Hướng dẫn thẩm định giá tài sản vô hình
- Thông tư này quy định: Tài sản vô hình là tài sản không có hình thái vật chất và có khả năng tạo ra các quyền, lợi ích kinh tế.
Tài sản vô hình bao gồm các loại: Tài sản trí tuệ và quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ; Quyền mang lại lợi ích kinh tế đối với các bên được quy định cụ thể tại hợp đồng dân sự theo quy định của pháp luật ví dụ như quyền thương mại, quyền khai thác khoáng sản,...; Các mối quan hệ phi hợp đồng mang lại lợi ích kinh tế cho các bên, các mối quan hệ với khách hàng, nhà cung cấp hoặc các chủ thể khác, ví dụ như danh sách khách hàng, cơ sở dữ liệu...
Khi tiến hành thẩm định giá tài sản vô hình, cần thu thập các thông tin sau: Mục đích thẩm định giá; đặc điểm của tài sản vô hình cần thẩm định giá; tình trạng pháp lý của việc sở hữu tài sản vô hình (bao gồm cả việc sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp hay không hợp pháp); thời điểm thẩm định giá; triển vọng của ngành cụ thể liên quan và ảnh hưởng đến giá trị tài sản vô hình cần thẩm định giá; triển vọng của nền kinh tế có tác động đến giá trị của tài sản vô hình, gồm các yếu tố của môi trường kinh tế (như lạm phát, tỷ giá hối đoái,.. ) và môi trường chính trị trong nước và ngoài nước.
Theo Tiêu chuẩn này, có 3 cách tiếp cận khi thẩm định giá tài sản vô hình: Cách tiếp cận từ thị trường, cách tiếp cận từ chi phí, cách tiếp cận từ thu nhập.
Mỗi cách tiếp cận sẽ có những phương pháp thẩm định giá khác nhau nhưng cần chú ý đến “ước tính tuổi đời kinh tế còn lại”, yếu tố này sẽ được áp dụng trong tất cả các cách tiếp cận thẩm định giá.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 21-2-2014.
Theo Báo Hải Quan