Hướng đi nào cho xuất khẩu gạo?
Những ngày này, người nông dân đồng bằng sông Cửu Long đang thu hoạch nốt đợt cuối cùng của vụ Đông Xuân muộn. Vụ này, người dân rất phấn khởi khi đón nhận niềm vui kép - lúa vừa được mùa, vừa được giá. Lúa tăng giá trên 10%, chi phí sản xuất thấp, mỗi ha, người dân lãi 20-40 triệu đồng.
Hạt ngọc trời của Tập đoàn Lộc Trời là một trong những loại gạo xây dựng thành công thương hiệu cả trong và ngoài nước |
Bức tranh tươi sáng của đồng bằng sông Cửu Long cũng là bức tranh chung của hoạt động XK gạo hiện nay. Đã lâu rồi người ta mới nói về hạt gạo với nhiều tin vui đến thế. Sau một năm ảm đạm khi gạo giảm cả về lượng và giá trị, những tháng đầu năm nay, XK gạo bật tăng. Đặt trong bối cảnh “cơn bão” Covid-19 khiến hàng loạt mặt hàng nông sản khác như tiêu, điều, rau quả… bí đầu ra, hoặc XK rất chậm, thành tích của hạt gạo là ấn tượng. Kim ngạch XK gạo đã đạt 1,7 triệu tấn trong quý I/2020, tăng tới 19,9% so với cùng kỳ năm trước. Mức kim ngạch này tương đương với khoảng 25 nghìn tấn/ngày.
Tương lai sáng cho hạt gạo XK tiếp tục được Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) dự báo khi nhu cầu nhập khẩu gạo của một số quốc gia như Philippines, Indonesia, Malaysia… là rất lớn. Chính vì vậy, số hạn ngạch 400 nghìn tấn gạo vừa được Chính phủ cấp phép XK trong tháng 4 đã được doanh nghiệp đăng ký đủ, chỉ sau vài tiếng Tổng cục Hải quan mở tờ khai.
Gạo Việt vẫn là mặt hàng “hot” trên thị trường khi nhu cầu không ngừng tăng cao. Bộ Công Thương dự báo, nếu tiếp tục giữ tốc độ XK bình quân 25 nghìn tấn/ngày như quý I thì XK gạo quý II có thể đạt tới trên 2 triệu tấn. Tổng cộng 6 tháng đầu năm có thể XK trên 3,7 triệu tấn.
Hoạt động ngoại thương của nhiều quốc gia đang tê liệt vì dịch Covid-19. Việt Nam cũng không tránh khỏi khó khăn khi kim ngạch XK những tháng đầu năm chỉ tăng trưởng vỏn vẹn 0,5%. Điều đó đồng nghĩa với việc nếu mở toang cánh cửa cho XK gạo mạnh, kim ngạch hàng hóa XK sẽ gia tăng, đất nước sẽ có thêm nguồn ngoại tệ đáng kể.
Song trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, vấn đề an ninh lương thực quốc gia vẫn được Bộ Công Thương đặt lên hàng đầu trong các kiến nghị gửi Chính phủ về vấn đề XK gạo. Nói như Thứ trưởng Trần Quốc Khánh thì, sản lượng ta đã thu hoạch ở Đồng bằng sông Cửu Long vụ vừa qua là khoảng 9 triệu tấn thóc, tương đương hơn 4 triệu tấn gạo, không những đáp ứng đủ nhu cầu trong nước mà còn phục vụ được cho xuất khẩu. Tuy nhiên, ở trong nước, nếu như tình hình có gì đột biến, không loại trừ khả năng yếu tố tâm lý sẽ khiến hiện tượng tích trữ gạo xảy ra. Tức là trong điều kiện bình thường thì không thiếu, nhưng trong một số điều kiện đặc biệt, ta có thể có thể đứng trước rủi ro nếu XK gạo mạnh.
Chính vì vậy, trong tính toán của mình, ngoài lượng 300 nghìn tấn gạo để đảm bảo an ninh lương thực trong tháng 4 và tháng 5-2020, Bộ Công Thương đã đề xuất giữ lại thêm 400 nghìn tấn để dự phòng cho mọi tình huống có thể xảy ra. Như vậy, lượng gạo được phép XK trong tháng 4 và 5 là khoảng 800 nghìn tấn. Ngoài lượng gạo XK 400 nghìn tấn đã được cấp trong tháng 4, căn cứ diễn biến dịch bệnh và báo cáo của các Bộ ngành, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét, quyết định phương hướng điều hành XK gạo cho tháng 5.
Mặt khác, mức tăng của kim ngạch XK gạo trong thời điểm này được đánh giá chỉ là tức thời. Do đó, thay vì tập trung cho XK, giải pháp căn cơ và bền vững hơn vẫn là xây dựng chuỗi cung ứng lúa gạo bền vững, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm.
Một chuyên gia đã thẳng thắn cho rằng, đừng nhìn những tải gạo lớn được xếp lên container xuất khẩu ra nước ngoài để vội vui mừng! Vì gạo xuất theo lô lớn như vậy chỉ là loại gạo giá trị thấp, được xuất khẩu đến các quốc gia châu Phi, hoặc các khu vực thị trường khác với giá rẻ. Châu Âu hoặc các quốc gia, thị trường sẵn sàng trả giá cao họ không ăn gạo theo tải như vậy mà ăn loại gạo được đóng bao 5 kg, có logo rõ ràng. Đó mới là loại gạo được giá!
Bài học từ ST25 - loại gạo ngon nhất thế giới cho thấy, nếu ta có được giống lúa tốt, loại gạo ngon thì không những XK tốt mà còn tiêu thụ rất tốt ở thị trường trong nước ở bất cứ thời điểm nào. Đây là hướng đi mà doanh nghiệp gạo phải hướng tới để XK gạo bền vững, nâng cao giá trị hạt gạo, tránh được nỗi lo được mùa mất giá vẫn tồn tại song song với danh hiệu “ngôi vương”, “ngôi hậu” của hạt gạo của nước ta nhiều năm nay.