Khai giảng khóa đào tạo chứng chỉ kiểm toán nội bộ cấp độ cơ bản
Theo kế hoạch, khóa học diễn ra trong 4 ngày: 17,18, 31/5 và 1/6, gồm các chủ đề: Khái quát chung về hoạt động kiểm toán nội bộ; kiểm toán nội bộ với hoạt động quản lý rủi ro, ngăn ngừa gian lận; kiểm toán nội bộ với hoạt động kiểm soát nội bộ; khung pháp lý hiện hành về hoạt động kiểm toán nội bộ; yêu cầu đối với kiểm toán viên nội bộ; đảm bảo chất lượng hoạt động kiểm toán nội bộ; kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn hoạt động kiểm toán nội bộ ở Việt Nam hiện nay.
Khai giảng khóa đào tạo chứng chỉ kiểm toán nội bộ cấp độ cơ bản |
Kiểm toán nội bộ là một trong những chương trình đào tạo thường niên của VAA, nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng và thái độ làm việc trong lĩnh vực kiểm toán nội bộ. Đồng thời, kiểm toán nội bộ cũng giúp doanh nghiệp nhận biết, phòng tránh rủi ro cả bên trong và bên ngoài.
Phát biểu khai mạc, PGS, TS. Đặng Văn Thanh – Chủ tịch VAA - cho biết, đầu những năm 90 của thế kỷ XX, Việt Nam bắt đầu đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, từ bỏ cơ chế kế hoạch tập trung để chuyển sang cơ chế thị trường. Yêu cầu cấp thiết đặt ra của nền kinh tế là các thông tin về tài chính, kế toán phải công khai, minh bạch, có độ tin cậy cao, phục vụ không chỉ cho quản lý nhà nước mà còn cho các quyết định kinh doanh của nhà đầu tư.
Năm 1991, Bộ Tài chính đã quyết định thành lập hệ thống kiểm toán độc lập Việt Nam với sự ra đời của Công ty kiểm toán Việt Nam - VACO và Công ty Dịch vụ tư vấn tài chính kế toán và kiểm toán Việt Nam - AASC. Năm 1994, Kiểm toán nhà nước được thành lập, là cơ quan kiểm tra tài chính công cao cấp của Nhà nước. Đến năm 1997 bắt đầu hình thành hệ thống kiểm toán nội bộ và cũng từ đó hệ thống kiểm toán của Việt Nam đã đầy đủ, trọn vẹn.
Quy chế kiểm toán nội bộ được ban hành tại Quyết định số 832 -TC/QĐ-CĐKT ngày 28/10/1997 của Bộ Tài chính là văn bản pháp lý đầu tiên đề cập đến các quy định về mục đích, chức năng, nguyên tắc, phạm vi, nhiệm vụ, nội dung cũng như các vấn đề về tổ chức, nhân sự của kiểm toán nội bộ ở các doanh nghiệp nhà nước.
Sau đó, Bộ Tài chính ban hành thêm các văn bản hướng dẫn tổ chức bộ máy kiểm toán nội bộ, bổ nhiệm kiểm toán viên nội bộ, hướng dẫn thực hiện kiểm toán nội bộ. Tuy nhiên, chế tài và việc triển khai thực hiện kiểm toán nội bộ vẫn còn khá chậm so với nhu cầu thực tiễn. Điều này đòi hỏi các tổ chức, doanh nghiệp nói chung và những người làm nghề kế toán, kiểm toán nói riêng phải tự nâng cao năng lực chuyên môn để đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Chủ tịch VAA kỳ vọng, sau khi tham gia khóa học, các học viên vừa được trang bị kiến thức, kỹ năng, vừa hoạt động nghề nghiệp với thái độ chuẩn mực của người làm kế toán, kiểm toán, tuân thủ các quy định của pháp luật; đồng thời tiếp tục tham gia các khóa đào tạo kiểm toán nội bộ cấp độ chuyên sâu và nâng cao, từ đó tăng cường năng lực chuyên môn cũng như vị thế của ngành nghề kế toán, kiểm toán.