Hội nghị Ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc: Tập trung phát triển chuỗi cung ứng sản phẩm
Sáng nay 23/9, Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị Ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc bàn. Dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An, Cục trưởng Cục Công Thương địa phương Ngô Quang Trung, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Phan Văn Chinh, cùng đại diện cán bộ, chuyên viên các cục của Bộ Công Thương. Về phía tỉnh Thanh Hóa có ông Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, ông Lê Tiến Lam, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Phạm Bá Oai, Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa, cùng đại diện lãnh đạo các Sở Công Thương của 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An, Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương Ngô Quang Trung và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liên chủ trì Hội nghị |
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm cho biết: Khu vực 28 tỉnh, thành phố phía Bắc là khu vực có vị trí địa lý hết sức quan trọng của nước ta; bao gồm toàn bộ 02 vùng kinh tế - xã hội Trung du và miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng và một phần vùng Bắc Trung bộ (gồm 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh); đây cũng là khu vực có “Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc” - một trong 4 vùng kinh tế trọng điểm của cả nước.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm phát biếu tại Hội nghị |
Để phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi tỉnh, phục vụ cho giai đoạn phát triển mới, đòi hỏi trước hết là sự liên kết, hợp tác giữa 28 tỉnh, thành phố trong khu vực. Hội nghị này được Bộ Công Thương tổ chức tại tỉnh Thanh Hóa nhằm tăng cường và thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa các địa phương, tạo cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong hoạt động công tác của ngành Công Thương các tỉnh, thành phố trong khu vực; liên kết hoạt động và hỗ trợ để cùng phát triển, góp phần nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh và khả năng cạnh tranh trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế.
Là một tỉnh nằm ở vị trí “cửa ngõ” của khu vực Bắc Trung Bộ, là “cầu nối” giữa các tỉnh phía Bắc với các tỉnh Bắc trung bộ và các tỉnh phía Nam nước ta; Thanh Hóa có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Năm 2021 và 9 tháng đầu năm 2022, trong bối cảnh chung của cả nước, Thanh Hóa cũng có những thuận lợi và khó khăn riêng.
Những kết quả trên của tỉnh Thanh Hóa luôn có sự đóng góp rất lớn của ngành Công Thương. Toàn tỉnh đã hình thành 01 Khu kinh tế Nghi Sơn, 08 Khu công nghiệp và 40 Cụm công nghiệp. Định hướng quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Thanh Hóa hình thành 02 Khu kinh tế (KKT Nghi Sơn và KKT Cửa khẩu Na Mèo), 19 Khu công nghiệp và 127 Cụm Công nghiệp.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai xuân Liêm nhấn mạnh: "Thanh Hóa là tỉnh có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa với nhiều tiềm năng để phát triển mà Nghị quyết số 58 ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đặt mục tiêu “xây dựng và phát triển Thanh Hoá trở thành tỉnh kiểu mẫu, trở thành một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển”; đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp với định hướng “đưa tỉnh Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung bộ và cả nước về công nghiệp nặng, mà trọng tâm là phát triển công nghiệp năng lượng và chế biến, chế tạo”. Qua Hội nghị này, tỉnh Thanh Hóa rất mong nhận được sự quan tâm của Bộ Công Thương đối với sự phát triển công nghiệp, thương mại của tỉnh; đồng thời, mong muốn được hợp tác có hiệu quả với các tỉnh, thành bạn để cùng phát huy được tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương".
Hội nghị được nghe ông Dương Quốc Trịnh, Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương thay mặt cho Lãnh đạo Sở Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc báo cáo kết quả hoạt động của ngành Công Thương khu vực phía Bắc năm 2021 và 9 tháng đầu năm 2022.
Tiếp đó, Hội nghị nghe ý kiến tham luận của ông Phạm Đức Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên. Tại đây, ông Toàn đã cảm ơn Bộ Công Thương trong thời gian qua đã quan tâm đến tỉnh Điện Biên trong lĩnh vực Bộ quản lý, đồng thời mong muốn những khó khăn của tỉnh Điện Biên sẽ được Bộ quan tâm giúp đỡ phát triển chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản; tháo gỡ khó khăn trong thời gian tới.
