Thứ hai 25/11/2024 10:39

Hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ ngành Công Thương bám sát thực tiễn vì mục tiêu chất lượng và hiệu quả

Trong suốt 35 năm đổi mới, Đảng ta luôn coi trọng vai trò của khoa học và công nghệ (KH&CN) trong phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Thực tế cho thấy, những thành tựu của KH&CN đã góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển vượt bậc trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, giúp gia tăng của cải vật chất, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm cường độ lao động, giảm chi phí và giá thành sản phẩm, tạo ra nhiều sản phẩm mới có chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, đồng thời cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Vai trò của KH&CN và đổi mới sáng tạo tiếp tục được khẳng định và làm sâu sắc hơn trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và được thể hiện xuyên suốt trong các mục tiêu của Kế hoạch hành động quốc gia, là công cụ then chốt trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, giải quyết các thách thức trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội.

Đối với ngành Công Thương, trong thời gian qua, việc cụ thể hóa, thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về KH&CN đã được triển khai một cách tích cực và toàn diện. Ban cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Công Thương đã ban hành Kế hoạch hành động số 04-KH/BCSĐ ngày 23 tháng 3 năm 2018 thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW; Kế hoạch số 15-KH/BCSĐ ngày 28 tháng 4 năm 2020 thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW, Kế hoạch số 16/KH-BCSĐ ngày 13 tháng 5 năm 2020 thực hiện Kết luận số 50-KL/TW, Kế hoạch số 18/KH-BCSĐ ngày 10 tháng 11 năm 2020 thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW,… đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ triển khai thực hiện. Theo đó, trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương, các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm được triển khai thực hiện đồng bộ: từ hoàn thiện cơ chế chính sách, tái cơ cấu các tổ chức KHCN, tăng cường đầu tư cho KH&CN, chú trọng phát triển nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế và truyền thông. Đây là những định hướng hết sức quan trọng để các đơn vị trong ngành Công Thương bám sát các giải pháp, nhiệm vụ trong quá trình triển khai hoạt động KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng, đổi mới công nghệ trong ngành Công Thương đã có những bước điều chỉnh nhanh chóng về định hướng cũng như cách thức tổ chức thực hiện, gắn với nhu cầu của doanh nghiệp; hướng tới tiếp thu và làm chủ các công nghệ tiên tiến của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Công tác quản lý nhà nước về hoạt động KH&CN được đổi mới, hoàn thiện theo hướng thực chất, hiệu quả; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình tổ chức, giám sát thực hiện; tạo môi trường thuận lợi và cạnh tranh lành mạnh trong nghiên cứu, sáng tạo. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về KH&CN ngành Công Thương thường xuyên được rà soát, sửa đổi, bổ sung để phù hợp hơn với yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương tiếp tục rà soát, sắp xếp lại hệ thống các tổ chức KH&CN trực thuộc Bộ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, gắn với yêu cầu phát triển ngành và doanh nghiệp; khuyến khích các đơn vị thành lập doanh nghiệp KH&CN trực thuộc; tạo cơ chế chủ động tìm kiếm thị trường, thực hiện nhiều hợp đồng nghiên cứu, dịch vụ tư vấn cho doanh nghiệp trong ngành, qua đó tăng cường tính gắn kết giữa tổ chức KH&CN và doanh nghiệp.

Với phương châm “KH&CN phải gắn với thực tiễn, xuất phát từ nhu cầu của thực tiễn và quay trở lại giải quyết hiệu quả các vấn đề của thực tiễn, trên nền tảng KH&CN hiện đại”, các nhiệm vụ KH&CN do Bộ Công Thương quản lý và tổ chức thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, định hướng rõ ràng, đóng vai trò là đòn bẩy quan trọng khuyến khích hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo tại các doanh nghiệp. Các nghiên cứu tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ, quản trị sản xuất, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị để tạo ra sản phẩm, hàng hóa mang nhãn hiệu Việt Nam, có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao trên thị trường, nâng cao năng suất, chất lượng. Nhờ đó, đã thúc đẩy sự tham gia mạnh mẽ, có hiệu quả của khối doanh nghiệp, được minh chứng thông qua tỷ lệ nguồn vốn đối ứng của các đơn vị tham gia nhiệm vụ KH&CN, đặc biệt là từ các doanh nghiệp được ứng dụng, chuyển giao công nghệ ngày càng tăng. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đã thành lập Quỹ phát triển KH&CN để đẩy mạnh các hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo; tăng cường tiềm lực KH&CN thông qua đầu tư chiều sâu, tăng cường trang thiết bị và đào tạo nguồn nhân lực KH&CN.

