Hoạt động của công đoàn cơ sở còn lúng túng, kém hiệu quả
Thảo luận về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 7, đại biểu Nguyễn Phi Thường – Đoàn Hà Nội cơ bản nhất trí với kết cấu nội dung và bố cục của dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi). Tuy nhiên, ông cũng đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu cần dành 1 “Mục” riêng để quy định về trách nhiệm và quyền hạn của công đoàn cơ sở (Chương II).
Công đoàn cơ sở có mạnh thì mới bảo vệ được quyền lợi người lao động |
Trên thực tế, công đoàn cơ sở có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong hoạt động của hệ thống công đoàn; là nơi trực tiếp triển khai, cụ thể hóa các nghị quyết, chức năng, nhiệm vụ của công đoàn. Công đoàn cơ sở có mạnh thì tổ chức công đoàn mới mạnh nhưng thời gian qua, hoạt động của không ít công đoàn cơ sở còn lúng túng, kém hiệu quả. Vì thế, vị thế, tiếng nói của công đoàn trong doanh nghiệp còn mờ nhạt; năng lực thương lượng, đối thoại và đại diện, bảo vệ của công đoàn cơ sở còn yếu.
Những tồn tại, hạn chế đó do nhiều nguyên nhân, “trong đó có nguyên nhân chúng ta chưa có một quy định pháp luật cụ thể, rõ ràng cho công đoàn cơ sở. Đây không chỉ là định chế pháp luật đơn thuần mà đối với công đoàn cơ sở còn là những định hướng, dẫn dắt, tạo thuận lợi trong triển khai, áp dụng. Việc quy định chung chung quyền, trách nhiệm cho tất cả các cấp công đoàn và các loại hình công đoàn cơ sở như trong dự thảo Luật là chưa hợp lý và chưa khoa học”, ông Thường nhấn mạnh.
Cùng bàn về vai trò, vị trí của công đoàn cơ sở, có ý kiến ví von "công đoàn cơ sở như một cậu bé tý hon nhưng đang phải khoác trên mình một cái áo quá lớn"; lúng túng và bất lực; cán bộ công đoàn cơ sở đều hưởng lương từ doanh nghiệp, luôn chịu sức ép từ người sử dụng lao động, điều này rất khó tạo ra sự bình đẳng trong hoạt động.
Do vậy, để công đoàn cơ sở phát huy tốt hơn vai trò của mình thì cần cho công đoàn một cơ chế để thực thi được các quyền và trách nhiệm đó; cần phải có chương riêng, mục riêng cho công đoàn cơ sở. Theo đó, ban soạn thảo cũng nên tách riêng trách nhiệm, quyền hạn của công đoàn cơ sở ở hai khu vực Công và Tư. Vì công đoàn ở khu vực Công hiện nay rất lớn, cả về số lượng cơ sở và số đoàn viên, có địa phương số đoàn viên là công chức viên chức chiếm trên 70%. Trong khi đó, mỗi loại hình công đoàn ở các khu vực này đều có những đặc thù, trách nhiệm, quyền hạn khác nhau.
Bên cạnh đó, cũng có những băn khoăn về quyền của tổ chức công đoàn đối với việc tham gia kiểm tra, thanh tra hoạt động cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Cụ thể, tại khoản 1, Điều 15 dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) có đề cập: “Công đoàn tham gia phải phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để kiểm tra, thanh tra”, nhiều ý kiến góp ý, chỉ nên phối hợp và tham gia chứ không nên dùng từ "phải phối hợp".
Điều này dễ dẫn đến hiểu sai và có thể sẽ có những phản ứng tranh chấp khác nếu như liên quan đến vấn đề quan hệ lao động, nhất là việc cho phép tổ chức công đoàn có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp thông tin, tài liệu, giải trình vấn đề liên quan. Tương tự với vấn đề khi giám sát, cũng chỉ nên đề xuất phối hợp chứ không thể là quyền áp đặt phải cân nhắc đến việc yêu cầu hoặc là định đoàn.
Thực tế, quan hệ của tổ chức công đoàn với chủ doanh nghiệp là quan hệ phối hợp, đó là nguyên tắc tối cao của bất kỳ tổ chức công đoàn nào, được thể chế bằng luật cũng quy định trong Bộ luật lao động. Thế nhưng, nếu cho phép tổ chức công đoàn có quyền kiểm tra, thanh tra thì phải hết sức cân nhắc.
Một lần nữa, đại biểu Nguyễn Phi Thường nhấn mạnh "cần thiết phải cụ thể hóa cơ chế này bằng pháp luật để công đoàn “Độc lập” hơn với người sử dụng lao động; trước hết là độc lập về tổ chức, chủ động về tài chính và có một chính sách bảo vệ cán bộ công đoàn hữu hiệu".
Trên cơ sở kế thừa Luật Công đoàn 2012, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) gồm 6 chương, 36 điều (sửa đổi, bổ sung 32 điều; thêm mới 4 điều), bỏ 1 điều so với Luật Công đoàn 2012.
Ông Nguyễn Đình Khang - Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - cho biết: Luật Công đoàn (sửa đổi) được xây dựng trên quan điểm phù hợp với Hiến pháp 2013, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật hiện hành; quán triệt và thể chế hoá sâu sắc các quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng liên quan đến việc xây dựng, phát triển đất nước; Đảng lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối tổ chức công đoàn; kế thừa và giữ nguyên những nội dung đã khẳng định được tính hợp lý, ổn định, hiệu quả; tập trung sửa đổi, bổ sung những nội dung liên quan đến tổ chức bộ máy, tài chính công đoàn phù hợp với thể chế chính trị và yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ở nước ta.