Hương trầm xứ Nghệ
- Những ngày giáp Tết, chúng tôi có dịp đến Thị trấn Quỳ Châu nằm giữa đại ngàn như một thung lũng bình yên. Những người già nơi đây kể lại, đây là nơi giao nhau giữa trời và đất. Chính tại nơi này, Ngọc Hoàng đã ban phát cho muôn dân một loài cây lạ mà rễ của chúng tỏa hương thơm khắp núi rừng. Đó chính là trầm hương, người dân mang rễ cây nghiền thành hương liệu làm nên hương trầm. Đã bao đời nay, mùi hương thân thuộc đó ngấm vào huyết mạch của người dân xứ Nghệ.
Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp Tết, thị trấn nhỏ bé này lại trở nên nhộn nhịp hơn vì sản xuất hương trầm vào mùa cao điểm. Người người, nhà nhà sản xuất và thương lái khắp nơi đổ về thu mua, rồi đem hương trầm về xuôi phục vụ người dân trong những ngày Tết Nguyên đán.
Trong những ngày Tết Nguyên đán, khắp mọi miền đất nước, đâu đâu cũng đã xuất hiện mùi hương trầm của miền đất Quỳ Châu. Cái mùi hương trầm mặc ấy là nén tâm hương thành kính khiến không khí ngày Tết dân tộc càng thêm thiêng liêng, ấm cúng. Mùi hương ấy đã thấm sâu vào hồn người để trở thành nỗi nhớ, niềm thương của mỗi người những lúc đi xa… |
Hai bên đường quốc lộ đoạn qua Thị trấn Tân Lạc và xã Châu Hạnh tràn ngập cửa hàng bán hương. Thoảng trong tiết trời lạnh lẽo nơi phố núi này, chúng tôi còn nghe mùi thơm của trầm hương thoang thoảng bay theo làn gió nhẹ. Khắp các con phố của thị trấn và bản làng xã Châu Hạnh, đi đến đâu cũng nghe tiếng cười đon đả của các cô gái Thái xinh xắn, chào mời khách vào mua đặc sản trầm hương.
Qua tìm hiểu, những người làm hương trầm lâu năm ở đây cho biết, để làm hương phục vụ Tết, phải mua trữ nguyên liệu ngay từ đầu năm. Việc chế biến hương liệu đòi hỏi khá tỉ mỉ và cầu kỳ. Trước đây, người làm hương chuyên nghiệp thế nào cũng phải tìm bằng được trầm hương mới mong làm ra búp hương có mùi dịu, thơm lâu và quyến luyến lòng người. Bây giờ do trầm hương ngày càng khan hiếm, người ta thay thế bằng rễ của cây trầm lâu năm, cũng có hương tương tự, rồi trộn lẫn với các vị thuốc Bắc như nụ hồi, đinh hương, cam thảo, quế... Tất cả hương liệu trên đem giã nhỏ rồi trộn với bột bã mía đã được phơi khô. Bã mía phải là loại mía mật thân to bằng bắp tay và lóng suôn dài, thì khi đốt mới có mùi thơm đặc biệt ngọt ngào. Dưới bàn tay tài tình của các nghệ nhân, những búp hương đã được se một cách tài tình và công phu.
Hương trầm Quỳ Châu được ưa chuộng còn bởi lõi hương làm bằng ruột tre bánh tẻ, vừa dẻo lại mềm, khô giòn và cháy đều. Khi thắp xong, nén hương uốn vòng lại giống như vòng cung, báo hiệu một năm mới hưng thịnh và nhiều lộc tài cho gia chủ.
Những năm gần đây, những ngày giáp Tết Nguyên đán, hương trầm Quỳ Châu theo những chuyến xe tỏa đi khắp nơi và trở thành một món quà không thể thiếu trong gói quà Xuân cho người thân ở xa, thậm chí cả những người Việt xa Tổ quốc. Tết về, ai cũng mong muốn có một búp hương trầm làm ấm bàn thờ gia tiên.
Bước vào cơ sở sản xuất Huyền Sâm, sát quốc lộ 48 đoạn qua khối 2, Thị trấn Tân Lạc. Chị Huyền (người dân tộc Thái), chủ cửa hàng tâm sự: Gia đình chị làm nghề sản xuất hương trầm từ bao đời nay. Bình quân mỗi năm sản xuất khoảng trăm vạn hương trầm que. Trừ chi phí, mỗi mùa hai vợ chồng chị thu nhập gần trăm triệu đồng. Cũng nằm sát quốc lộ 48, cơ sở sản xuất Hạnh Lai lớn không kém. Chị Hạnh - chủ cửa hàng - cho biết: Gia đình chị cũng như những nhà xung quanh khu vực khối 2, Thị trấn Tân Lạc đều có truyền thống làm nghề sản xuất hương trầm phục vụ Tết từ bao đời nay. Anh Lô Văn Hợi - một người dân địa phương - cho biết: Nghề sản xuất hương trầm Quỳ Châu có truyền thống từ rất lâu, nhưng chủ yếu tiệu thụ trong tỉnh, thời gian gần đây mới bắt đầu đưa sang các địa phương khác. Ngoài khu vực thị trấn, lâu nay hai xã Châu Hạnh và Châu Tiến cũng rất nhiều gia đình sản xuất hương trầm ngày Tết. Và hương trầm Quỳ Châu xứ Nghệ đến nay đã có thương hiệu trên thị trường. Sản phẩm làm ra được đóng thành từng búp và đóng gói cẩn thận rồi chất đống từ đầu tháng 9 để chờ đến dịp giáp Tết mới nhập sỉ cho các nhà buôn đến từ khắp nơi trên mọi miền Tổ quốc: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Sơn La, Cao Bằng, Đăk Lăk…
Hoàng Trinh