Theo dự thảo, nguyên tắc xác định mức phạt tiền cụ thể đối với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công quy định tại Mục 1, Mục 2, Mục 3, Mục 4 Chương II Nghị định số 63/2019/NĐ-CP như sau: Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính không có tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó. Mức trung bình của khung tiền phạt được xác định bằng trung bình giữa mức tối đa của khung hình phạt và mức tối thiểu của khung hình phạt.
Hình minh họa |
Cứ một tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng thì mức tiền phạt được giảm hoặc tăng 20% so với mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó, nhưng không được thấp hơn mức tối thiểu và không được cao hơn mức tối đa của khung hình phạt.
Dự thảo quy định rõ về “Hành vi vi phạm quy định về đầu tư, mua sắm tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị quy định tại Điều 6 Nghị định số 63/2019/NĐ-CP” là: Hành vi thực hiện mua sắm tài sản khi không có quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định số 63/2019/NĐ-CP là hành vi tại thời điểm ký Hợp đồng mua sắm (đối với trường hợp phải ký Hợp đồng theo quy định của pháp luật) hoặc tại thời điểm ghi trên Hóa đơn bán hàng (đối với trường hợp không phải ký Hợp đồng theo quy định của pháp luật) không có Quyết định về mua sắm tài sản công của cấp có thẩm quyền. Thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản công thực hiện theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công số 15/2017/QH14 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.
Hành vi mua sắm tài sản vượt tiêu chuẩn, định mức do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định số 63/2019/NĐ-CP là hành vi mua sắm tài sản vượt về diện tích (đối với trụ sở làm việc), vượt về số lượng, vượt về mức giá (đối với phương tiện đi lại, máy móc, thiết bị) so với tiêu chuẩn, định mức theo quy định.
Đối với “Hành vi vi phạm quy định về giao, sử dụng tài sản của các dự án sử dụng vốn nhà nước quy định tại Điều 19 Nghị định số 63/2019/NĐ-CP”, dự thảo quy định: Hành vi trao đổi tài sản của dự án sử dụng vốn nhà nước quy định tại khoản 3 Điều 19 Nghị định số 63/2019/NĐ-CP là hành vi dùng tài sản công của tổ chức để đổi lấy tài sản của tổ chức, cá nhân khác mà không được cấp có thẩm quyền cho phép.
Hành vi biếu, tặng cho tài sản của dự án sử dụng vốn nhà nước quy định tại khoản 3 Điều 19 Nghị định số 63/2019/NĐ-CP là hành vi sử dụng tài sản công để làm quà tặng vi phạm quy định về việc tặng quà và nhận quà.
Hành vi chiếm đoạt tài sản của dự án sử dụng vốn nhà nước quy định tại khoản 5 Điều 19 Nghị định số 63/2019/NĐ-CP bị xử phạt vi phạm hành chính là việc nắm giữ, sử dụng tài sản công mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nộp tiền thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả
Theo dự thảo, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp lại số tiền tương ứng với giá trị tài sản vi phạm và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp thu được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định được thực hiện như sau: Nộp vào ngân sách trung ương đối với các hành vi vi phạm của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương và các hành vi của các tổ chức, cá nhân khác liên quan đến tài sản do cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý.
Nộp vào ngân sách địa phương đối với các hành vi vi phạm của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc địa phương và các hành vi của các tổ chức, cá nhân khác liên quan đến tài sản do cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc địa phương quản lý.