Khắc phục manh mún, cục bộ trong kết nối, chia sẻ thông tin xuất nhập khẩu
Bảo đảm kiểm soát, khắc phục cục bộ, manh mún
Theo dự thảo Nghị định về kết nối và chia sẻ thông tin trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh người và phương tiện vận tải theo cơ chế một cửa quốc gia do Bộ Tài chính dự thảo cho thấy: Phần lớn các nước trên thế giới đều đã triển khai các chương trình phát triển chính phủ điện tử, chuyển dịch từ chính phủ điện tử sang chính phủ số và phát triển thương mại điện tử toàn cầu theo xu hướng chuyển đổi số. Nắm bắt kịp thời các xu thế này, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm, chỉ đạo triển khai phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số với những bước đi, giải pháp cụ thể và đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực liên quan như: xây dựng, hoàn thiện thể chế; cung cấp dịch vụ công trực tuyến; xây dựng các nền tảng dữ liệu phát triển Chính phủ điện tử.
Việc ban hành Nghị định cũng nhằm tạo thuận lợi cho các bên tham gia vào quản lý, vận chuyển, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; quản lý người và phương tiện xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh thông qua việc trao đổi thông tin, hồ sơ, chứng từ điện tử liên quan đến các đối tượng nêu trên. Nội dung của nghị định xuất phát từ nhu cầu cấp thiết về trao đổi thông tin của tất cả các bên liên quan.
Bộ Tài chính cho biết việc ban hành Nghị định sẽ khắc phục manh mún, cục bộ trong kết nối, chia sẻ thông tin xuất nhập khẩu |
Phạm vi của Nghị định không chỉ gói gọn trong việc trao đổi thông tin giữa các cơ quan nhà nước mà còn mở rộng ra các tổ chức, doanh nghiệp tham gia vào quản lý cũng như các hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, quá cảnh trong và ngoài nước, góp phần hiện thực hóa việc trao đổi thông tin giữa cơ quan chính phủ Việt Nam với cơ quan chính phủ các nước khác theo điều ước, thỏa thuận mà Việt Nam ký kết, gia nhập (đặc biệt là các FTA thế hệ mới) để tạo thuận lợi thương mại song vẫn đảm bảo kiểm soát, quản lý hiệu quả, hiệu lực.
Đồng thời, theo chức năng quản lý nhà nước, hàng hóa, người, phương tiện vận tải xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, quá cảnh chịu sự quản lý của nhiều cơ quan bộ, ngành khác nhau. Tuy nhiên, khi thực thi nhiệm vụ các cơ quan nhà nước thường dựa trên thông tin của chính cơ quan đó một cách độc lập và tạo ra thông tin phục vụ cho riêng hoạt động của chính cơ quan đó. Thậm chí ngay cả các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, điện tử hóa công tác nghiệp vụ quản lý cũng thực hiện cắt đoạn riêng rẽ trong từng cơ quan, cơ quan nào có hệ thống riêng của cơ quan đó, không kết nối, chia sẻ thông tin với cơ quan khác trong dây chuyền quản lý hàng hóa, người, phương tiện vận tải xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh. Hay nói cách khác, thông tin thủ tục hành chính đối với hàng hóa, người, phương tiện vận tải xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh đang được thực hiện một cách độc lập, cục bộ, manh mún, không toàn diện, đầy đủ.
Hiện tại các thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa quốc gia đã được xử lý liên thông giữa các cơ quan chuyên ngành trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính (như các bộ, sở, ngành) và cơ quan kiểm tra kết quả thủ tục hành chính tại cửa khẩu (như cơ quan hải quan). Tuy nhiên, các cơ quan không liên quan trực tiếp đến thủ tục hành chính nhưng lại đóng vai trò kiểm soát hàng hóa trong chuỗi cung ứng, tiêu thụ (như công an, quản lý thị trường,..) thì còn hạn chế trong việc nhận và chia sẻ thông tin qua Cơ chế một cửa quốc gia, dẫn đến chưa thực sự đồng bộ trong việc xử lý, chia sẻ thông tin trong quá trình luân chuyển của hàng hóa.
Tạo động lực, năng cao công tác phối hợp
Theo tờ trình của Bộ Tài chính, khi Nghị định được ra đời sẽ mang lại hiệu quả đối với cơ quan nhà nước khi các bộ, ngành được khai thác, sử dụng thông tin cập nhật kịp thời, phản ánh đầy đủ thực tế dây chuyền/quá trình xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh người và phương tiện vận tải. Thông tin toàn diện, thông tin “sống” sẽ giúp cơ quan nhà nước thực hiện công tác điều hành, quản lý, đánh giá, xử lý hiệu quả hơn.
Hệ thống thông tin quản lý này sẽ là nguồn thông tin quý giá cung cấp cho Cổng thông tin thương mại quốc gia, góp phần tạo thuận lợi cho thương mại, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển. Từ đó sẽ là động lực thúc đẩy các bộ, ngành nâng cao hơn nữa công tác phối kết hợp trong thực hiện quản lý nhà nước.
Đồng thời, đối với người dân và doanh nghiệp, khi người dân và doanh nghiệp đã cung cấp thông tin cho cơ quan nhà nước ở “một cửa” thực hiện thủ tục hành chính, các thông tin này trở thành thông tin quản lý sẽ được chia sẻ dùng chung giữa các cơ quan nhà nước liên quan theo cơ chế một cửa quốc gia. Người dân và doanh nghiệp không phải cung cấp lại các thông tin đã cung cấp trước đó, từ đó góp phần giảm chi phí, thời gian tuân thủ, thời gian lao động, nâng cao năng suất lao động; đồng thời doanh nghiệp cũng có thể khai thác, sử dụng thông tin do cơ quan nhà nước cung cấp, chia sẻ để phục vụ cho hoạt động tuân thủ tốt hơn cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình hiệu quả hơn.
