Thứ sáu 27/12/2024 03:48

Hoài niệm Tết quê tôi!

Dù vẫn duy trì và có thể nâng lên thành một lễ hội truyền thống đặc biệt nhưng Tết của những ngày xưa ở quê tôi đã khác so với ngày nay vì nhiều lẽ.

Có lẽ với những người sinh ra ở các vùng nông thôn miền Bắc từ năm 80-90 trở về trước đều có chung một hoài niệm về Tết cổ truyền của dân tộc với những kỷ niệm không bao giờ quên. Những cái Tết nghèo nhưng rất đầm ấm, mộc mạc, thân thương. Tết ở quê tôi (Điền Xá, Nam Trực, Nam Định) cũng vậy.

Giai đoạn từ năm 1990 trở về trước, đa số các vùng quê còn rất nghèo, thậm chí có vùng còn chạy ăn từng bữa, cơm không đủ no, áo không đủ mặc. Nghề duy nhất để có cái ăn, cái mặc chính là nghề nông. Làng nào có thêm nghề truyền thống thì khấm khá hơn.

Mặc dù năm 1986, đất nước thực hiện cơ chế “đổi mới” nhưng thường chậm nên đa phần cuộc sống của người dân vẫn khốn khó. Quê tôi có nghề làm "mành mành" và trồng đào quất (thời điểm đó) nên kinh tế của làng cũng khá hơn nhưng tựu chung vẫn nghèo. Chính vì thế, đối với mọi người, nhất là trẻ con như tôi, Tết là một dịp đặc biệt.

Từ sau ngày rằm tháng Chạp (tháng 12 âm lịch) đến tận đêm 30 Tết, không khí chộn rộn, người lớn trở nên bận rộn hơn với mong muốn gói gém tất cả công việc, nợ nần của năm cũ; sơn sửa, trang trí nhà cửa, dựng cây nêu …để đón chào năm mới. Mang quất, đào đi khắp nơi để bán lấy tiền lo Tết.

Chợ quê ngày Tết (Ảnh Infonet)

Mọi người bỏ tiền tích cóp cả năm hoặc tiền kiếm được trong dịp giáp Tết đi mua sắm thực phẩm, đồ dùng thiết yếu cho ngày Tết như lá dong, gạo nếp, đỗ xanh để gói bánh chưng; rau củ quả như xu hào, cà rốt, khoai tây, hành củ, rau mùi để tích trữ vì chợ chỉ họp theo phiên chứ không như bây giờ; mua pháo nổ, đồ trang trí, bánh kẹo (mứt tết, bánh khảo, trứng chim...); hay cho trẻ con đi may quần áo mới từ loại vải mua trong năm; dựng cây nêu; bàn chung nhau “đụng lợn” lấy thực phẩm ăn dần…

Ngày xưa, ở quê tôi, các gia đình có nhiều con cái và mối quan hệ họ hàng dường như cũng khăng khít hơn nên hầu như nhà nào cũng gói bánh chưng hoặc gửi nhờ làm dăm ba cặp để dâng cúng tổ tiên, để đi chúc Tết và ăn. Vì gói nhiều nên phải dùng cái nồi chuyên dụng (thường gọi là cái nồi liên xô) có thể để cả chục cặp bánh – loại nồi này chỉ dùng dăm ba lần trong năm (luộc bánh, hoặc đun nước) và trong làng rất ít người có.

Nấu bánh chưng ngày Tết (Ảnh tư liệu)

Bánh chưng thường được gói sau khi “đụng lợn”. Có người gói bánh sớm trước ngày ông Công ông Táo, nhưng đa phần các gia đình sẽ làm sau ngày đó đến trước đêm giao thừa. Gia đình tôi thường gói bánh chưng muộn. Bố tôi thường làm cái vòng rơm đặt lên miệng nồi bánh chưng, bên trên đặt cái chậu nước loại to (cũng của Liên Xô), bên trong có những bó mùi già, dùng nước ấy để tắm gọi là “tẩy trần” cho sạch sẽ thơm tho. Điểm đặc biệt khi gói bánh chưng bao giờ cũng để thừa ít nguyên liệu để làm cái bánh nhỏ gọi là “mụi” ăn thử, khi chín sau 12-13 tiếng ninh sẽ lấy bánh ra đặt trên mặt phẳng, dùng tấm gỗ phẳng đặt lên trên để ép cho phẳng phiu, khô ráo trước khi đặt lên bàn thờ. Thường đi chúc Tết họ hàng, người ta phải tết cả cặp.

Bánh chưng ăn suốt trong mấy ngày Tết, nhiều nhà còn thừa để dành đến tận rằm tháng Giêng. Vì không có tủ lạnh như bây giờ nên cách cất trữ bánh trưng cũng rất độc đáo. Nhà nào có giếng khơi thì cho vào nồi thả xuống đó hoặc nếu bị “lại gạo” sẽ cho luộc lên trước khi ăn.

