Hương trầm xứ Trầm hương
Bộ sản phẩm hương trầm Phúc - Lộc - Thọ của nghệ nhân Nguyễn Phúc |
Xứ Trầm và nghề “đi điệu”
Có thể nói, thiên nhiên đã ưu ái đặc biệt cho vùng đất Khánh Hòa. Từ thuở bé, khi còn chưa hình dung ra trầm, kỳ là gì, tôi đã biết đến cụm từ “người đi điệu” - những người đi tìm trầm hương, kỳ nam. Tôi nhìn thấy và biết về họ với vô số những câu chuyện huyền bí như: Nhìn lam lũ cực khổ vậy, nhưng thứ họ mang về là trầm, kỳ có giá trị lên tới tiền tỷ, đổi đời cho cả đại gia đình; họ có những quy định nghiêm ngặt khi vào rừng, đặc biệt là sử dụng từ ngữ khi giao tiếp. Huyền bí hơn, nếu ai trong số họ không tuân thủ những quy định, đều gặp nạn, hoặc mất tích kỳ lạ ngay sau đó...
Người đi điệu thường đi thành từng tốp từ 3 - 7 người, với rất nhiều vật dụng, lương thực, thực phẩm, cho 10 ngày đến cả tháng. Và trong số họ, đã có không ít người mãi mãi ở lại với rừng thiêng... Thế nhưng, lực hấp dẫn của giá trị tài nguyên trầm, kỳ và tiềm năng tiềm ẩn của nó đã cuốn hút hàng trăm người theo nghề này. Đặc biệt, từ đầu những năm 80, nghề đi điệu ngày càng rầm rộ, phát triển nhanh, phần lớn là người dân ở huyện Vạn Ninh và Thị xã Ninh Hòa. Nhiều gia đình làm nghề qua nhiều thế hệ “cha truyền con nối”. Mặc dù, lúc đó trầm, kỳ đã là hàng cấm, nhưng sản lượng lớn trầm hương, kỳ nam do người đi điệu mang về, luôn có sẵn nhiều thương lái trong, ngoài nước săn đón, tiêu thụ...
Bộ sản phẩm trầm hương Biện Quốc Dũng được tôn vinh Sản phẩm Công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia 2017 |
“Ma trận” trầm hương
Kể từ khi vịnh Nha Trang được công nhận là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới, ngành du lịch Xứ Trầm hương phát triển, cũng là lúc giá trị trầm hương, kỳ nam được tôn vinh đỉnh điểm và trở thành một trong những đặc sản du lịch hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước.
Ông Biện Quốc Dũng - Chủ tịch Hội Trầm hương Khánh Hòa, Giám đốc công ty TNHH Trầm Hương - một trong những “lão làng” của ngành trầm hương Khánh Hòa, nhiều lần được Bộ trưởng Bộ Công Thương tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc tham gia chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam; sản phẩm của công ty ông đã được Bộ Công Thương tôn vinh và cấp Chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia năm 2017 - chia sẻ: Xuất thân từ gia đình làm nghề “đi điệu”, vì vậy, tôi đã có cơ hội tiếp xúc với trầm hương, kỳ nam từ núi rừng Khánh Hòa hơn 35 năm. Tình yêu, niềm tự hào của gia đình dành cho nguồn tài nguyên trầm, kỳ không bao giờ thay đổi. Tuy nhiên, năm 2013, khi gia đình chính thức bước vào kinh doanh thành phẩm, đầu tư, chế tác hàng trăm sản phẩm phục vụ người tiêu dùng và du khách, cũng là lúc cơ chế thị trường mở cửa. Tuy nhiên, hiện nay, chúng tôi không đủ sức cạnh tranh với hàng giả, hàng kém chất lượng. Bởi lẽ, mặc dù đã có Luật Cạnh tranh nhưng chế tài chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe. Ngay tại thị trường Khánh Hòa, tôi cũng biết nhiều người kinh doanh sản phẩm trầm hương, nhưng họ chưa một lần nhìn thấy trầm, kỳ thật…
Ông Nguyễn Phúc - Giám đốc Công ty Trầm hương Phú Khánh - bộc bạch: “Tôi may mắn được tiếp xúc với trầm hương từ năm 12-13 tuổi, vì có người anh làm nghề “đi điệu”. Mùi hương của trầm thật không nồng nàn như tại nhiều cơ sở bán trầm ở TP. Nha Trang hiện nay. Chúng tôi đã cho ra đời nhiều chế tác, sản phẩm tâm linh, lưu niệm, trang sức từ trầm. Tuy nhiên, người tiêu dùng khó có thể phân biệt được hàng thật, hàng giả. Do đó, người kinh doanh chân chính sẽ không đủ sức cạnh tranh…”.
Thương hiệu Trầm hương Khánh Hòa đi về đâu?
Trước “ma trận” của thị trường trầm hương, hầu hết những người trân quý và tự hào về nguồn tài nguyên này đều quan ngại. Liệu chất lượng, giá cả của các sản phẩm mang thương hiệu “Trầm hương Khánh Hòa” đang được bày bán tràn lan có làm tổn hại đến thương hiệu, niềm tự hào của người con xứ sở ? Với kiểu mua bán bất chấp, liệu một lượng du khách không nhỏ chọn đến Khánh Hòa vì lực hấp dẫn của trầm hương có ổn định lâu dài? Thương hiệu “Trầm hương Khánh Hòa” rồi sẽ đi về đâu ?...
Ông Châu Lê - Việt kiều Mỹ - chia sẻ: “Tôi thật sự thất vọng khi tìm mua một sản phẩm chuỗi hạt trầm đeo tay từ một showroom lớn tại TP. Nha Trang. Tôi nhấn mạnh là cần trầm thật, chứ không cần giá rẻ. Vậy mà, sản phẩm tôi mang chỉ một thời gian ngắn đã gây ngứa và không còn một chút hương trầm nào…”.
Dạo quanh thị trường trầm, kỳ trên tại TP. Nha Trang, với hàng trăm sản phẩm, mẫu mã đội lốt trầm hương, kỳ nam Khánh Hòa. Cũng một loại sản phẩm nhang trầm, hay bộ trang sức trầm hoàn toàn giống nhau, người bán có thể bán được nhiều giá. Hầu hết, người bán sản phẩm trầm hương ở đây đều khẳng định, những sản phẩm này phần lớn được sản xuất từ các cơ sở ở huyện Vạn Ninh và Thị xã Ninh Hòa. Song khi chúng tôi mang đi thẩm định, thì chủ các cơ sở sản xuất ở đây đều khẳng định, đây là hàng nhập từ Trung Quốc, làm bằng máy nên mẫu mã mới sắc xảo, tinh tế như vậy, còn hương trầm nồng nàn bên ngoài chỉ là hương liệu…
Ông Biện Quốc Dũng cho biết thêm: “Hiện nay, Hội Trầm hương Khánh Hòa đang xúc tiến tư vấn bảo vệ thương hiệu Trầm hương Khánh Hòa theo đúng các trình tự quy định của pháp luật. Tuy nhiên, tôi cũng đề nghị các tổ chức liên quan, thực thi pháp luật hỗ trợ nhiều hơn trong công cuộc này…”.
Để hương trầm trên Xứ Trầm hương được bảo tồn, tôn vinh, mỗi người con xứ sở hãy cùng chung sức bảo vệ thương hiệu “Trầm hương Khánh Hòa” như bảo vệ tình yêu quê hương.