Thứ hai 23/12/2024 15:39

Khánh Hòa tìm giải pháp phát triển nghề nuôi tôm hùm bền vững

Khánh Hòa được xem là “thủ phủ” nghề nuôi tôm hùm của cả nước khi bình quân hàng năm, tỉnh này thả nuôi trên 23.300 lồng tôm hùm, chiếm đến trên 40% tổng số lồng nuôi tôm hùm toàn quốc.

Tuy nhiên, nghề nuôi tôm hùm phát triển “nóng” trong những năm gần đây đã phát sinh nhiều bất cập đòi hỏi phải sớm tái cơ cấu để phát triển bền vững.

Giải quyết nguy cơ dịch bệnh, ô nhiễm môi trường

Tháng 10, thường bắt đầu mùa mưa bão ở miền Trung, cũng là lúc người nuôi tôm hùm ở Khánh Hòa tất bật với nhiều mối lo từ thời tiết đến hiệu quả canh tác. Với kinh nghiệm hơn 10 năm nuôi tôm hùm, cứ đến thời gian này trong năm, ông Nguyễn Chí Lem, xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh lại phải gia cố thêm cho 100 lồng nuôi trên 7.000 con tôm hùm ở ven vịnh Vân Phong để đảm bảo an toàn.

Ông Lem cho biết, mỗi khi nghe đài báo có bão là cả gia đình thức trắng đêm để trông. Các mùa khác trong năm thì lo dịch bệnh, giá cả bấp bênh.

Vịnh Vân Phong, huyện Vạn Ninh hiện là nơi nuôi nhiều tôm tùm nhất ở Khánh Hòa, tập trung ở các bãi Lạch Cổ Cò 150ha mặt nước, Bãi Đá Lớn 50 ha, Bãi Tranh trên 100ha...

Theo khảo sát, việc nuôi tôm hùm lồng ở vịnh Vân Phong còn dưới mức tải cho phép. Cụ thể, quy hoạch cho phép nuôi 11.760 lồng nhưng hiện mới nuôi khoảng gần 10.000 lồng.

Tuy nhiên, xét cục bộ ở từng vị trí nuôi thì đã đạt đến ngưỡng tải cho phép, vì hầu hết lồng nuôi tôm hùm tập trung ở vùng ven bờ, đầm, đảo nơi kín gió.

Theo thạc sỹ Thái Ngọc Chiến, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 3, khó khăn nhất là quản lý số lượng lồng nuôi, hộ nuôi và thu gom chất thải từ thức ăn dư thừa. Nhiều vùng nuôi đã vượt số lồng cho phép, như ở khu vực Xuân Tự có trên 5.000 lồng, Đầm Môn 3.500 lồng, trong khi theo quy hoạch hai khu vực này chỉ được nuôi trên 2.900 lồng.

Ngoài Vân Phong, hai vịnh Nha Trang và Cam Ranh cũng có điều kiện thuận lợi cho phát triển nghề nuôi tôm hùm do nước sâu, kín gió.

Theo các nhà nghiên cứu, nghề nuôi tôm hùm ở Khánh Hòa còn rất nhiều vấn đề tồn tại. Đó là người nuôi chưa ý thức vệ sinh trong và ngoài khu vực vùng nuôi; chưa tổ chức thu gom rác tập trung, xả thức ăn thừa, tôm bệnh chết xuống khu vực lồng bè, môi trường xung quanh gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng xấu đến môi trường nước.

Số lồng nuôi phân bố không đồng đều, khoảng cách, mật độ lồng bè chưa thích hợp nên sự trao đổi nước trong và ngoài lồng chưa được tốt.

Kết quả giám sát vùng nuôi tôm hùm ở Khánh Hòa của Cục Thú y cho thấy, số lồng tôm hùm bị bệnh năm 2013 là hơn 14.000 lồng; năm 2014 trên 18.900 lồng và từ đầu năm 2015 đến nay cũng đã ghi nhận được gần 2.800 lồng tôm bị mắc bệnh.

