Hợp tác Việt Nam - Litva: Tài chính công nghệ, hàng không, năng lượng những lĩnh vực mới, giàu tiềm năng
Thương vụ Việt Nam tại Ba Lan, kiêm nhiệm Litva cho biết, Litva là một trong ba nước cộng hòa Baltic thuộc Liên bang Xô viết trước đây. Sau khi tách khỏi Liên xô cũ, Litva đã nhanh chóng đặt mục tiêu hội nhập với Tây Âu.
Đại sứ Hà Hoàng Hải trình Quốc thư lên Tổng thống Litva - Ảnh: Thương vụ Ba Lan kiêm nhiệm Litva cung cấp |
Về hợp tác thương mại với Việt Nam, Thương vụ Việt Nam tại Ba Lan, kiêm nhiệm Litva cho biết, do khoảng cách về địa lý và hạn chế thông tin về thị trường, thương mại giữa hai quốc gia còn rất khiêm tốn và chưa xác định được thế mạnh hợp tác.
Nhân chuyến công tác trình Quốc thư lên Tổng thống Litva, Thương vụ đã kết hợp làm việc với một số doanh nghiệp để tìm hiểu cơ hội hợp tác giữa hai nước. Mặc dù đã có tìm hiểu trước, nhưng đoàn công tác thực sự ngỡ ngàng trước sự năng động, sáng tạo và hiệu quả của nền kinh tế với vỏn vẹn chưa đầy 3 triệu dân này.
“Điểm chung nhất mà Thương vụ nhận thấy từ các doanh nghiệp đã tiếp xúc là Litva đã đánh giá đúng thực lực và không tham vọng xây dựng những ngành kinh tế quy mô: vận tải biển, hàng không, cơ khí chế tạo... Thay vào đó, họ đào tạo nguồn lực để phát triển các ngành sản xuất có hàm lượng công nghệ cao qua đó nắm giữ công đoạn nhiều giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị” - đại diện Thương vụ Việt Nam tại Ba Lan, kiêm nhiệm Litva thông tin.
Đại sứ Hà Hoàng Hải và Tham tán Thương mại Việt Nam tại Ba Lan, kiêm nhiệm Litva Nguyễn Sơn diện kiến Tổng thống Litva sau lễ trình Quốc thư |
Đáng chú ý, theo Thương vụ, một lĩnh vực mới mẻ đang phát triển rất nhanh trên toàn cầu là tài chính công nghệ (fintech). Hiểu một cách đơn giản nhất, đây là các doanh nghiệp khai thác các thế mạnh không gian mạng để tạo ra các sản phẩm tài chính mới mẻ so với ngân hàng truyền thống: Huy động tiền cho các quỹ đầu tư, chuyển tiền nhanh, tiền số...
Nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, hiện vẫn lúng túng trong xây dựng khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động này. Với chính sách cởi mở và các cơ chế ưu đãi, Litva thu hút nhiều doanh nghiệp tài chính công nghệ đến mở văn phòng.
Trung tâm Fintech là nơi các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính công nghệ gặp gỡ, trao đổi công việc. Trung tâm cũng đảm nhận vai trò tư vấn chính sách, kết nối chính phủ, hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp thành viên… Không gian làm việc của trung tâm được thiết kế hết sức trẻ trung, phóng khoáng để tiếp năng lượng cho các ý tưởng sáng tạo
Một góc khu làm việc của Trung tâm Fintech |
Tương tự, Công ty Teltonica chuyên về công nghệ thông tin với sản phẩm chủ đạo là thiết bị định vị và xử lý các thông số kỹ thuật trên ô tô. Thiết bị này thu thập các thông số trong quá trình vận hành để phục vụ các công nghệ dẫn đường, an toàn, bảo dưỡng...
Trong cấu thành một chiếc ô tô thì chiếc hộp nhỏ bằng bao thuốc này đúng là sản phẩm “phụ trợ”. Nhưng nếu nhìn vào những công nghệ đằng sau đó thì không hề “phụ trợ” chút nào. Để phát triển và hoàn thiện nó cần đội ngũ nhân viên hàng ngàn người làm việc trong 15 tòa nhà văn phòng và trung tâm R&D.
Những cơ sở khác chúng tôi có dịp tiếp xúc cũng để lại ấn tượng rõ nét về những doanh nghiệp “phụ trợ” nhưng hết sức bề thế. Tại Thành phố hàng không (Avia City), Chủ tịch tập đoàn Avia Solution đã giới thiệu về hệ sinh thái gồm hàng chục doanh nghiệp chuyên về các dịch vụ cho thuê, đào tạo, bảo hiểm… trong lĩnh vực hàng không. Doanh nghiệp này hiện đang có một cơ sở đào tạo phi công tại thành phố Hồ Chí Minh.
Trong chương trình đào tạo, các phi công được đưa đến đây vào 2 tháng cuối để hoàn thiện kỹ năng trên buồng lái mô phỏng. Ngoài phi công, công ty còn đào tạo tiếp viên, bảo dưỡng máy bay,.. Litva không có hãng hàng không. Nhưng Avia Solution đang quản lý trên 200 máy bay cho thuê trên khắp thế giới.
Tương tự, tuy không có hãng khai thác dầu khí tầm cỡ nhưng Litva có công ty KN Energy chuyên về thiết kế, thi công, vận hành các cảng khí hóa lỏng. Ngoài Litva, công ty đang vận hành 5 cảng khí hóa lỏng tại Đức và Nam Mỹ. Năng lực của công ty này là một tiền đề quan trọng để Litva đạt mục tiêu độc lập năng lượng khỏi Nga.
Sau trên 30 năm kể từ khi Liên Xô tan rã, trong khi hầu hết các nước cộng hòa Liên bang Xô viết vẫn đang đối mặt với những bất ổn chính trị, kinh tế, Litva - đã trở thành một nền kinh tế xanh, hiện đại với thu nhập đầu người sấp xỉ 30 ngàn USD. Không chỉ có mức sống cao, Litva và các nước Baltic còn được đánh giá có môi trường trong sạch nhất châu Âu.
Những tiềm năng của Litva không chỉ hứa hẹn những cơ hội hợp tác giữa hai quốc gia mà còn gợi mở rất nhiều bài học cho Việt Nam trong tiến trình hướng tới một nền kinh tế hiện đại, bền vững.