Họp Tổ Điều hành thị trường trong nước tháng 8: Đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu
Giá xăng dầu tiếp tục tăng cao
Tại cuộc họp Tổ Điều hành thị trường trong nước thường kỳ tháng 8 diễn ra sáng 31/8, đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam nêu rõ, có thể thấy, tiếp nối xu hướng giảm giá xăng dầu trong tháng 7, thì trong nửa đầu tháng 8, giá xăng dầu thế giới vẫn liên tục lao dốc. Chỉ khi bắt đầu nửa sau tháng 8 thì giá mới bắt đầu có dấu hiệu phục hồi. Đặc biệt, hiện tại, giá dầu diesel trong 2 tuần gần đây đang tăng mạnh trở lại với mức tăng từ 10-16% so với giá bình quân kỳ điều hành ngày 22/8.
Việc tăng giá trở lại xuất phát từ một số nguyên nhân như nhu cầu tăng cao khi cá nước châu Âu chuyển sang sử dụng các nhiên liệu thay thế cho khí đốt của Nga, vốn đang rất đắt đỏ. Cùng với việc nhiều nước tăng cường dự trữ dầu diesel để chuẩn bị cho mùa đông do lo ngại thiếu hụt mặt hàng này. Ngoài ra là do lượng xuất khẩu dầu diesel từ Nga và Trung Quốc giảm. Điều này khiến cho việc điều hành xăng dầu trong kỳ điều hành tới có thể chịu áp lực tăng giá trở lại.
Giá xăng dầu hiện lên mức cao nhất trong vòng 1 tháng |
"Đáng chú ý, hiện tại, giá bán lẻ của 2 mặt hàng là dầu diesel và dầu hỏa đã ngang bằng với giá bán lẻ của mặt hàng xăng, trong khi trước đây bao giờ cũng thấp hơn 1 vài nghìn", đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam nêu rõ.
Chi tiết hơn, bà Lê Thị Hồng – Trưởng Phòng Điều tiết cung cầu – Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương thông tin, giá dầu thô trên thị trường thế giới trong tháng 8/2022 tiếp tục xu hướng giảm so với tháng 7/2022, tuy nhiên trong tuần cuối tháng 8/2022 giá dầu tăng mạnh trở lại.
Tính bình quân trong tháng 8/2022, giá dầu Brent giảm khoảng 7,44% so với bình quân tháng 7/2022; giá dầu WTI giảm khoảng 7,76% so với bình quân tháng 7/2022. Cụ thể, kết thúc phiên ngày 29/08, giá WTI tăng 4,24% so với kết thúc phiên 28/8 lên 97,01 USD/thùng, trong khi giá Brent tăng 3,96% so với kết thúc phiên 28/8 lên 102,93 USD/thùng.
"Hiện tại, giá dầu đang lên mức cao nhất trong vòng 1 tháng" – bà Hồng thông tin.
Gỡ khó cho doanh nghiệp xăng dầu
Để bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, trên cơ sở kiến nghị của Hiệp hội xăng dầu Việt Nam, Tổ Điều hành thị trường trong nước đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các Ngân hàng thương mại tạo điều kiện nâng hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu để bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường (do giá xăng dầu tăng cao nên mức hạn mức tín dụng của các năm trước chỉ còn tương đương với 50-70% lượng nhập khẩu theo nhu cầu của doanh nghiệp).
Bên cạnh đó, đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu được nhập khẩu xăng dầu thuận lợi để kịp thời cung ứng xăng dầu cho thị trường.
Đồng thời, sớm rà soát và gửi thông báo cho Bộ Công Thương về việc áp dụng mức chi phí đưa xăng dầu trong nước về đến cảng và premium trong nước theo mức phù hợp với thực tế phát sinh thời gian vừa qua để bảo đảm tính đúng, tính đủ trong giá cơ sở xăng dầu theo quy định hiện hành. Đây cũng là vấn đề đã được Hiệp hội Xăng dầu đề xuất rất nhiều lần nhưng chưa được giải quyết.
‘Tổ Điều hành thị trường trong nước rất mong Bộ Tài chính sẽ xử lý sớm vấn đề này vì nếu giải quyết được khó khăn này sẽ gỡ khó được rất nhiều cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu’ – ông Trần Duy Đông, Vụ Thị trường trong nước khẳng định.
Bên cạnh đó, thời gian vừa qua, doanh nghiệp xăng dầu có nêu rất nhiều khó khăn trong việc thiếu hụt nguồn cung cũng như chiết khấu thấp. Hiểu được vấn đề này, Bộ Công Thương đã ngay lập tức thành lập 3 đoàn thanh tra do 3 Thứ trưởng Bộ Công Thương làm trưởng đoàn đại diện 4 đơn vị: Tổng Cục Quản lý Thị trường, Vụ Thị trường trong nước, Thanh tra Bộ, Vụ Pháp chế.
Về nội dung làm việc, đoàn tập trung kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật kinh doanh xăng dầu của các cơ sở kinh doanh xăng dầu bao gồm cả thương nhân kinh doanh xăng dầu, đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu…nhưng chỉ tập trung kiểm tra, giám sát những nơi thực hiện không đúng quy định, đặc biệt là các cơ sở đóng cửa, có dấu hiệu “găm hàng”, không thực hiện đúng nghĩa vụ và các quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.