Cũng theo Cục Thú y, do thu thập dữ liệu về dịch bệnh ở tôm hùm chưa tốt, công tác giám sát, thống kê, xác minh dịch bệnh không thường xuyên nên thực trạng dịch bệnh tôm hùm ở các địa phường chưa phản ánh đúng thực trạng, thực tế có thể còn cao hơn.

Từ trước đến nay, tôm hùm ở Khánh Hòa thường chết do mắc các bệnh sữa, đen mang, đỏ thân, long đầu và hở đầu; trong đó, bệnh sữa được phát hiện từ cuối năm 2006 là bệnh đặc biệt nguy hiểm đối với loài thủy sản này. Nếu mắc bệnh này, tôm thường chết ở giai đoạn đạt từ 300-700gram/con, thường là vào những tháng có thời tiết nắng nóng và có gió mùa Tây Nam từ tháng Năm đến tháng Chín hàng năm.

Tiến sỹ Mai Duy Minh, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 3 cho rằng, cần thành lập hệ thống thu gom xử lý rác thải sản xuất và chất thải sinh hoạt, đưa rác đến điểm quy định; có quy định thiết kế lồng bè, phân vùng neo đậu lồng nuôi theo quy chuẩn hướng VietGap; từng bước chuyển đổi từ nuôi lồng ở biển lên nuôi trên bờ sử dụng thức ăn công nghiệp để hạn chế ô nhiễm môi trường.

Tăng cường liên kết, chủ động nguồn giống

Nghề nuôi tôm hùm ở Khánh Hòa mang lại giá trị kinh tế cao nhưng lại chưa có thương hiệu, thiếu sự liên kết giữa người nuôi và doanh nghiệp chế biến-xuất khẩu theo chuỗi giá trị. Vì thế, giá tôm hùm thường biến động theo mùa. Việc tiêu thụ chủ yếu dưới dạng tươi sống ở trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch.

Theo ông Huỳnh Kim Khánh, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Khánh Hòa, tôm hùm chỉ có giá trị kinh tế cao khi còn sống. Sau khi thu hoạch, tôm hùm cũng chỉ sống được khoảng 7-10 ngày nếu được chăm sóc tốt. Vì vậy cần kết hợp chặt chẽ khâu thu hoạch, vận chuyển và tiêu thụ.

Người nuôi tôm hùm cũng nên có hiệp hội để bảo vệ quyền lợi cho mình, nhất là về giá cả và chia sẻ kinh nghiệm.

Cùng quan điểm, tiến sỹ Mai Duy Minh, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 3 khuyến cáo, cần tổ chức nuôi tôm hùm theo quy trình VietGap, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm kết hợp quảng bá để đăng ký thương hiệu. Thu hút doanh nghiệp tham gia xây dựng hệ thống phân phối tôm hùm tươi sống bao gồm các điểm thu mua, lưu giữ trước khi giao cho các cơ sở phân phối để tạo sản phẩm tôm sạch, khỏe, đảm bảo chất lượng.

Vấn đề con giống cũng đang được đặt ra cấp thiết khi tái cơ cấu nghề nuôi tôm hùm ở Khánh Hòa, vì tỷ lệ hộ nuôi gặp khó khăn về nguồn cung cấp con giống chiếm đến 60-70%. Hiện nay, nguồn tôm hùm giống khai thác tự nhiên cũng không ổn định do phụ thuộc vào mùa vụ, diễn biến thời tiết, thay đổi dòng chảy và môi trường biển.

Vào thời điểm được mùa, giá tôm hùm giống dao động từ 150.000-200.000 đồng/con, khi khan hiếm có thể lên đến 400.000-500.000 đồng/con.