Tại Hội nghị, ông Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình kiến nghị một số vấn đề liên quan đến công tác quy hoạch, phát triển công nghiệp phù hợp với địa phương. Kiến nghị Bộ Công Thương cùng các Bộ, Ngành tháo gỡ một số khó khăn trong thông tư, hướng dẫn còn vướng mắc, chồng chéo khiến địa phương còn gặp khó khăn khi triển khai thực hiện các dự án trên địa bàn.
Còn ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La rất đồng thuận với báo cáo của Bộ công Thương tại Hội nghị. Sơn La là tỉnh có diện tích lớn thứ 3 cả nước, tuy nhiên lại là tỉnh có nhiều địa phương khó khăn, đường biên giới giáp Lào khá dài. Sơn La đang tập trung phát triển cây ăn quả, cà phê để hướng tới thị trường xuất khẩu. Hiện nay, tỉnh đang đóng góp 4,96% tổng lượng điện quốc gia. Hiện Sơn La đang xây dựng huyện Mộc Châu chở thành trung tâm du lịch quốc gia. Tại Hội nghị, ông Nguyễn Thanh Công cũng đã kiến nghị Bộ Công Thương quan tâm hỗ trợ Sơn La quy hoạch địa phương; hỗ trợ Sơn La xây dựng chiến lược xây dựng nguồn nước để đảm bảo an ninh nguồn nước; đẩy mạnh chuỗi liên kết để tiêu thụ nông sản...
Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La tham luận tại Hội nghị |
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho hay: Hoạt động sản xuất công nghiệp 8 tháng đầu năm 2022 tiếp tục phục hồi tích cực. Cùng với việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại các Khu, Cụm công nghiệp trên địa bàn, Thành phố đã chủ động triển khai các giải pháp, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp sản xuất và lưu thông hàng hóa. Trong 8 tháng năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng năm 2022 ước tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 6,3%).
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan phát biểu tham luận tại Hội nghị |
Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cũng mong muốn trong thời gian tới tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của Bộ Công Thương để Ngành Công Thương Hà Nội hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Sau khi nghe các ý kiến tham luận, thảo luận của các đại biểu, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết: "Hội nghị ngành Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực khu vực phía Bắc năm 2022 được tiến hành trong bối cảnh cả nước và các địa phương bước sang năm thứ 2 triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025. Các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước và các địa phương về phát triển kinh tế - xã hội bước đầu có những tác động tích cực tình hình kinh tế - xã hội nhìn chung đã có những thành tựu đáng ghi nhận, qua đó tạo đà cho các hoạt động đối với lĩnh vực công thương của chúng ta.
Năm 2021 và 9 tháng đầu năm 2022, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của nước ta nói chung và của ngành Công Thương nói riêng còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng của dịch bện Covid 19, biến động địa chính trị, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, xung đột giữa Nga và Ucraina, hạn hán ở Trung Quốc..., các vấn đề này đã và đang tạo lực cản lớn đối với sự hồi phục kinh tế toàn cầu, tạo nên những căng thẳng mới đối với chuỗi cung ứng và tạo áp lực lạm phát mạnh hơn. Giá các mặt hàng chiến lược, thiết yếu vẫn đứng ở mức cao, nguy cơ mất ổn định an ninh năng lượng và lương thực, biến động kinh tế khó dự báo. Với sự quyết tâm cao, ngành Công Thương khu vực phía Bắc đã nỗ lực phấn đấu, phát huy thành tựu những năm trước, khắc phục khó khăn; chủ động trong công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh cùng với sự cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, đóng góp đáng kể cho tăng trưởng kinh tế của khu vực và cả nước, một số thành tựu nổi bật là: 1. Về sản xuất công nghiệp - Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2021 toàn khu vực đều tăng trên 5% so với mức tăng chung của cả nước (cả nước tăng 4,7%).
Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho hay: Một số địa phương có tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp vào tăng trưởng chung toàn ngành Công Thương, có 5 địa phương xếp trong nhóm 10 tỉnh, thành phố (IIP) đứng đầu cả nước gồm: Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thái Bình. 9 tháng đầu năm 2022, sản xuất công nghiệp trong khu vực tiếp tục tăng trưởng cao so với cùng kỳ; có 21 tỉnh, thành phố có mức tăng trên 11%, cao hơn mức tăng của cả nước (dự kiến cả nước tăng 10,3%) đặc biệt có những địa phương chỉ số sản xuất công nhiệp (IIP) ở mức tăng trưởng trên 30% so với cùng kỳ. Sản lượng các sản phẩm công nghiệp chủ yếu vẫn tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao.
