Khơi dậy đam mê khởi nghiệp đổi mới sáng tạo lĩnh vực nông nghiệp
Ấn tượng các sản phẩm khởi nghiệp
Chủ đề cuộc thi năm nay có tên: “Ứng phó với đại dịch Covid-19: An toàn và thành công”. Đây là chủ đề khởi nghiệp mới lạ, có tính thời sự rất cao và là thách thức cho các ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo của tuổi trẻ trong cả nước.
Cuộc thi khởi nghiệp nông nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2021 do Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức |
Ông Nguyễn Tất Thắng, Chủ tịch Công đoàn Học viện, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi cho biết, từ hơn 200 dự án tham gia cuộc thi, Ban Giám khảo đã đánh giá, lựa chọn được 141 dự án vào Vòng 1; 40 dự án vào Vòng 2 và 12 đội xuất sắc vào vòng Chung kết.
Tại vòng Chung kết này, 12 đội đã thuyết trình, bảo vệ dự án của mình trước Hội đồng Ban giám khảo. Và sau thời gian chấm điểm, Ban Tổ chức (BTC) đã chọn ra giải Nhất thuộc về đội có dự án “Chế biến sợi chuối bằng công nghệ ABACA”; giải Nhì thuộc về dự án “Eboom”.
Ngoài ra, còn có 2 giải Ba, 3 giải Khuyến khích, 1 giải thưởng Ý tưởng sáng tạo và 1 giải Dự án được yêu thích nhất. Tổng giá trị giải thưởng là 76 triệu đồng và giấy khen của Giám đốc Học viện, Giấy chứng nhận của Ban Tổ chức cho 12 đội vào vòng Chung kết cuộc thi.
Theo đó, dự án “Chế biến sợi chuối bằng công nghệ ABACA” thuộc lĩnh vực công nghiệp, chế tạo sản phẩm. Dự án với ý tưởng xây dựng công nghệ chế biến sợi chuối ABACA, giúp mang lại giá trị to lớn về kinh tế cũng như bảo vệ môi trường.
Được biết, hiện nay Việt Nam có khoảng hơn 200 nghìn ha trồng chuối. Những người nông dân chỉ chú tâm tới việc thu hoạch quả để phục vụ cho việc giao bán trong nước và xuất khẩu sang các thị trường khác. Một số ít vận dụng được lá khô, lá tươi, hoa tươi để bán với giá trị thấp; còn phần thân chuối gần như bị chặt bỏ hoặc được dùng để làm thức ăn cho vật nuôi như lợn, vịt, ngỗng... Điều này gây lãng phí, ảnh hưởng tới thu nhập, thậm chí còn gây ra ô nhiễm môi trường.
Nhận thấy tiềm năng to lớn này, nhóm ABACA đã dấn thân nghiên cứu các công nghệ chế biến sợi chuối thành các sản phẩm hữu ích như vải vóc, sợi chỉ, khẩu trang, giấy... Điều này vừa có thể giúp giảm đi một lượng lớn thân chuối bị bỏ đi gây ảnh hưởng tới thiên nhiên, môi trường, đồng thời có thể chế tạo thành những sản phẩm thiết thực cho con người, đem lại lợi ích rất lớn về mặt kinh tế, tạo nên giá trị thương hiệu gấp bội.
Dự án “Chế biến sợi chuối bằng công nghệ ABACA” sẽ giúp tạo ra một ngành mới cho Việt Nam đó là ngành chế biến sợi chuối, tận dụng phế phẩm từ việc trồng chuối. Từ đây tạo ra các dây chuyền công nghệ, các mô hình sản xuất. Ngoài ra, nếu dự án được tiến hành có thể giúp tạo ra nhiều vị trí việc làm với thu nhập ổn định hơn và tăng mức sống cho người dân tại địa phương.