Để bù đắp lượng tôm hùm giống còn thiếu, hàng năm tỉnh Khánh Hòa phải nhập tôm hùm giống từ các tỉnh khác và một số nước trong khu vực Đông Nam Á theo đường tiểu ngạch.

Nhiều nhà quản lý cho rằng, vấn đề cấp thiết nhất hiện nay là ứng dụng công nghệ cao để sản xuất nhân tạo tôm hùm giống, đồng thời ban hành các tiêu chí về tôm hùm giống để kiểm soát số lượng, chất lượng, đầu tư xây dựng điểm ương tôm hùm giống tập trung trên bể nhằm kiểm soát dịch bệnh và nâng cao chất lượng.

Chi cục Nuôi trồng thủy sản Khánh Hòa cho biết, trong tái cơ cấu nghề nuôi tôm hùm, ngành đang tập trung hoàn thiện quy hoạch chi tiết mặt nước để nuôi tôm hùm ở các vịnh, đầm; xây dựng rạn nhân tạo ở vịnh Nha Trang nhằm bảo vệ tôm hùm con trong tự nhiên.

Bên cạnh đó, xây dựng mối liên kết giữa người nuôi tôm hùm với các đơn vị cung cấp yếu tố đầu vào như con giống, thức ăn… và doanh nghiệp thu mua, sơ chế, chế biến, kinh doanh tôm hùm và sản phẩm có nguồn gốc từ tôm hùm, đồng thời chú trọng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu tôm hùm.

Theo Vietnam+

Tin cùng chuyên mục

Bà Rịa - Vũng Tàu: Chuẩn bị hàng hóa, bình ổn thị trường dịp Tết

TP. Hồ Chí Minh: Chợ kẹo bánh Bình Tây nhộp nhịp dịp cuối năm

Thị trường hàng hóa hôm nay 18/12: Giá đậu tương giảm phiên thứ ba liên tiếp

Đồ trang trí Giáng sinh 2024: Sản phẩm 'xanh' chiếm sóng thị trường

Thị trường hàng hóa hôm nay 17/12: Giá cà phê Arabica tăng 2,47%

Thị trường hàng hóa hôm nay 16/12: Giá ca cao tăng vọt tuần thứ 5 liên tiếp

Ngành bán lẻ trước cột mốc 200 tỷ USD: Miếng bánh có dễ 'ăn'?

Đưa hàng hiệu giá hấp dẫn đến với người tiêu dùng: ‘Chìa khoá’ chinh phục niềm tin trong khó khăn

Thị trường hàng hoá duy trì bình ổn, không để thiếu hàng cho dịp Tết Ất Tỵ

Xu hướng lựa chọn giỏ quà Tết năm nay

Nguồn cung hàng hóa sẵn sàng, doanh nghiệp tăng 30% sản lượng hàng Tết so với năm 2024

Thị trường hàng hóa hôm nay 13/12: Giá ngô suy yếu, giá đậu tương đi ngang

Năm 2025, tiếp tục đưa thị trường nội địa trở thành 'tuyến phòng ngự' vững chắc

Thị trường hàng hóa hôm nay 12/12: Giá bạc neo tại vùng đỉnh một tháng

Bộ Công Thương thu hồi giấy phép phân phối rượu của Công ty TNHH Nam Dương Invest

TP. Hồ Chí Minh: Thị trường đồ trang trí ảm đạm trước thềm Giáng sinh

Thị trường hàng hóa hôm nay 11/12: Giá cà phê Arabica chạm mức cao nhất khi tiến sát mốc 7.400 USD/tấn

TP. Hồ Chí Minh: Bán hàng bình ổn thị trường Tết, nhiều hàng hóa giảm giá sâu

Thị trường hàng hóa hôm nay 10/12: Trung Đông tiếp tục ‘nóng’, giá dầu thế giới quay đầu phục hồi

Thị trường hàng hóa hôm nay 9/12: Giá cà phê thế giới diễn biến trái chiều