Nhờ những tiến bộ trong cơ chế quản lý, tăng cường đầu tư cho tiềm lực và trình độ KH&CN, lực lượng KH&CN đã đồng hành cùng doanh nghiệp ngành Công Thương để bám sát thực tiễn, đóng góp ngày càng thiết thực hơn cho yêu cầu hiện thực hóa mục tiêu phát triển ngành. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học, sản phẩm ứng dụng đã đạt được những giải thưởng cao, có ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội cũng như tạo lập vị thế về khoa học của Việt Nam trong khu vực và quốc tế, góp phần phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Một số thành tựu tiêu biểu như:

Một là trong lĩnh vực năng lượng điện: Trên cơ sở triển khai các nhiệm vụ KH&CN, các doanh nghiệp ngành điện đã đầu tư đưa vào áp dụng nhiều công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại, qua đó: nâng công suất tổ máy phát điện đạt 600-660 MW; hệ thống truyền tải không ngừng mở rộng với nhiều đường dây và TBA có cấp điện áp 500 kV, các TBA có công nghệ cách điện bằng khí; chế tạo thành công máy biến áp truyền tải 110 ÷ 500 kV giúp ngành điện chủ động về nguồn cung; hiện nay 43% số máy biến áp trên hệ thống lưới điện của EVN được sản xuất trong nước.

Hai là trong lĩnh vực thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí: cùng với các đơn vị nghiên cứu, tư vấn trong nước, doanh nghiệp dầu khí Việt Nam đã ứng dụng và làm chủ nhiều công nghệ mới, tiên tiến nhất của thế giới, như: các công nghệ khoan hiện đại áp dụng tại các mỏ Bạch Hổ, Rạng Đông, Sư Tử Đen; công nghệ khai thác dầu trong đá móng Granitoid áp dụng tại các mỏ thuộc bể Cửu Long...; công nghệ làm lạnh sâu dòng khí nguyên liệu (Turbo Expender) giúp nâng cao hiệu suất thu hồi lỏng tại nhà máy xử lý khí; công nghệ CNG nén khí khô vào các bình chứa cao áp; công nghệ nhập, xuất và tồn chứa LPG lạnh... đem lại sự phát triển mạnh mẽ cho ngành; đặc biệt, đã nghiên cứu, chế tạo và triển khai thành công giàn khoan tự nâng 90m nước,... mang lại hiệu quả kinh tế và ý nghĩa mang tầm khu vực và thế giới.

Ba là trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản: việc nghiên cứu, đầu tư đổi mới công nghệ, áp dụng khấu than bằng máy, chống giữ bằng giàn chống tự hành, đào lò bằng máy đào lò liên hợp, chống lò bằng các loại vì neo tiên tiến,... đã góp phần tăng sản lượng toàn ngành than bình quân 9,4%/năm, đặc biệt là tỷ trọng tham gia sản lượng bằng các công nghệ cơ giới hóa trong khai thác than hầm lò đã tăng nhanh từ 3,3% năm 2010 lên 16,3% năm 2020.

