Huyện Phú Tân: Phát huy tiềm năng, thế mạnh
Diện mạo nông thôn mới ở Phú Tân |
Diện mạo khởi sắc
Huyện Phú Tân được tái lập theo Nghị định 138/2003/NĐ-CP ngày 17/11/2003 của Chính phủ và chính thức đi vào họat động ngày 1/1/2004. Với hướng đi chủ động, sáng tạo, sau hơn 10 năm phát triển, kinh tế của huyện duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, bình quân hàng năm tăng 11,11%. Ðể gia tăng hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội (KT – XH), Phú Tân tập trung phát huy tốt tiềm năng đất đai, nguồn lực con người, tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, huy động tối đa nguồn vốn để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KT - XH, phục vụ sản xuất. Nỗ lực này cùng với việc khơi dậy mạnh mẽ sức mạnh trong nhân dân đã giúp Phú Tân hoàn thành nhiều chương trình phát triển KT - XH ở địa phương. Nổi bật là cơ cấu kinh tế huyện chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng ngư - nông - lâm nghiệp.
Ông Võ Trường Giang - Chủ tịch UBND huyện Phú Tân |
Là huyện thuần nông nên thế mạnh ngư - nông - lâm nghiệp được Phú Tân tập trung phát huy. Theo đó, các hình thức sản xuất nông nghiệp, thủy sản ngày càng nâng cao về sản lượng và tính hiệu quả kinh tế, trong đó có đóng góp tích cực của loại hình nuôi tôm quảng canh cải tiến và nuôi tôm công nghiệp. Các mô hình sản xuất đa cây, con phát triển mạnh như: Nuôi tôm kết hợp cua, cá, sò huyết; trồng hoa màu; trồng cây ăn trái… góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Kinh tế hợp tác được củng cố, chất lượng và hiệu quả hoạt động ngày càng nâng cao. Đến nay trên địa bàn huyện có 29 hợp tác xã (HTX) và 159 tổ hợp tác; vai trò quản lý nhà nước đối với các thành phần kinh tế được nâng lên, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển.
Ðời sống kinh tế ổn định, mức huy động trong nhân dân để cùng nhà nước thực hiện các công trình kết cấu hạ tầng nông thôn có hiệu quả hơn, xây dựng mới và hoàn thành đưa vào sử dụng: Các tuyến đường về trung tâm xã; trụ sở các cơ quan hành chính huyện, xã; cầu giao thông nông thôn; kiên cố hóa trường lớp, nhà văn hóa ấp, khóm… Kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng góp phần gia tăng tiềm lực và tạo điều kiện cho Phú Tân phát triển nhanh, mạnh hơn.
Cùng với những thành tựu phát triển kinh tế, mặt trận văn hóa - xã hội cũng có nhiều tiến bộ. Công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân được triển khai tốt; chất lượng giáo dục đào tạo không ngừng nâng lên. Chính sách lao động, việc làm, đền ơn đáp nghĩa; chăm lo đời sống các gia đình chính sách, người có công, đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm thực hiện tốt, đời sống nhân dân được cải thiện. Đảng bộ huyện Phú Tân đã có những chủ trương, giải pháp mang tính sáng tạo và linh hoạt. Đặc biệt, Nghị quyết số 02 phân công Đảng viên giúp đỡ hộ nghèo và Nghị quyết số 03 về tận dụng đất trống trồng hoa màu, cây ăn trái tăng thu nhập đã tạo nên bước chuyển biến tích cực trên lĩnh vực giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, từ hơn 25% (năm 2004) giảm còn 9,1% (năm 2015).
Sức bật nông thôn mới
Qua 5 năm triển khai thực hiện, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn huyện Phú Tân từng bước đi vào chiều sâu, tạo động lực thúc đẩy phát triển KT - XH huyện nhà.
Ông Võ Trường Giang – Chủ tịch huyện Phú Tân - chia sẻ: Xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó các cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở đóng vai trò chủ đạo trong việc lập đồ án quy hoạch, xây dựng đề án, kế hoạch và tổ chức thực hiện; người dân đóng vai trò chủ thể trong xây dựng NTM. Trong quá trình triển khai, huyện có sự phân công trách nhiệm cụ thể, công việc nào của nhà nước, công việc nào của nhân dân, công việc nào nhà nước và nhân dân cùng làm để thực hiện theo từng tiêu chí. Phương châm thực hiện là phát huy tốt nội lực, tranh thủ ngoại lực, khơi dậy tính tích cực, tự giác của cộng đồng dân cư, các thành phần kinh tế gắn kết chặt chẽ với sự hỗ trợ của nhà nước. Ngoài ra, xác định rõ xây dựng NTM là một chương trình tổng thể nên huyện đã chủ động lồng ghép các chương trình, dự án đang triển khai trên địa bàn cùng với các nguồn lực bổ sung để thực hiện các tiêu chí NTM.
Với cách làm chủ động, sáng tạo, công cuộc xây dựng NTM ở Phú Tân đã gặt hái được nhiều thành quả đáng khích lệ. Đến nay Phú Tân có 3 xã điểm đạt chuẩn NTM là: Tân Hải, Tân Hưng Tây, Việt Thắng. Ngoài ra, xã Phú Mỹ đạt 18/19 tiêu chí (không thực hiện tiêu chí chợ) và huyện đang đề nghị tỉnh Cà Mau sớm công nhận Phú Mỹ đạt chuẩn NTM năm 2016; 3: xã Phú Thuận, Phú Tân, Rạch Chèo đạt 12/19 tiêu chí; xã Nguyễn Việt Khái đạt 11/19 tiêu chí.
Qua thời gian tập trung chỉ đạo cao điểm xây dựng NTM, tình hình KT - XH, đời sống nhân dân và diện mạo NTM ở các xã điểm của huyện có nhiều chuyển biến tích cực. Thành quả xây dựng NTM ở Phú Tân không chỉ thể hiện qua cơ sở hạ tầng được cải thiện mà điều cốt lõi là nhiều hộ dân đã biết khai thác tiềm năng sẵn có của địa phương để xây dựng các mô hình sản xuất bền vững, hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.
Ông Võ Trường Giang - Chủ tịch huyện Phú Tân: Phú Tân là huyện duy nhất của tỉnh Cà Mau được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ Thi đua trong phong trào cả nước chung sức xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2015. |