Thứ tư 14/05/2025 22:36

Hồi sinh đàn Chapi

Chapi Chapi là tiếng lòng của đồng bào Raglai. Để “giấc mơ Chapi” không nguội lạnh, vụt tắt, nghệ nhân Ka Tơr Đôi ở xã Phước Chiến, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận cùng với những người con của núi rừng Raglai đã cố gắng hồi sinh cho cây đàn Chapi.
Chapi – Hồn người Raglai

Đặt cây đàn Chapi trước ngực, bên bếp lửa bập bùng, nghệ nhân Ka Tơr Đôi say sưa tấu lên những âm thanh trầm bổng, lúc lại buông lơi như tiếng lòng ông gửi vào tiếng đàn Chapi. Âm thanh dừng lại, ánh mắt ông xa xăm, ký ức ùa về, ông Ka Towrr Đôi kể: Xưa kia, đàn Chapi là món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào Raglai. Hầu như nhà nào cũng có đàn Chapi. Tiếng đàn Chapi luôn ngân vang trong mỗi ngôi nhà, mỗi buôn làng và trên khắp nương rẫy. Những đêm trăng đẹp, trai gái trong làng lại tụ nhau cùng chơi và nghe đàn Chapi. Vào những ngày lễ lớn của buôn làng, tiếng Chapi như không bao giờ dứt. Âm thanh của cây đàn Chapi ngân nga trên vòm trời cao thăm thẳm, vọng xa khắp núi rừng…

Ka Tơr Đôi giới thiệu đàn Chapi cho các bạn trẻ

Giống như bao chàng trai đồng trang lứa dưới chân núi Chơ Prông thời đó, Ka Tơr Đôi từng là chiến sĩ cách mạng, là bộ đội Cụ Hồ tham gia đánh Mỹ trên chiến trường Bác Ái. Những năm tháng cầm súng bảo vệ buôn làng, giữa núi rừng, cận kề sự sống và cái chết, chàng trai trẻ Ka Tơr Đôi vẫn nhớ da diết tiếng đàn Chapi. Khi đất nước thanh bình, mang theo vết thương trên mình, người con của đồng bào Raglai trở về buôn làng và bắt đầu hồi sinh Chapi.

Nghệ nhân Ka Tơr Đôi cảm nhận, dù gắn bó với dân tộc Raglai bao đời nay nhưng tiếng đàn Chapi ở nhiều buôn làng ngày một thưa vắng. Còn đâu những tháng ngày Chapi theo người Raglai lên rừng, lên rẫy để khi buồn, vui cũng bập bùng tiếng đàn. Còn đâu Chapi trong tay những người con trai gảy điệu nhớ thương chờ đợi người yêu bên bờ suối vắng?...

Nỗ lực bảo tồn nhạc cụ truyền thống

Hơn 40 năm qua, nghệ nhân Ka Tơr Đôi cùng với những người con Raglai vẫn chăm lo gìn giữ nhạc cụ truyền thống của cha ông để lại và “gieo ước mơ” cho cây đàn Chapi. Ngoài thời gian lên nương rẫy, Ka Tơr Đôi vẫn miệt mài chế tác nhạc cụ và truyền dạy nhạc cụ này.

Ông không nhớ rõ mình đã làm bao nhiêu chiếc đàn Chapi, chỉ biết đàn của ông treo đầy gian phòng. Nhiều vị khách ghé thăm và tìm hiểu, đặt mua về làm kỷ niệm, cũng có khi được ông tặng như một cách để quảng bá về loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào Raglai.

Chapi hòa tấu cùng dàn nhạc dân tộc “Giấc mơ Chapi”

Nghệ nhân Ka Tơr Đôi chia sẻ, việc chế tác chiếc đàn Chapi khá kỳ công. Phải lên núi cao, chọn được cây tre hoặc lồ ô tròn, vỏ bóng không có vết nứt, đường kính khoảng 8 - 10 cm, cắt mỗi ống dài khoảng 40 cm mang về để trong bóng râm mát từ 10 - 15 ngày cho khô. Sau đó mang ống tre khô gác chái bếp 3 - 4 tháng cho ống tre thật khô, thật dai mới đem ra làm đàn. Người làm đàn dùng cây mác nhọn khéo léo tách cật tre bật lên thành 8 dây, mỗi dây cách nhau khoảng 2 cm. Đặt chốt tre nhỏ ở hai đầu dây nâng cao hơn thân đàn. Vót mảnh tre cật rộng bằng đầu ngón tay cái, khoét rãnh nối từng cặp dây với nhau. Ở hai đầu thân đàn Chapi dùng dây bện chặt để giữ căng dây đàn, rồi dùng dùi lửa khoét thủng hai mắt tre tạo âm vang cho thân đàn. Ông giải thích, sự khác nhau của những người làm đàn là khả năng cân chỉnh cho tiếng đàn Chapi chuẩn và có hồn. Nhìn đơn giản vậy thôi nhưng với mỗi cây đàn người nghệ sĩ đã gửi gắm tâm tình của mình vào đó.

Nghệ nhân Ka Tơr Đôi đang chế tác đàn Chapi

Làm được Chapi đã khó ,song chơi được Chapi còn khó hơn nhiều. Tiếng đàn Chapi như tiếng lòng, tâm tình của người chơi, phải gảy mỗi ngày, đêm thì mới nhớ, để lâu dễ quên. Hiện nay, số đồng bào dân tộc Raglai tỉnh Ninh Thuận làm và đánh đàn Chapi còn rất ít. Có thể kể đến như nghệ nhân Chamaléa Âu xã Ma Nới (Ninh Sơn), nghệ nhân Ka Tơr Đôi xã Phước Chiến (Thuận Bắc) và bà Pupur Thị Phốn ở xã Phước Thành (Bác Ái)… Họ là những người con của núi rừng có chung ước muốn gìn giữ nét văn hóa của đồng bào Raglai đối với cây đàn Chapi mộc mạc. Chính vì vậy, ngoài việc chế tác nhạc cụ Chapi tại nhà, nghệ nhân Ka Tơr Đôi thường xuyên hướng dẫn chế tác và biểu diễn nhạc cụ Chapi cho đồng bào Raglai ở các buôn làng. Bên cạnh đó, ông tích cực tham gia trình diễn nhạc cụ Chapi tại các đại hội, hội diễn trên khắp cả nước khi có cơ hội. Qua đó, ông muốn khơi gợi tình yêu và niềm đam mê cho giới trẻ Raglai với cây đàn Chapi. Trong suốt những năm qua, ông đã truyền dạy cách làm cũng như cách chơi đàn Chapi cho rất nhiều học trò bởi chính họ sẽ là người kế tục ông để gìn giữ nhạc cụ độc đáo của đồng bào Raglai.

Phạm Tiệp