Bốn là trong lĩnh vực cơ khí chế tạo: Các kết quả nghiên cứu, ứng dụng giúp nội địa hóa nhiều dây chuyền thiết bị công nghiệp thay thế hàng nhập ngoại, mang lại hiệu quả kinh tế cho cả đơn vị chế tạo và doanh nghiệp sản xuất, tiêu biểu như: Các công trình nghiên cứu thiết kế, chế tạo máy móc và thiết bị công nghiệp, nội địa hóa thiết bị, phụ tùng cho nhiều ngành công nghiệp, như: xi măng, hóa chất, nhiệt điện than, thủy điện, dầu khí, khai khoáng, vật liệu xây dựng,... mang lại hiệu quả cao cho cả doanh nghiệp sản xuất và đơn vị chế tạo, được đánh giá cao như: công trình “Nghiên cứu, thiết kế ứng dụng vòi phun đốt than bột dạng UD cho lò hơi Nhà máy nhiệt điện Ninh Bình” đã được giải nhất giải thưởng sáng tạo KH&CN Việt Nam (VIFOTEC); hệ thống bốc dỡ, vận chuyển than cho nhà máy nhiệt điện đốt than có công suất tổ máy đến khoảng 600 MW đã đưa vào vận hành thành công tại nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1, mang lại hợp đồng kinh tế ~1.184 tỷ đồng cho đơn vị nghiên cứu, mở ra hướng phát triển mới cho ngành cơ khí chế tạo trong nước; Hệ thống băng tải vận chuyển quặng bauxite cho Nhà máy alumin Lâm Đồng và Nhân Cơ.

Năm là trong lĩnh vực hóa dược: hoạt động KH&CN đã mang lại những giá trị thiết thực với nhiều sản phẩm là kết quả nghiên cứu được thương mại hóa, như: viên nang mềm hoạt huyết dưỡng não Cebraton (Công ty Traphaco); sản phẩm thuốc an thần ASAKOYA điều trị mất ngủ (Công ty Dược phẩm Mediplantex); chế phẩm phòng chống khối u từ cây hoàn ngọc; sản phẩm dầu gấc (Công ty Vimedimex),… có chất lượng tương đương hàng nhập khẩu và giá cả cạnh tranh.

Sáu là trong lĩnh vực công nghệ sinh học: Các kết quả nghiên cứu trong giai đoạn này đã tiếp cận, làm chủ và phát triển các công nghệ sinh học hiện đại để tạo ra các chủng vi sinh mới có chất lượng tốt, hiệu suất lên men cao và ổn định trong sản xuất ở quy mô vừa và nhỏ; sản xuất và ứng dụng các loại enzyme (bao gồm cả enzyme tái tổ hợp) phục vụ nhu cầu phát triển công nghiệp chế biến.

Với những kết quả đã đạt được, KH&CN ngày càng khẳng định vai trò “bà đỡ” cho các doanh nghiệp ngành Công Thương. Trong giai đoạn tới, trước yêu cầu mới về tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, những thách thức mới từ bối cảnh quốc tế, trong nước và khu vực, việc tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động KH&CN trong ngành Công Thương là cần thiết để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Trong đó, cần chú trọng thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Thứ nhất, phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo gắn với quá trình tái cơ cấu ngành Công Thương, thực hiện mục tiêu phát triển ngành, lĩnh vực cụ thể trong giai đoạn 2021 - 2030; tập trung nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ, nâng cấp công nghệ cho doanh nghiệp; tạo nền tảng vững chắc giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh; từng bước dịch chuyển nền sản xuất trong nước sang các khâu có trình độ công nghệ phức tạp, giá trị gia tăng cao; từ đó tận dụng tốt các cơ hội tiếp cận thị trường từ các hiệp định thương mại, nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu. Tập trung xây dựng và triển khai các chương trình KH&CN trọng điểm của Bộ gắn với phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, mũi nhọn, đáp ứng nhu cầu về tư liệu sản xuất cơ bản của nền kinh tế. Đặc biệt, ưu tiên triển khai hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp ngành Công Thương ứng dụng công nghệ mới của cuộc CMCN 4.0 và thực hiện chuyển đổi số.

Thứ hai, thúc đẩy hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp. Cơ quan quản lý sẽ đóng vai trò kết nối, hướng dẫn, hỗ trợ, thiết lập các yếu tố nền tảng cho quá trình đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. Triển khai kết nối các chương trình KH&CN trọng điểm của Bộ với hoạt động KH&CN của doanh nghiệp trong ngành.