Chia phần thịt lợn (Ảnh tư liệu)

Một ký ức vui khác đối với cả người lớn và trẻ con ở các vùng quê miền Bắc là tục “đụng lợn”, nghĩa là mấy nhà anh em họ hàng hoặc cùng chòm xóm cùng chung nhau thịt một con lợn chia nhau làm thực phẩm ăn Tết. Trong thời buổi kinh tế khó khăn “đụng lợn” khá phổ biến vì vừa tiết kiệm được tiền mua thịt, vừa có đầy đủ các phần của con lợn như thủ, các loại xương sườn, lòng, thịt nạc-mỡ, thậm chí cả đến nước luộc lòng (còn gọi là nước xuýt).

Ngày tập trung đông, làng trên lối xóm, tiếng lợn kêu eng éc, không khí khá vui cả từ trong nhà đến bến sông. Mỗi người một việc. Phụ nữ thì nấu nước nóng, luộc lòng; đàn ông, thanh niên thì bắt lợn để chọc tiết, đánh tiết canh, pha thịt; trẻ con có thể phụ giúp hái lá xông xông, mùi tàu và các loại rau khác để làm dồi lợn và đợi chờ được cái đuôi sau khi luộc chín hoặc bát cháo lòng cuối buổi.

Sau khi chia các phần đều nhau, người ta mang về làm cơm cúng Tất niên. Phần thịt được chia có thể pha ra làm bánh chưng, nấu đông, gói giò, làm nem…hoặc phần mỡ chưng lên để dành xào nấu những ngày sau đó.

Tết xưa ở vùng quê nghèo (Ảnh tư liệu)

Ngày và đêm 30 là một đêm thật đặc biệt với người lớn, trẻ con vì theo quan niệm sau 00 giờ, mỗi người được thêm tuổi mới. Cũng trong ngày này, mọi người đều quây quần bên nhau, xử lý nốt công việc còn lại và làm cơm cúng đón ông Công ông Táo và Lễ Gia tiên, cùng nhau ăn bữa cơm để chờ đón năm mới. Ông bà hoặc bố mẹ sẽ dặn dò con cháu tục lệ cũ và những điều kiêng kị ngày Tết như không chạy sang nhà ai trước người xông nhà, tránh đổ vỡ đồ đạc hoặc to tiếng với nhau; rác trong 3 ngày tết không được đổ đi….Trước khi cúng, đàn ông trong nhà sẽ đi tạ mộ, thắp hương hoa quả, mời Tổ tiên, những người đã khuất về nhà ăn Tết. Đối với những người mới mất, gia đình sẽ làm đèn mồ.

Ngày xưa chưa có điện, trời dường như tối hơn bây giờ, sau 9-10 h không còn người ngoài đường, ngoại trừ những người đi xin lửa thánh ở các đền, miếu. Tại đây, các cụ già trong làng sẽ tập trung đông đủ cúng tế, cầu mong thần linh, thành hoàng làng phù hộ cho người dân một năm may mắn, no đủ. Đúng thời khác giao thừa (12h đêm), chủ nhang sẽ mang lửa từ đền, miếu để các nhà lấy lửa mang về gia đình. Những người đi lấy lửa thánh cũng được lựa chọn hợp tuổi với chủ nhà vì họ là người xông đất, xông nhà đầu tiên.

Đêm 30, pháo nổ rầm trời, rực sáng, đâu đâu cũng nghe tiếng pháo, mùi thơm lan toả. Nhà có điều kiện sẽ đốt nhiều, nhà khó khăn đốt ít nhưng nhất định phải có. Nhiều nhà trong món quà chúc Tết đầu năm, còn để một bánh pháo để biếu hoặc sẽ đốt luôn khi vào nhà.

***

Không biết từ bao giờ nhưng ngày trước, quê tôi vẫn giữ phong tục chúc Tết theo thứ tự: Mồng một tết cha, mồng 2 tết mẹ, mồng 3 tết thầy.

Theo quan niệm xưa, cha là bên nội, mẹ là bên ngoại, có nghĩa là vào mồng một Tết, anh chị em ruột sẽ về bên nội, mồng hai là về bên ngoại, để thăm hỏi, chúc tụng, bày tỏ lòng thành kính, biết ơn công lao dưỡng dục. Đến mồng ba sẽ đi thăm thầy cô giáo để bày tỏ lòng biết ơn và kính trọng “tôn sư, trọng đạo” đối với thầy cô của mình.

Sau khi cúng gia tiên, con cháu sẽ ra mừng tuổi ông bà, cha mẹ. Ông bà, cha mẹ sẽ mừng tuổi cho con cháu mỗi đứa một vài trăm đồng hoặc 1-2 nghìn đồng.