Về xuất nhập khẩu - Tổng kim ngạch xuất khẩu của khu vực phía Bắc năm 2021 đạt 197,31 tỷ USD, tăng 23,2% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng của cả nước (cả nước tăng 19%). Tổng kim ngạch xuất khẩu khu vực phía Bắc 9 tháng 2022 ước đạt 160,87 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cũng đã nêu ra một số hạn chế như: Một số ngành công nghiệp có thế mạnh của khu vực như điện tử, dệt may, da giày, lắp ráp ô tô, xe máy... phụ thuộc nhiều vào linh kiện, phụ tùng nhập khẩu, khiến sản xuất còn bị động, chi phí cao...
Thứ trưởng Đặng Hoàng An nhấn mạnh: "Để đạt được mục tiêu kế hoạch năm 2022, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành kế hoạch 5 năm 2021- 2025 và thi đua thực hiện thắng lợi các mục tiêu chung của toàn ngành Công Thương theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Ngoài các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong báo cáo, đề nghị các địa phương, đặc biệt là các Sở Công Thương quan tâm triển khai một số nội dung như sau:
Thứ trưởng Đặng Hoàng An kết luận Hội nghị |
Một là, tiếp tục tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 01, 02 và Chương trình phục hồi kinh tế. Tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các văn bản cụ thể hóa Nghị quyết, Kế hoạch, Chương trình hành động của Trung ương và địa phương đã ban hành; nhất là các nội dung liên quan đến phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP, Nghị quyết số 11/NQ CP của Chính phủ; Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội và các Chương trình phục hồi kinh tế... để hoàn thành các mục tiêu năm 2022.
Hai là, tập trung hoàn thành trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh, thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và tổ chức triển khai hiệu quả sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thứ trưởng Đặng Hoàng An cùng Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và các đại biểu tham dự Hội nghị chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị. |
Ba là, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tạo điều kiện giải phóng mặt bằng những dự án trọng điểm, cấp bách, tạo thuận lợi trong các thủ tục hành chính của các dự án trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại trên địa bàn. Tiếp tục theo dõi, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm của quốc gia, của địa phương, đảm bảo chất lượng và tiến độ quy định; tiếp tục kêu gọi các dự án phát triển công nghiệp có giá trị cao.
Tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp phục hồi phát triển sản xuất kinh doanh. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, xuất khẩu, kích cầu, kết nối tiêu thụ hàng hóa. Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, thực hiện chuyển đổi số, phát triển sản xuất thông minh... nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng liên kết, hội nhập và phát triển. Quan tâm hỗ trợ phát triển các làng nghề tiểu thủ công nghiệp gắn với phát triển du lịch.
Bốn là, tập trung ưu tiên cao cho các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định cung cầu, giá cả.Theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong điều hành giá để kiểm soát giá cả hàng hóa đầu vào, tăng cường kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn các hoạt động găm hàng, đầu cơ, thao túng giá.
Triển khai Chương trình bình ổn thị trường nhằm ổn định cung - cầu, giá cả trên từng địa bàn. Chú trọng đầu tư hiện đại hóa hệ thống phân phối ở vùng nông thôn, miền núi để đẩy mạnh đưa hàng Việt về nông thôn; phối hợp với Bộ Công Thương kiểm soát hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu để tạo điều kiện cho hàng Việt phát triển trên thị trường nội địa. Đẩy mạnh triển khai các hoạt động kích cầu tiêu dùng trên môi trường số, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử để phân phối và tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa.
Cuối cùng, Thứ trưởng Đặng Hoàng An cũng mong muốn: Để tiếp tục phát triển mối quan hệ gắn bó trong ngành Công Thương từ Trung ương với các địa phương nhằm tăng cường công tác hỗ trợ, phối hợp và thúc đẩy mọi hoạt động của nghành Công Thương đối với các tỉnh, thành phố trong khu vực, Bộ Công Thương đồng ý với đề nghị của các Sở Công Thương về việc giao Sở Công Thương Quảng Ninh đăng cai, phối hợp với Cục Công Thương địa phương tổ chức Hội nghị ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc năm 2023 tại tỉnh Quảng Ninh.