Trên cơ sở tham khảo học tập kinh nghiệm triển khai Cơ chế một cửa quốc gia tại một số nước trong khu vực và trên thế giới như: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Singapore, Malaysia, Hàn Quốc, New Zealand. Cổng thông tin một cửa quốc gia đều được xây dựng trên cơ sở kết nối với các hệ thống của các cơ quan chính phủ và với cộng đồng thương mại, vận tải; hướng đến tạo thuận lợi tối đa trong chia sẻ thông tin giữa các bên liên quan bằng phương thức điện tử; thiết lập cơ sở dữ liệu tập trung nhằm giảm sự trùng lặp dữ liệu và những kết nối phải thực hiện khi gửi thông tin một cách riêng rẽ tới các cơ quan liên quan.
Giải quyết hàng loạt vướng mắc
Được biết, dự thảo Nghị định có 6 chương, gồm 27 điều, cụ thể như sau: Chương I: Quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 7); Chương II: Phạm vi, danh mục thông tin cung cấp, chia sẻ thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia (từ Điều 8 đến Điều 10); Chương III: Phương thức, mô hình và quy trình kết nối, chia sẻ thông tin thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia. Chương này gồm 2 mục: Mục 1: Kết nối, chia sẻ thông tin trong nước (Điều 11, Điều 12); Mục 2: Kết nối, chia sẻ thông tin với nước ngoài (Điều 13, Điều 14); Chương IV: Quản trị vận hành (từ Điều 15 đến Điều 20); Chương V: Trách nhiệm, quyền của các bên liên quan trong kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia (từ Điều 21 đến Điều 24); Chương VI: Điều khoản thi hành (từ Điều 25 đến Điều 27).
Các điều khoản của Nghị định sẽ quy định chung về kết nối, chia sẻ thông tin thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia
Nhằm giải quyết các vấn đề vướng mắc về việc chưa có cơ sở pháp lý quy định bắt buộc chia sẻ thông tin trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, quá cảnh, dự thảo Nghị định đưa ra các quy định về một số nội dung sau:
Phạm vi điều chỉnh (Điều 1): quy định xác lập hành lang pháp lý về kết nối, chia sẻ thông tin liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; người và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh theo cơ chế một cửa quốc gia thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Đối tượng áp dụng (Điều 2): quy định các đối tượng áp dụng Nghị định bao gồm: Cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; người và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trực tiếp, gián tiếp đến hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh, quá cảnh.
Mục đích của hoạt động kết nối, chia sẻ thông tin; giá trị pháp lý của thông tin, dữ liệu được chia sẻ (Điều 4). Nguyên tắc thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin (Điều 5); Nguyên tắc khai thác, sử dụng thông tin (Điều 6). Chức năng của Cổng thông tin một cửa quốc gia (Điều 7).
Nghị định sẽ quy định chung về kết nối, chia sẻ thông tin xuất nhập khẩu thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia |
Đối với việc thhông tin cung cấp, chia sẻ thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia, dự thảo Nghị định quy định xác định rõ:
Phạm vi thông tin (Điều 8) chia sẻ thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia, bao gồm: Thông tin liên quan trực tiếp, gián tiếp đến thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa quốc gia do cơ quan nhà nước cung cấp, chia sẻ; Thông tin liên quan trực tiếp, gián tiếp đến thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa quốc gia do các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp, chia sẻ; Thông tin doanh nghiệp có liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; Thông tin liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; người và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; Thông tin về thủ tục hành chính được tích hợp, đồng bộ từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính; Thông tin được công bố, đăng tải trên Cổng thông tin một cửa quốc gia để cung cấp cho công dân theo quy định của Luật tiếp cận thông tin; Thông tin trao đổi giữa Việt Nam với đối tác nước ngoài theo các thỏa thuận, điều ước quốc tế về trao đổi thông tin, chứng từ điện tử.
Các loại thông tin cung cấp, chia sẻ thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia: xác định theo lĩnh vực quản lý của từng bộ, ngành, địa phương (Điều 9), từ đó làm cơ sở để ban hành danh mục thông tin chi tiết.
Danh mục thông tin chi tiết (Điều 10) cung cấp, chia sẻ thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia: giao Bộ Tài chính chủ trì, thống nhất với các bên liên quan ban hành danh mục thông tin chi tiết để đảm bảo cụ thể “ai” chia sẻ “thông tin gì” cho “ai” sử dụng vào “mục đích gì”.
Đối với việc thực hiện kết nối, chia sẻ, sử dụng thông tin, dự thảo Nghị định quy định chi tiết thành 03 vấn đề lớn tương đương với 03 chương. Cụ thể:
Về phương thức, mô hình và quy trình kết nối, chia sẻ thông tin thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia. Nội dung này quy định rõ ràng, cụ thể phương thức, mô hình và các bước thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin trong nước (mục 1 Chương III); quy định nguyên tắc thực hiện và các bước thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin với nước ngoài (mục 2 Chương III);
Về quản trị vận hành hệ thống công nghệ thông tin: tại Chương IV dự thảo Nghị định quy định các nội dung về tài khoản người sử dụng; tạm ngừng, chấm dứt kết nối, chia sẻ thông tin; xử lý sự cố; giải quyết vướng mắc; ban hành định dạng thông điệp dữ liệu trao đổi.
Về trách nhiệm, quyền của các bên liên quan trong kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia: tại Chương V quy định trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Quyền và trách nhiệm của bên cung cấp thông tin; Quyền và trách nhiệm của bên khai thác, sử dụng thông tin; Trách nhiệm của Đơn vị quản lý Cổng thông tin một cửa quốc gia.