những lĩnh vực nào?

Doanh nghiệp bứt phá kinh doanh cùng loạt ưu đãi hấp dẫn từ Agribank

Ngân hàng số: Đường đua khốc liệt gia tăng lợi nhuận