Thứ ba, xây dựng, phát huy tiềm lực của các tổ chức KH&CN; khai thác và phát huy hiệu quả hoạt động của các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia của ngành; nâng cao hiệu quả, chất lượng của hoạt động nghiên cứu, tư vấn và chuyển giao công nghệ của các tổ chức KH&CN công lập; đồng thời, khuyến khích nhập khẩu và chuyển giao công nghệ tiên tiến của thế giới, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chuyển giao công nghệ, đặc biệt là từ các nước phát triển; huy động sự tham gia của các doanh nghiệp KH&CN, đơn vị nghiên cứu, tư vấn trong nước và nước ngoài có thế mạnh, dẫn đầu về lĩnh vực KH&CN với mục tiêu hình thành một hệ sinh thái đa dạng, linh hoạt, kết nối chặt chẽ, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động KH&CN trong các doanh nghiệp ngành Công Thương.

Thứ tư, đổi mới mạnh mẽ công tác quản lý, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo ngành Công Thương theo hướng hiện đại, tập trung vào kết quả thông qua việc đổi mới quy định về quản lý, đơn giản hóa quy trình thực hiện, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao tính thống nhất, minh bạch; tạo thuận lợi và khuyến khích sự tham gia của các cá nhân, tổ chức vào hoạt động KH&CN của ngành, đặc biệt là các doanh nghiệp; đẩy mạnh thực hiện cơ chế nhà nước đặt hàng.

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị tập trung thực hiện tốt các giải pháp nêu trên, để qua đó tạo lập các động lực tăng trưởng mới trong ngành Công Thương dựa trên KH&CN và đổi mới sáng tạo; tạo điều kiện khai thác tối đa, tận dụng tốt nhất cơ hội đến từ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay nhằm thực hiện công nghiệp hóa, phát triển nhanh và bền vững; góp phần thực hiện mục tiêu được Đảng và Nhà nước đã đề ra trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025./.

Ban Chỉ đạo 35 Bộ Công Thương
Bài viết cùng chủ đề: Vụ Khoa học và Công nghệ

Tin cùng chuyên mục

Doanh nghiệp dệt may phát huy sức sáng tạo của người lao động

Câu lạc bộ Máu nóng Gia Lai: 7 năm làm cầu nối trao đi những 'giọt hồng' yêu thương

Giải pháp để ngành Công Thương tiến nhanh trên hành trình chuyển đổi số

“Cấm” thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng: Có khả thi?

Bộ Công Thương làm việc cùng Hội đồng ngũ cốc Hoa Kỳ về hợp tác phát triển nhiên liệu sinh học

Nhà giáo trong kỷ nguyên số cần biến thách thức thành cơ hội để ngành giáo dục vươn mình

Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Công Thương Trung ương tổ chức Lễ kỷ niệm truyền thống 50 năm

Gia Lai: Hỗ trợ cô giáo nghèo vượt qua gia cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống

Tiếp tục đề xuất giảm 2% thuế: Trợ lực 'tiếp sức' cho doanh nghiệp, kích cầu nền kinh tế

Bí quyết ‘cơ động’ của thầy Cường ‘động cơ’

Bộ Công Thương ban hành công điện về việc chủ động ứng phó với bão số 9 (bão Man-yi)

Từ thông điệp chống lãng phí của Tổng Bí thư suy ngẫm về việc xử lý thành công các dự án tồn đọng

Tặng quà nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam: Tôn vinh thực sự hay áp lực hình thức?

Khu thương mại tự do Đà Nẵng: Đâu là lời giải cho "bài toán" thu hút đầu tư?

TP. Hồ Chí Minh: Tiệm mì 0 đồng lan tỏa yêu thương của những chàng trai Hóc Môn

Trách nhiệm thi hành Thông tư quy định về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ

Giải ngân vốn đầu tư công bứt tốc cuối năm để về đích

Bộ Công Thương ban hành Thông tư về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ

Bộ Công Thương đề xuất nghiên cứu đầu mối quản lý về công nghiệp thực phẩm

Bộ Công Thương rà soát, đánh giá kết quả thực hiện lộ trình phối trộn nhiên liệu sinh học