Dự án chế biến sợi chuối bằng công nghệ ABACA hứa hẹn sẽ giúp tạo ra một ngành mới cho Việt Nam đó là ngành chế biến sợi chuối, tận dụng phế phẩm từ việc trồng chuối. Từ đây tạo ra các dây chuyền công nghệ, các mô hình sản xuất. Ngoài ra, nếu dự án được tiến hành có thể giúp tạo ra nhiều vị trí việc làm với thu nhập ổn định hơn và tăng mức sống cho người dân tại địa phương
Hỗ trợ thương mại hoá sản phẩm
Theo Ban Tổ chức, sau cuộc thi, các nhóm dự án xuất sắc được ban tổ chức kết nối, hỗ trợ tham gia các Cuộc thi khởi nghiệp quốc gia, quốc tế; hỗ trợ kết nối và kêu gọi đầu tư trong nước và quốc tế; hỗ trợ, thương mại hóa sản phẩm.
Giải Nhất cuộc thi giúp giải quyết phế phẩm từ cây chuối, bảo vệ môi trường |
Đặc biệt, để tăng cường hỗ trợ cho thanh niên, sinh viên khởi nghiệp, Học viện thành lập Mạng lưới hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ban thường trực Mạng lưới là các thành viên tâm huyết với sứ mệnh hỗ trợ thanh niên, sinh viên khởi nghiệp và chính thức ra mắt ngay trong buổi lễ tổng kết trao giải Cuộc thi khởi nghiệp nông nghiệp đổi mới sáng tạo 2021.
Ông Vũ Ngọc Huyên, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam đánh giá, nhiều dự án có ý tưởng sáng tạo, khả thi. Ban tổ chức kỳ vọng rằng, cuộc thi sẽ là bệ đỡ để các em hiện thức hoá ước mơ khởi nghiệp và thành công trong quá trình lập thân, lập nghiệp.
Từ năm 2014 đến nay, cuộc thi Khởi nghiệp nông nghiệp đổi mới sáng tạo được tổ chức thường niên với quy mô ngày càng lớn, thu hút hơn 2.500 dự án khởi nghiệp từ hàng trăm trường đại học, cao đẳng, trường THPT, các địa phương tham gia. Dự án khởi nghiệp của sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã vinh dự giành 4 giải Nhất khởi nghiệp quốc gia và nhiều giải thưởng khác. Sau nhiều năm tổ chức, Cuộc thi ngày càng đổi mới cả nội dung và hình thức. Các dự án tham gia không chỉ đáp ứng các yếu tố sáng tạo, khả thi, giải quyết các vấn đề bức thiết trong xã hội mà còn tăng cường yếu tố công nghệ cao.
Thông qua hoạt động này, Học viện Nông nghiệp Việt Nam hướng tới mục tiêu hun đúc tinh thần khởi nghiệp, rèn luyện kĩ năng khởi nghiệp, vận dụng tri thức khoa học đã học của HSSV và thanh niên. Từng bước hiện thực hoá ý tưởng khởi nghiệp thành các dự án khả thi trong thực tiễn, làm giàu cho bản thân, gia đình và cộng đồng; góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thông qua cuộc thi, giúp kết nối các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các quỹ đầu tư lớn cho các dự án khởi nghiệp. Đồng thời, hình thành mạng lưới tương tác, hỗ trợ giữa các doanh nghiệp, nhà tư vấn và cá nhân, tổ chức khởi nghiệp. Từ đó, giúp các nhà khởi nghiệp tìm kiếm nhà đầu tư cho các ý tưởng, dự án của mình.
Bài viết được hỗ trợ thực hiện bởi Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2025 do UBND thành phố Hà Nội ban hành tại Quyết định số 4889/QĐ-UBND ngày 9/9/2019. Chi tiết về các chính sách hỗ trợ trong Đề án tại đường link sau: https://hotrodoanhnghiep.hanoi.gov.vn/thu-vien/de-an-4889-ho-tro-doanh-nghiep-sang-tao-87dlrv51rg |