Hướng dẫn chế độ kế toán ngân sách và tài chính xã
Dự thảo nêu rõ, các xã sử dụng các chứng từ kế toán ban hành tại Thông tư này theo Phụ lục số 01 và sử dụng 03 mẫu chứng từ kế toán bắt buộc quy định tại Thông tư 107/2017/TT-BTC gồm: Phiếu thu, Phiếu chi và Giấy đề nghị thanh toán tạm ứng. Ngoài các chứng từ kế toán quy định theo Phụ lục số 01, các xã được tự thiết kế mẫu chứng từ để phản ánh các nghiệp vụ kinh tế phát sinh đáp ứng tối thiểu 7 nội dung quy định tại Điều 16 Luật kế toán, phù hợp với việc ghi chép và yêu cầu quản lý của xã.
Tài khoản kế toán phản ánh thường xuyên, liên tục, có hệ thống tình hình về tài sản, tiếp nhận và sử dụng nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước cấp và các nguồn kinh phí khác; tình hình thu, chi hoạt động, kết quả hoạt động và các khoản khác ở các Xã.
Các xã phải mở sổ kế toán để ghi chép, hệ thống và lưu giữ toàn bộ các nghiệp vụ kinh tế, tài chính đã phát sinh có liên quan đến xã. Việc bảo quản, lưu trữ sổ kế toán thực hiện theo quy định của pháp luật về kế toán, các văn bản có liên quan và quy định tại Thông tư này.
Các xã chỉ sử dụng một hệ thống sổ kế toán cho một kỳ kế toán năm, bao gồm sổ kế toán tổng hợp và sổ kế toán chi tiết. Tuỳ theo hình thức kế toán đơn vị áp dụng, đơn vị phải mở đầy đủ các sổ kế toán tổng hợp, sổ kế toán chi tiết và thực hiện đầy đủ, đúng nội dung, trình tự và phương pháp ghi chép đối với từng mẫu sổ kế toán.
Báo cáo quyết toán ngân sách xã dùng để tổng hợp tình hình thu, chi ngân sách xã vào ngân sách nhà nước, được trình bày chi tiết theo mục lục ngân sách nhà nước để cung cấp cho Hội đồng nhân dân xã, UBND xã và phòng tài chính quận, huyện và cơ quan có thẩm quyền khác. Báo cáo tài chính dùng để cung cấp thông tin về tình hình tài chính, kết quả thu chi ngân sách xã vào ngân sách nhà nước và thuyết minh tình hình tài chính của xã. Sau khi kết thúc kỳ kế toán năm, các xã phải khóa sổ và lập báo cáo tài chính. Báo cáo tài chính được công khai theo quy định của pháp luật về kế toán và các văn bản có liên quan.