Ông bà sẽ mừng tuổi cho con cháu

Vào ngày mồng một Tết, con cháu thường dậy sớm, sửa soạn quần áo đẹp, chuẩn bị mâm ngũ quả, bánh chưng, bánh tét,... để đi chúc Tết. Vì đông con, cháu nên đi chúc Tết thường theo đoàn, gặp nhau ngoài đường 2 bên chúc đi chúc lại vui vẻ lắm.

Trong các ngày Tết, đến nhà nào cũng bê mâm cơm ra mời nhau, dù rất no nhưng vẫn phải ăn để cho đỡ “dông” cả năm. Trong mâm cơm ngoài món thịt, bao giờ cũng có món giò mỡ, dưa hành muối và bánh chưng.

Trẻ con háo hức vì được mặc quần áo đẹp và nhận tiền mừng tuổi, đôi khi quà mừng tuổi chỉ là mấy bánh pháo tép (loại pháo rất nhỏ).

Ở quê tôi, còn có tục lệ chúc Thọ cho các cụ từ 70 tuổi trở lên vào ngày mồng 4 Tết. Vào ngày đó, làng sẽ tổ chức lễ chung tại Đình làng. Con cháu trong gia đình đưa ông/bà, bố mẹ ra Đình làng nhận khăn đỏ do Hội người cao tuổi phát (sau này có thêm áo, giấy chứng nhận, có chương trình văn nghệ chào mừng và các lễ nghi khác).

***

Cuộc sống giờ đây đã đổi thay quá nhiều theo chiều hướng tốt lên, dẫn đến Tết cũng thay đổi cho phù hợp, không còn quá câu nệ lễ nghi, kiêng kị. Âu cũng là lẽ đương nhiên. Nhưng dù vậy, Tết cổ truyền vẫn được gìn giữ và có thể trở thành một lễ hội đặc biệt mang tính văn hoá truyền thống của dân tộc Việt.

Và Tết vẫn là dịp để những người đi xa trở về quây quần bên gia đình, để mọi người hướng về nguồn cội, không quên đi gốc gác của mình. Hoặc ít ra cũng là dịp để tìm trong hành trang của đời, ôn lại những ký ức tuổi thơ một thời nghèo khó nhưng ấm áp tình người.

Nguyên Vũ
Bài viết cùng chủ đề: Tết dân tộc

Tin cùng chuyên mục

Hải Phòng: Xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị UNESCO vinh danh Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm

Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025: Ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động lễ hội

Lịch thi đấu bóng đá hôm nay 26/12, rạng sáng 27/12: Singapore đấu với Việt Nam tại AFF Cup 2024

50 lời chúc năm mới 2025 ấn tượng, ý nghĩa nhất

Nhận định bóng đá, dự đoán tỷ số Man City và Everton, 19h30 ngày 26/12, vòng 18 Ngoại hạng Anh

Lịch thi đấu Ngoại hạng Anh vòng 18: Man City đấu với Everton, MU gặp Wolves

Khai trương tàu La Reine tại Đà Lạt: Trải nghiệm du lịch đặc sắc và thú vị

Khai mạc lễ hội hoa hướng dương với chuỗi sự kiện lớn nhất trong năm tại Van Phuc City

Việt Nam bám sát khuyến nghị của UNESCO trong công tác bảo vệ Vịnh Hạ Long

Nhận định bóng đá, dự đoán tỷ số Singapore và Việt Nam, 20h00 ngày 26/12, bán kết AFF Cup 2024

Soi sức mạnh đối thủ của đội tuyển Việt Nam tại bán kết AFF Cup 2024

Lịch thi đấu bóng đá hôm nay 23/12, rạng sáng 24/12: Inter Milan đấu với Calcio Como tại Serie A 2024/2025

Kích cầu du lịch từ các tour, tuyến mới cho đồng bào dân tộc và miền núi Cao Bằng

Lịch thi đấu bóng đá hôm nay 22/12, rạng sáng 23/12: Rực lửa đại chiến Tottenham và Liverpool tại Ngoại hạng Anh

Nhận định bóng đá, dự đoán tỷ số Everton và Chelsea, 21h00 ngày 22/12, Ngoại hạng Anh

Thủ tướng chia vui, chúc mừng chiến thắng của đội tuyển Việt Nam

Kết quả trận Việt Nam và Myanmar tại AFF Cup 2024: Hiệu ứng Xuân Son, chủ nhà đại thắng

Hải Phòng: 71 tác phẩm nghệ thuật độc đáo tại triển lãm mỹ thuật “Nắng và Lắng”

Triển lãm mỹ thuật Nét vẽ tình thân: Khi phạm nhân là người sáng tác

TikTok Live Fest 2024: Vinh danh hàng loạt nhà sáng tạo nội dung live